Xóm cầu mới - Chương 8: Siêu đến xóm (Nhất Linh)
Phương Như | Chat Online | |
26/07/2019 09:53:31 | |
Văn học trong nước | Sưu tầm | Tp cùng người đăng | Báo cáo vi phạm |
78 lượt xem
- * Xóm cầu mới - Chương 9: Buổi sáng đầu tiên ở nhà quê (Nhất Linh) (Văn học trong nước)
- * Xóm cầu mới - Chương 10: Ông giáo Đông bắt ruồi (Nhất Linh) (Văn học trong nước)
- * Xóm cầu mới - Chương 7: Tý đi câu tôm (Nhất Linh) (Văn học trong nước)
- * Xóm cầu mới - Chương 6: Ngày bán lợn (Nhất Linh) (Văn học trong nước)
Mùi đợi đến chiều mà vẫn chưa thấy thuyền đến. Mấy hôm trước nàng đã nhận được thư Siêu báo tin sẽ về bằng thuyền vì phải chở nhiều đồ đạc và thuyền sẽ tới Xóm cầu mới đúng vào ngày hôm nay. Suốt ngày Mùi thấp thỏm đợi, ngồi ngoài hàng thỉnh thoảng nàng lại quay cổ nghiêng người nhìn qua cái cửa sổ chắn song về phía Đầm Cói xem có cánh buồm hay cột buồm nào không. Mùi thấy mỏi cả cổ và mỏi cả lưng. Mùi toan đứng dậy đi về nhà thì vừa lúc đó ông Giáo Đông Công Ích Tin Lành bước vào hàng.
Ông giáo Đông đã dọn đến ở xóm được mấy hôm; ông ấy đã nhiều lần đi qua cửa hàng Mùi và mấy hôm nay đã bắt đầu chào nàng, mỉm cười với nàng nữa. Mùi nhìn ông Giáo đi sang ngồi bên phía có bàn giải khăn trắng và thầm nghĩ không biết ông ta sang để bán phiếu để dành tiền hay để tán tỉnh mình.
Mùi đứng lên, ân cần hỏi:
"Ông dùng gì?"
Ông giáo Đông ngồi quặt hai tay ra sau thành ghế, ngực hơi ưỡn, chân bắt chữ ngũ và đưa đi đưa lại chiếc giầy tây vàng bóng. Ông gật gù nhìn Mùi như suy nghĩ:
"Ừ ử... cô cho tôi chai bia".
Ông giáo Đông vừa nói vừa lấy ngón tay búng búng những nếp răn ở trên quần rồi bỗng như sực nhớ ra, ông bỏ chân đặt ở trên xuống cho ống quần khỏi nhầu nát. Lúc đó Mùi mới để ý đến vẻ người ông giáo Đông. Nàng thấy ông giáo Đông hao hao giống ông Ninh Ký tuy đẹp trai và lịch sự hơn nhiều. Hai mắt ông tròn và to, hơi lồi nhưng chỉ hơi lồi một tí thôi và ở người ông cái gì cũng tròn, từ khuôn mặt, gò má, mũi mồm cho đến cả hai bàn tay bé và ngón ngắn cũn. Quần áo ông như vừa mới lấy ở hòm ra và nàng thoáng thấy một mùi thơm nhẹ như mùi thơm của gỗ thông. Cả người ông cái gì cũng như bóng mới và sạch sẽ, bóng sạch quá khiến nàng tưởng như ông là một con búp bê mới nguyên, có người vừa lấy ở trong hộp ra đặt ngồi ở đấy. Mùi, một người rất sạch sẽ, rất thích sạch sẽ cũng đâm ra ghét và khó chịu về cái sạch sẽ gọn gàng của người ông và quần áo ông. Mùi tự hỏi không biết ông ta gọn gàng quá như thế để làm gì vì chính cái gọn gàng ấy đã làm cho nàng - và nàng chắc những người khác cũng thế - có ác cảm ngay với ông ta.
Mùi đặt chai bia lên bàn rồi đi tìm cái mở bia. Mấy tháng trời rét, lần đầu tiên có người uống bia nên nàng không nhớ rõ đã để cái mở bia ở xó nào. Đông thấy Mùi luống cuống vội cầm lấy chai bia, mỉm cười rồi cho chai lên cắn đến tách một cái, nút bia tung xuống đất. Mùi nói:
"Ông làm thế gẫy răng chết".
Giọng Mùi là giọng chế nhạo nhưng Đông lại cho là dí dỏm. Chàng tươi cười nói:
"Cô cũng phải tập mở cách này cho tiện. Không khó gì cả. Biết cách thì thỉnh thoảng lắm mới sứt một tí răng thôi".
Rồi Đông lại cất tiếng cười để điểm câu pha trò của mình. Đông vì nghề nghiệp cần đến nên lúc nào cũng tươi cười nhưng phần nhiều là tươi cười gượng chỉ trừ lúc ngủ nhưng cả đến lúc ngủ theo thói quen bắp thịt ở má cũng làm việc, thỉnh thoảng hai mép lại nhếch lên một tí.
Đông để nghiêng cái cốc, vừa rót rượu vừa nói như dậy Mùi:
"Ừ ử... rót cách này thì rượu không có bọt, có người thích uống có nhiều bọt, có người thích uống không bọt. Nếu không biết cách này thì cứ phải ngồi đợi hay thổi bọt đi. Khát mà phải ngồi đợi thì phiền mà thổi bọt đi thì phí. Không biết cách này thì thật là phiền phí".
Chàng nâng cốc uống một hơi cạn, lấy tay áo quệt ngang mồm một cái. Cách quệt mồm này, Đông bắt chước ông Công Sứ ở tỉnh và vì thế cho đó là một cử chỉ lịch sự. Mùi nghĩ ông giáo Đông có lắm cách lắm vì mới vào có một lúc mà đã giở ra mấy cách rồi nhưng cái cách lấy tay quệt ngang mồm - nhất là tay áo của ông phẳng phiu sạch sẽ như thế kia - thì không lịch sự tí nào và nàng mỉm cười. Đông thấy Mùi mỉm cười tưởng là Mùi phục mình:
"Người tây thích uống một hơi cạn, người ta thích uống từng ngụm nhỏ, mỗi cách ngon một khác".
Mùi hỏi một cách ngây thơ:
"Thế có cách nào làm cho rượu bia không đắng không ông? Ông biết lắm cách thế thì chắc ông phải có cách".
Nàng định nói mát để tỏ cho ông giáo Đông biết là ông đã quá khoe khoang về các cách không có gì tài tình của ông, nhưng Đông lại tươi hẳn nét mặt vì tưởng Mùi phục mình thạo và vì câu hỏi ấy chàng lại có thể tỏ sự thông thạo của chàng ra nhiều hơn:
"Rượu bia ngon chính vì nó đắng, nhưng cũng có người thích ngọt nhất là các bà các cô. Vì thế người ta phải chế ra hai thứ bia: bia nâu thì đắng, bia vàng thì ngọt. Rượu này là rượu bia vàng. Rượu bia nâu chỉ bán ở Hà Nội, Hải Phòng. Ở nhà quê tôi kiếm đâu cũng không có rượu bia nâu vì không có những tay sành uống".
Mùi nghĩ thầm "Thế nghĩa là ông Giáo Đông là tay sành uống" rồi nàng nói to:
"Nhưng ngay cả đến rượu bia vàng này tôi cũng thấy nó đắng thì làm thế nào?"
Đông không hiểu tại sao Mùi lại thấy rượu bia này là đắng được:
"Ừ ử... muốn ngọt thì chỉ có một cách cho thật nhiều đường vào".
"Ngỡ cách gì chứ cách ấy thì tôi vẫn làm mỗi khi có bà nào đau bụng máu cần phải uống đến bia mới khỏi".
Đông nói:
"Uống rượu bia thì khỏi đau bụng à?"
Đông đã thấy mình nói nhiều quá về rượu bia mà chàng đến đây không phải cốt để uống bia và nói chuyện về cách thức uống rượu bia. Sau khi đã hỏi rõ bà Ký Ân và biết Mùi có vốn liếng riêng, chàng đến cửa hàng Mùi với ý định nói cho Mùi biết về những ích lợi của công ty để dành tiền Công Ích. Đối với ai lần đầu chàng cũng chỉ nói về lợi ích thôi, không nằn nì họ mua phiếu. Chàng để mặc cho khách hàng nghĩ chín rồi lần sau đến chỉ nhắc qua để tự ý người khách ngỏ ý mua trước. Đông bao giờ cũng có hai nguyên tắc chính: làm cho họ thấy rõ là có lợi và làm cho họ tin chắc chắn là không bao giờ mất. Chàng thấy phần nhiều các bà hay mua vì các bà tham lợi và dễ tin. Cần nhất là phải nói chuyện riêng với các bà các cô vì họ hay mua giấu chồng (sợ chồng tiêu mất) hoặc giấu cha (sợ cha lấy mất); vả lại như thế đỡ có người nói ra nói vào làm giảm lòng tin đi.
Đợi mãi mới được lúc Mùi ngồi ở cửa hàng một mình, không ngờ vui miệng nói mãi về rượu bia. Sự thực lúc đó Đông quên hẳn ý nghĩ nhà nghề. Chàng thấy cô hàng xinh đẹp ấy mới gặp chàng mà đã ra vẻ có cảm tình riêng với chàng; hai con mắt trong sáng như ướt nước của nàng vừa có vẻ thơ ngây, lại vừa tinh nghịch nhìn chàng những khi chàng nói - chắc cô nàng đã thấy mình có duyên và thông thạo - cô nàng đã phục mình rồi thì mình cũng phải tỏ ý phục cô nàng về một vài chỗ nào đấy:
"Cô hình như thạo về cách thức chữa bệnh lắm thì phải. Con gái một ông Lang mà".
Chàng thấy Mùi không để ý nghe câu nói của mình; nàng nghiêng cổ nhìn về phía sau. Đông không hiểu vì cớ gì, từ lúc chàng vào hàng có lẽ đến ba bốn lần Mùi làm như thế rồi. Lần này chàng thấy Mùi đứng thẳng lên:
"Bác Lê ơi, anh Nhỡ, Bé ơi!"
Rồi chàng thấy Mùi chạy sang nhà bên cạnh như là không biết có chàng ngồi đấy; chàng thấy tiếng người nói ríu rít một lúc rồi yên hẳn nhưng đợi mãi cũng không thấy Mùi trở về. Chàng chạy sang hỏi thì Nhỡ nói là Mùi đã về nhà. Đông ngơ ngác tự hỏi:
"Về nhà? Trong lúc có khách ngồi ở hàng và bỏ quên cả khách".
Chàng cất tiếng hỏi Nhỡ:
"Việc gì đây?"
Nhỡ cười đáp:
"Bẩm không có việc gì cả. Cô ấy bảo cháu đợi thuyền đến khuân đồ đạc".
Đông quay về cửa hàng, nét mặt hết cả tươi cười. Chàng nhận ra Mùi đã không để ý gì đến chàng như lúc nẫy chàng vẫn sung sướng tưởng thế. Chàng cắp cái cặp vào nách, rót nốt chỗ rượu ở chai và nhấc cốc uống một hơi cạn. Rượu bia vàng mà lúc đó chàng cũng thấy đăng đắng.
Đông đặt tiền rượu ở bàn, toan đi. Bỗng chàng ngừng lại vì chợt thấy một cái khăn tay trắng để ngay cạnh chỗ Mùi ngồi.
"Chắc là khăn tay của cô ả bỏ quên".
Nhìn quanh không thấy ai, Đông tiến đến, cúi nhặt chiếc khăn và bỏ ngay vào túi, quả tim hồi hộp. Ra đến cửa thấy Bé ở bên cạnh chạy về, Đông bảo Bé:
"Tiền rượu tôi để ở bàn ấy".
Đông đi khỏi, Bé vào ngồi ở ghế cạnh chõng. Bỗng Bé nhìn quanh người:
"Ồ cái khăn che mắt mình vừa thay ra để đây, đâu rồi?"
Bé cúi nhìn xuống dưới chõng, nhìn sang cái bàn phủ khăn trắng, nhìn sang chỗ lò bánh, nhìn khắp nhà.
Bé nghĩ Mùi thì không đời nào cầm lẫn khăn của nàng vì Mùi sợ lây, từ nẫy đến giờ chỉ có một mình ông Giáo Đông mà ông Giáo Đông thì lấy làm gì cái khăn bẩn và dễ lây ấy; hay là chuột tha.
Trong lúc đó thì Đông, sau khi đã đóng cửa, rút chiếc khăn ra vò ở tay ngắm nghía. Chàng đưa lên Mũi ngửi và lẩm bẩm:
"Khăn có một mùi thơm là lạ, hay hay".
Và Đông thấy khắp người choáng váng một cái thú say sưa; chàng cho là một điềm hay vì khi nào đã có được khăn tay của một người con gái thì người ấy thường hay mê lại. Có một điều chắc chắn là vì chiếc khăn đó mà Đông đâm ra mê người con gái có khăn.
Chàng lại đưa chiếc khăn lên hôn và chợt tìm ra là mùi thơm là lạ ấy giống mùi thơm của một vị thuốc.
Chàng mỉm cười nói một mình:
"Khăn tay của con gái ông Lang có khác".
Chiếc khăn đối với chàng trở nên quý giá và thân yêu hơn vì như còn giữ lại trong nếp hơi hướng của da thịt Mùi.
*
Mùi chạy về báo tin cho cha và em biết, gọi u già bảo sửa soạn làm cơm rồi ra đứng ở luỹ tre nhìn về phía cánh đồng:
"Không khéo trời mưa mất".
Cánh buồm bỗng vàng hẳn lên vì ánh mặt trời tà chiếu xuyên từ phía tây lại và nổi bật lên trên nền xám mờ mờ ở chân trời, Mùi chắc không bao giờ quên được cái cảnh chiếc buồm vàng tươi nổi bật lên như sự hiển hiện của nỗi vui trong lòng nàng.
Triết cũng chạy lại đứng gần chị nói:
"Nhưng chắc đâu đã là thuyền chở bác Cai. Em trông giống cánh buồm thuyền chở nâu của bác Hai Vinh".
Mùi cũng sực nhớ ra là cánh buồm ấy giống cánh buồm thuyền của ông Hai Vinh và nàng thất vọng. Nàng nói:
"Cũng có lẽ... à... nhưng thuyền có thể vừa chở nâu vừa chở người được lắm chứ?"
Triết nói:
"Nhưng làm gì có nâu ở bể mà chị bảo là chở nâu. Chị thật lú gan lú ruột".
"Ừ nhỉ".
Mùi vừa trả lời nhát gừng vừa nhìn cánh buồm và nhìn cơn mưa mỗi lúc một gần thêm. Bỗng nàng sực nghĩ ra sự vô lý của Triết:
"Thế sao chú lại bảo là thuyền chở nâu".
"Thế em mới lẩn thẩn mà chị cũng lẩn thẩn. Thuyền chở nâu thì phải đi phía bên trên cầu chứ".
Mùi cười nói:
"Mà còn đâu Hai Vinh củ nâu mà củ với kiếc. Chắc là thuyền bác Cai rồi".
Trời bắt đầu đổ mưa. Hai chị em chạy đứng nấp dưới gốc một cây nhãn. Chiếc thuyền tới gần chùa Hàn, Mùi thấy một người thò đầu ra ngoài khoang giơ tay vẫy, nàng đoán là Siêu. Nàng cũng giơ tay đưa đi đưa lại: bỗng nàng mỉm cười nhớ đến hôm đứng cạnh gốc bàng hai người vẫy tay từ biệt và tay nàng đổi ra vẫy nhanh rối rít.
Lúc thuyền đi ngang, cả Mùi cả Siêu đều thôi không vẫy tay nữa. Mùi yên lặng nhìn Siêu. Thế là cái mong ước trong bao lâu từ lúc này đã biến thành sự thực nhưng lòng Mùi không thấy xao xuyến gì cho lắm. Thấy bên cạnh Siêu có một cái đầu thò ra nhìn rồi lại thụt vào rồi lại thò ra đến bốn năm lượt, Mùi đoán là Mạch em trai bé của Siêu. Lúc thuyền đến gần, Mùi hỏi Siêu:
"Bác đâu?"
Siêu lấy tay chỉ vào khoang, Mùi hơi lấy làm lạ vì cho dầu trời mưa, ít ra bà Cai cũng phải ra cửa khoang nhìn khi nghe tiếng nàng hỏi. Nàng đoán có lẽ bà Cai say sóng.
Lúc thuyền tới bến vừa bắc cầu xong, Mùi đã nhanh nhẹn bước xuống và chui vào khoang thuyền:
"Lạy bác ạ... hai anh ạ. Cháu đợi suốt ngày hôm nay, nóng ruột quá".
Mùi thấy bà Cai ngồi yên; nàng vào mà bà cũng không để ý gì đến nàng cả. Mạch thì nhìn nàng trừng trừng. Một lúc bà Cai mới nhìn nàng và bảo Siêu:
"Sao không mời cô ấy ngồi".
Mùi đoán có lẽ xa cách nhau lâu năm, nàng đã đổi khác nhiều nên bà Cai không nhận ra được mặt nên nàng vội mỉm cười nói:
"Thưa bác cháu đây mà. Cháu Mùi đây mà".
Nhưng Mùi cũng không khỏi ngạc nhiên vì bà Cai nếu không nhận được mặt thì ít nhất cũng phải đoán ra. Vả lại nàng đã ngồi rồi mà còn nói mời ngồi. Mùi thấy bà Cai tự nhiên cười lên một tiếng rồi lẩm bẩm nói nhưng không phải nói với nàng:
"Trông cô ấy giống như con gái lão Bẹc-Nà râu xồm".
Mùi trợn mắt rồi lại chớp chớp luôn mấy cái, nhìn bà Cai rồi lại đưa mắt nhìn Siêu. Mùi thấy Mạch cũng trợn mắt và chớp chớp bắt chước mình, rồi nghiêng đầu nhìn mình như nhìn một con vật lạ. Nàng giơ tay xoa đầu Mạch nói:
"Anh Mạch bây giờ đã nhớn lắm rồi nhỉ".
Bà Cai lại nói và vẫn nói một mình tuy mắt thì nhìn vào Mùi:
"Chai rượu cốt-nhắc biếu lão Bẹc-Nà thằng Quý đánh vỡ cả rồi. Cái thằng Quý động cầm cái gì thì đánh vỡ cái ấy".
Triết bấm vào tay chị một cái. Mùi đưa mắt hỏi Siêu. Siêu giơ tay lên che miệng và lắc tay mấy cái. Mùi hiểu là bà Cai điên nhưng nàng phải theo ý của Siêu diễn ra bằng hiệu tay là làm như không nhận thấy có gì lạ cả. Nàng hỏi bà Cai:
"Bác đi thuyền có say sóng không?"
"Có. Đi ra Hòn Gai sóng to lắm. Có bốn con cá nó đi theo tầu, một con đi gần tầu, một con cũng đi gần, một con đi đằng xa, còn một con đi tít tận đằng xa".
Rồi bà Cai lại nhìn Mùi và lần này nói với Mùi:
"Cô có biết bà Hợp Thành ở Hòn Gai không nhỉ?"
"Thưa bác không ạ".
""Cô thì không biết cái gì cả".
"Vâng ạ".
Và Mùi không giữ được mỉm cười khi nói hai tiếng "vâng ạ" ngớ ngẩn ấy.
Lúc đó Mùi mới nhìn Siêu; tuy nhìn Siêu nhiều lần rồi nhưng lần này Mùi mới thật là nhìn Siêu sau hơn một năm cách mặt. Mùi thấy Siêu đẹp ra và ở trong nét mặt phảng phất có một thứ gì khác ngày trước. Nàng lấy làm lạ là tuy bà Cai bị điên, ông Cai vỡ nợ phải bỏ trốn mà nét mặt Siêu vẫn điềm tĩnh sáng sủa như không có chuyện gì lo buồn đã xẩy ra. Nhìn mặt Siêu nàng thấy có một cảm giác bình tĩnh, ở trong lòng lâng lâng coi như mọi việc không có việc gì quan trọng nữa.
Siêu cũng nhìn Mùi và mỉm cười. Chàng vừa nhận thấy Mùi giống cô Jeanne con gái ông Bernard thật: Jeanne tóc đỏ, mắt xanh, mũi lõ, cái gì cũng khác Mùi cả, nhưng giống thì đúng như bà Cai nói: giống lắm. Chàng nghĩ thầm: "Những người điên nhìn cái gì cũng nhìn một cách giản dị, bỏ hết những cái phụ thuộc nên trông rõ cái chính. Vì thế mẹ mình đã thấy Mùi giống Jeanne còn mình thì không nhận thấy".
Óc chàng suy nghĩ thế nhưng miệng chàng nói:
"Bây giờ chiều rồi, không dọn được đồ đạc. Đợi xem một lát ngớt mưa thì về".
Lúc đó Mùi mới để ý đến đồ đạc xếp ngổn ngang ở trong khoang và thấy thứ nào cũng có vẻ sang trọng cả; quần áo bà Cai và Siêu, Mạch nàng thấy cũng có vẻ sang đối với những người ở Xóm cầu mới. Nàng vui mừng thấy câu nói "anh Siêu có tiền" là đúng với sự thật. Nàng nhìn xuống chân Siêu, mỉm cười: Siêu hãy còn đi giầy tây.
Mạch lúc bấy giờ thôi không nhìn Mùi nữa, nó quay sang nhìn Triết. Triết đặt một tay lên vai Mạch. Mạch cũng đặt tay lên vai Triết và hỏi:
"Ở đây có trường học không?"
Triết nói:
"Có. Anh hỏi làm gì?"
Mạch không đáp; tay Mạch đã hạ xuống dưới cổ Triết và tháo xong cái cúc áo ở cổ.
"Thế anh có đi học không?"
Triết nói:
"Có. Thế mới phiền".
"Phiền thật".
Tay Mạch đã cởi được cúc của áo thứ hai của Triết. Mạch lại hỏi:
"Sao anh gầy thế?"
Và Mạch giơ tay lên sờ vào má Triết chỗ có cái gân xanh và cào cạo như thử xem cái vết xanh ấy có sạch không. Tay trái Mạch đặt vào sườn Triết làm như ướm xem Triết gầy như thế nào và cởi luôn được cả hai cái cúc ở dưới nách.
Mùi nói:
"Giời này thì còn mưa lâu. Mời bác và anh về nhà xơi cơm, đồ đạc sáng mai dọn".
Triết vội chui ra ngoài khoang cầm ô giương và lấy làm lạ thấy tự nhiên các áo mình lại tuột hết và vạt áo trước lật ra để hở cả áo cánh. Siêu nói:
"Lại cái thằng loăng quăng bị gậy".
Triết lúc bấy giờ mới nhận ra là Mạch loăng quăng thật. Từ lúc gặp, Triết nhận thấy tay chân Mạch không để yên được một lúc, đầu hết nghiêng bên nọ lại nghiêng bên kia, cái bờm tóc ở đầu cũng hình như đổi chỗ luôn và quần áo mặc thì cổ áo lệch sang hẳn bên vai và cái quần thì hình như nút buộc chạy hẳn sang bên cạnh sườn; cả người Mạch hình như không có một cái gì ở vào đúng chỗ của nó.
Mạch chạy ra đứng nấp dưới ô của Triết và lại bắt đầu cài cúc lại cho Triết. Mùi vừa dắt bà Cai vừa giương ô che. Còn ba cái nón của Mùi đem ra Siêu phải đi cả lên đầu.
Mưa mỗi lúc một nặng hạt thêm. Mùi gọi Bé bảo xách hai cái gói chăn và đi hộ Siêu hai cái nón. Lên tới bờ, bỗng Mùi thấy nhói một cái ở tim; nàng vừa nhận thấy là cả bà Cai, cả Siêu Mạch đều không mang một thứ gì, cả đến một cái hộp nhỏ hay cái cặp cũng không.
"Thế thì chả có đồng xu mẹ nào".
Mùi tự trách là sao lúc này nàng lại để ý đến việc đó và cái nhói ở tim đã cho nàng biết là chính nàng lại khó chịu về chỗ bà Cai hết tiền hơn cả ông Lang nữa; cái ý thích Siêu nghèo chỉ là một ý bề ngoài.
Triết vừa đi vừa hỏi Mạch:
"Anh có thích bươm bướm không?"
"Thích lắm nhưng ở Hải Phòng không có bươm bướm".
Triết giơ tay kéo Mạch vào vì thấy Mạch loăng quăng chạy ra ngoài ô giẫm lên một đám cỏ may ở cạnh đường để xem cỏ may bám vào quần ra làm sao.
"Chốc nữa tôi cho anh xem. Có cả bươm bướm ma. Nó biết nói".
"Thế à? Thích nhỉ. Ngày trước tôi cũng có một con vẹt biết nói; nó nói "có khách, có khách" nghe y như người. Thế bươm bướm nó nói thế nào?"
Triết lại giơ tay kéo Mạch đi vào trong ô:
"Bươm bướm nó nói khác. Nó nói thầm".
Mạch hỏi:
"Nó nói thầm thì mình nghe thế nào được".
"Nghe được chứ. Tôi đi ngủ để ở đầu giường, đêm khuya yên tĩnh thỉnh thoảng lắm nó mới nói cho nghe".
"Thế thì phiền nhỉ. Mình ngủ không nghe được nó nói".
"Tôi sẽ đánh thức anh dậy".
Về đến chỗ dậu dâm bụt nở hoa thì Triết không sao giữ nổi Mạch ở trong ô nữa. Mạch hình như muốn hái hết cả hoa ở giậu.
Vào đến nhà, Mùi đặt bà Cai ở giường rồi đi lấy khăn khô lau những chỗ ướt ở khăn vuông, ở vai áo. Ông Lang Hàn ở trong buồng đi ra, vẻ mặt tươi cười. Thấy bà Cai và Siêu ăn mặc có vẻ sang, ông Lang thấy trong lòng nhẹ nhõm vì biết chắc bà Cai còn tiền như lời Mùi nói độ trước. Bà Cai nhìn ông Lang đi lại phía mình rồi giơ tay, nói:
"Ông Lang đấy à? Sao lâu lắm không thấy ông đến chơi. Có vài sào đất chứ có bao nhiêu đâu mà ông giận tôi. Mời ông ngồi chơi. Quý ơi, pha nước".
Tự nhiên bà Cai khẽ cười lên một tràng dài rồi lại lẩm bẩm nói một mình không để ý đến ông Lang nữa. Ông Lang đưa mắt nhìn Siêu rồi lại nhìn Mùi; thấy vẻ mắt hai người nhìn lại mình, ông biết chắc là bà Cai điên. Bụng ông phiền hết sức và mặt ông Mùi thấy nhiễm đầy phiền muộn và khó chịu.
Mạch đi vào, tay ôm một bó hoa đầy và đặt lên cái thảm lông của ông Lang vẫn ngồi uống nước trà. Nó nằm sấp xuống chọn những hoa to xếp lại với nhau. Bỗng nó thấy cuốn sách thuốc của ông Lang, nó mở ra lật từng trang, ngắm nghía các tranh vẽ. Loay hoay thế nào khuỷu tay nó chạm ngay vào bộ chén trà quý của ông Lang rơi tung ra phản. Ông Lang quay mặt lại rồi chạy vội ra phản nhặt chén; may không vỡ chiếc nào nhưng cái bực mình của ông đã lên đến cực điểm. Ông nhìn cái thảm lông thì cái thảm cũng đã ướt dầm nước và cả cuốn sách nhờ người mua tận bên Tàu cũng đã bị Mạch làm nhầu nát mấy trang. Ông nhìn Mạch thấy Mạch quần áo xốc xếch đầu tóc rối bù, trên trán trên má đầy lá ướt trông y như một thằng quỷ con, ông nghĩ thầm:
"Tự nhiên rước một thằng quỷ con với một bà điên về nhà".
Để chuộc lại cái lỗi đánh đổ chén, cái lỗi của Mạch thấy không có gì to lắm vì chén không vỡ cái nào, Mạch loay hoay xếp lại các chén ở trong khay cho ngay ngắn. Ông Lang thì tưởng là Mạch lại bắt đầu nghịch chén nữa. Ông gắt:
"Muốn ở đây thì đừng động vào những cái gì của tôi".
Mùi nhìn Siêu thấy Siêu nét mặt vẫn bình tĩnh nhưng nàng đoán Siêu chắc khó chịu lắm. Trong lúc gặp gỡ sau mấy năm cách mặt, lại vào giữa tình trạng éo le đến nhờ vả mà câu nói đầu tiên của cha nàng lại là câu "Muốn ở đây thì..." Tuy là nói một đứa trẻ con, nhưng sao cha nàng lại không có ý tứ hơn. Siêu thì buồn phiền hết sức nhưng chàng không thể giận ông Lang vì dẫu sao câu nói chỉ là một câu nói sơ suất, chàng biết không có ngụ ý gì khác. Chàng sẽ búng tay một cái như muốn rũ cái khó chịu đi.
Ông Lang quay lại và thoáng thấy vẻ yên lặng đặc biệt trên nét mặt Siêu và Mùi, ông hối hận là đã nói lỡ lời chạm đến bà Cai và Siêu. Mà sự hối hận ấy lại làm ông bứt rứt khó chịu hơn cả việc bà Cai điên, Mạch nghịch ngợm, và chính sự khó chịu bứt rứt ấy lại làm ông cố tươi nét mặt và mỉm cười nhìn mọi người. Ông khẽ gọi Siêu lại gần và thân mật hỏi về bệnh của bà Cai. Mùi lấy gối để bà Cai nằm rồi lại gần nghe Siêu nói:
"Lúc xẩy ra việc lôi thôi thì mợ cháu không việc gì. Mới bị điên hai tháng nay. Có lúc tỉnh lúc mê nhưng không bao giờ đập đồ đạc, xé quần áo. Lúc mê nặng thì nói nhiều và cười nhiều hơn. Bây giờ vào độ mê bình thường, vì còn nhận ra được chú".
Ông Lang nói:
"Chắc bác ấy buồn vì nhà buôn bán thua lỗ hết tiền phải lo công nợ".
Siêu nói luôn:
"Không phải thế..."
Chàng ngừng lại suy nghĩ một lát rồi tiếp theo:
"Thưa chú trước cháu cũng tưởng thế, nhưng đến khi mợ cháu bị bệnh vì một sự tình cờ cháu tìm ra được chỗ mợ cháu dấu tiền có đến ba trăm bạc..."
Mùi giật nẩy mình, sự sung sướng tràn ngập cả lòng. Nàng nhắc lại, giọng hơi to:
"Những ba trăm bạc nhỉ!"
Siêu giơ tay làm hiệu:
"Cô nói khe khẽ chứ".
Mùi hỏi luôn:
"Thế bây giờ còn không?"
"Hãy còn nguyên cả".
"Thế anh để đâu, anh để quên ngoài thuyền à?"
"Thì cô hãy thong thả đã. Nhà chưa bao giờ có nhiều tiền như thế vậy mợ cháu bị điên không phải vì chuyện tiền. Chắc có một nguyên do khác cháu chưa tìm ra hoặc không có duyên cớ gì cả".
Mùi hỏi:
"Có nhiều tiền thế sao không ở Hải Phòng buôn bán lại về đây làm gì".
Siêu nói:
"Không buôn bán được".
Trả lời xong Siêu đưa mắt nhìn Mùi dò xét xem câu nói của Mùi có ngầm ý khác không. Dẫu thế nào chàng cũng khó chịu vì mấy chữ "về đây làm gì" của Mùi dùng. Chàng cố dằn lòng nhưng miệng vẫn cứ nói:
"Lẽ ra tôi không muốn về đây làm gì".
Chàng muốn nói đến đấy thì dừng hẳn lại không nói thêm gì nữa nhưng làm thế tất Mùi sẽ biết là chàng tức, nên chàng phải tiếp theo luôn:
"Cậu tôi trước khi trốn có dặn thế nào cũng về ở Xóm. Tôi đoán là vì có khi muốn lẩn lút về thăm nhà. Cho nên thế nào cũng phải thuê nhà hay làm nhà ngoài xóm".
Mùi không hỏi kỹ nhưng cũng biết số tiền ba trăm này là bất chính, chắc ông Cai trước khi trốn đã đưa giấu bà Cai, nếu có người biết bà Cai sẽ bị tù thay chồng.
"Phiền nhỉ. Có tiền mà không buôn bán được cứ ngồi ăn mãi thì cũng đến hết cả bạc cánh, bạc nhị".
Siêu nói:
"Tôi có cách".
Ông Lang hỏi:
"Cách gì cơ?"
"Thưa chú để vài hôm nữa mới biết đích xác".
Ông Lang lúc đó hết cả phiền muộn; không những không phải giúp đỡ nhà ông Cai mà khi nào cần lại có chỗ để vay tiền rất dễ dàng mà không mất lãi. Việc gả chồng của Mùi (vì bà Cai điên) ông sẽ liệu cách khác. Mùi thì sung sướng như là chính cái nồi đất của nàng đã nặng thêm được ba trăm bạc đồng.
Trong lúc đó thì ở trong buồng Triết đương giơ cuốn sách, thong thả lật từng trang một cho Mạch xem bướm.
"Trông nó lồi hẳn lên".
Mạch nói thế và đưa tay định sờ vào cánh bướm xem nó có lồi thật không nhưng đã bị Triết đấm một cái mạnh vào lưng:
"Sờ vào thì mất hết phấn".
Tuy biết thế nhưng giá Mạch được vừa nhìn vừa sờ thì khoái trá hơn nhiều. Tay nó lại để lên cổ Triết vừa nghe Triết giảng giải về bướm vừa rứt rứt những tóc gáy của Triết.
"Anh Mạch, đây là con bướm tàu vì cánh nó có hai đuôi, đây là hai con bướm đêm. Bướm đêm lúc đậu thì xoè cánh, bướm ngày lúc đậu thì chụm cánh lại. Bướm đêm cũng có khi bay ban ngày, bướm ngày không bao giờ bay ban đêm vì nó không trông thấy gì mà mình cũng không trông thấy nó. Bướm đêm mới nhiều con đẹp. Con bướm ma cũng là bướm đêm".
Mạch rứt tóc gáy Triết một cái mạnh:
"Ừ nhỉ, bướm ma đâu?"
Triết gấp sách lại cất đi:
"Thôi, phải xem dần mỗi ngày một tí mới thích".
Mạch nói:
"Mai anh cho tôi đi bắt bướm với nhé".
"Không được, mai phải đi học. Để đến chủ nhật, thứ năm".
"Phiền nhỉ. Đi học làm cái quái quỉ gì. Mà sao ở đây là nhà quê mà cũng có trường học, cũng có thứ năm, chủ nhật y như ở Hải Phòng. Anh có ghét đi học không?"
"Ghét lắm nhưng vẫn phải đi".
"Em cũng ghét nhất đi học. Ghét nhỉ".
Triết gật gù tán thành và đấm vào lưng Mạch một cái nữa.
Lúc ra đến nhà ngoài Triết và Mạch đã trở nên hai bạn thân nhất đời và hoàn toàn hợp tính nết.
Mùi thấy Triết và Mạch đi ra quấn quýt lấy nhau và nét mặt Triết lần đầu tiên nàng thấy hớn hở, mắt sáng và nhanh hẳn lên, nước da cũng bớt xanh xao. Mùi mừng rằng từ nay em mình có người bạn nhỏ để cùng chơi, chắc sẽ không ngồi buồn ở hiên nữa. Nhưng quần áo hai anh em, Mùi nhìn thấy rối cả mắt, em nàng đã lôi thôi, Mạch lại xốc xếch gấp hai.
Mùi ngồi xuống kéo Mạch lại gần, vuốt lại tóc, nhặt những cái lá dính ở trán ở má, sửa lại cổ áo, nhặt các hoa cỏ may vướng ở áo và kéo lại cái quần cho ngay ngắn. Xếp đặt người Mạch xong, Mùi nghiêng đầu nghiêng cổ ngắm nghía và thấy Mạch vẫn lôi thôi thế nào ấy. Bỗng Mùi giật mình nhìn xuống và thấy vạt áo dài rơi toả xuống nền gạch, áo cánh hở ra trắng xoá.
Siêu cười bảo Mùi:
"Thực là cái thằng oái oăm".
Trước khi đến Xóm, Siêu thấy Mạch hỏi kỹ xem nhà ông Lang có mấy người và cách thức ăn mặc của từng người một. Trước thấy Mạch cởi áo Triết mà lần này lại cởi được áo của Mùi, Siêu mới hiểu ý định của Mạch và nghĩ đến chỗ Mạch cứ từ tốn thực hành cái chương trình nhỏ của mình, đã thành công được hai người rồi, chỉ còn thiếu một ông Lang, Siêu không thể nhịn cười được.
Mùi nghĩ lúc đó giận mắng Mạch thì cũng không được mà sự thật nàng cũng không giận gì, cười với Mạch thì sợ nuông cho Mạch hỗn, chỉ có một cách là bắt chước bác Lê gái, cốc đầu Mạch một cái là hợp nhất. Nghĩ thế Mùi giơ tay cốc đầu Mạch một cái không nhẹ quá mà cũng không mạnh quá vừa đúng tình thế nửa đùa nửa giận lúc đó.
Nhìn bà Cai nằm ở phản nói lảm nhảm một mình, Mùi lấy làm lạ rằng không ai để ý và buồn về việc bà Cai điên mà cả đến Siêu cũng vậy. Chính Mùi lại nhận thấy bà Cai điên như thế nàng được tự do với Siêu hơn. Nhưng còn Siêu, tại sao Siêu lại không mảy may buồn bã, coi như bà Cai điên là một sự tự nhiên hay một việc đã lâu hàng năm và quen lắm rồi.
Ngoài nhà trời đã tối và mưa vẫn rơi rả rích, Siêu và Mùi ngồi đối diện nhưng cả hai đều yên lặng và không nhìn nhau. Mùi thì đương nghĩ đến số tiền của bà Cai và miệng lẩm bẩm tính:
"Bẩy chục với ba trăm bẩy mươi đồng. Cứ tính bỏ nhỏ là mười phân cũng được bốn chục, đủ tiêu rộng rãi cả nhà. Nếu đi cân gạo thì còn gấp đôi thế nữa.
Siêu thì đương hối hận đã nói số tiền đó, nhất là nói cho ông Lang biết. Tuy không hiểu vì cớ gì nhưng chàng thấy chắc sau này sẽ có nhiều chuyện rất phiền về việc đó. Trong một lúc nóng nẩy chàng chỉ nghĩ đến việc làm cho mình bớt khó chịu về câu nói vô tình của ông Lang mắng Mạch. Để tránh một sự khó chịu nhỏ chỉ trong chốc lát sẽ qua đi, chàng đã vướng vào một sự bứt rứt có lẽ kéo dài. Chàng vụt ra cái ý tưởng bảo rằng bà Cai đã đem số tiền đó trả nợ những chỗ thân thuộc và túng thiếu khổ sở về việc ông Cai vỡ nợ nhưng tuy không nhớ hẳn chàng cũng mang máng là như đã có nói số tiền ấy còn. Chàng tự hỏi:
"Mình đã nói những gì lúc nãy?"
Chàng cố nhớ lại những câu nói chuyện nhưng không tài nào nhớ rõ, song có một điều rõ ràng nhất là chàng đã có tỏ ra rằng số tiền ấy còn. Chàng bực tức đứng lên; Mùi chạy vào buồng cầm ra một đôi guốc, đặt cạnh chỗ Siêu đứng:
"Mời anh đi rửa chân".
Mùi thắp đèn rồi lấy nón đưa cho Siêu. Hai người đi qua cái sân gạch ra chỗ bể nước. Mùi lấy gáo múc nước đưa cho Siêu rồi đợi Siêu dội xong, nàng đón lấy gáo rửa chân mình.
Đứng trong vòng ánh sáng nhỏ hẹp của chiếc đèn con, một màn mưa bao bọc chung quanh, giữa những tiếng rào rào và quen thuộc của mưa trên nón lá, hai người nhìn nhau lặng lẽ và cùng có cái cảm tưởng là từ lúc đó mới thực là đã trở về với nhau. Tiếng Mùi nói khẽ và hơi run run trong một niềm vui thâm trầm:
"Nước lạnh chân quá, anh có thấy lạnh không!"
Miệng nói câu ấy nhưng lòng nàng là muốn diễn với Siêu: "Em đương vui sướng đây. Anh có thấy không?". Siêu nghe tiếng Mùi như vẳng ở đâu rất xa lại và thân yêu như một nỗi nhớ nào từ hồi quá vãng. Chàng nhìn hai bàn chân nhỏ nhắn của Mùi đương bắt tréo hứng lấy dòng nước từ gáo chẩy xuống. Chàng loay hoay nghĩ ngợi để tìm một câu tả nỗi vui được gặp mặt Mùi, được sống gần Mùi, nhưng chàng không biết nói câu gì.
"Đôi guốc của cô tôi đi nhỏ quá, đau cả chân".
Những tiếng vu vơ ấy lại vang lên trong lòng chàng thân yêu hơn những lời thân yêu. Chính câu chàng nói không định diễn tả lòng mình mà lại diễn tả nhiều hơn. Đối với chàng lúc đó thì bất cứ một câu nói gì cũng diễn tả tất cả nỗi vui của chàng bởi vì cái vui đã reo lên trong lòng chàng rồi trước khi chàng nói ra lời diễn tả.
Bỗng tiếng gió rào rào trong luỹ tre nổi mạnh, rồi một cơn gió đưa qua làm lung lay ánh ngọn đèn con và thổi rối loạn các giọt mưa đương rơi đều giữa hai người. Siêu không nhìn rõ hai con mắt Mùi vì ánh đèn để ở dưới chiếu bóng tối phớt ngược lên, nhưng chàng cũng nhận thấy có một tia sáng vụt loé rất mau trong hai con ngươi của Mùi. Chàng không biết có phải Mùi đương mỉm cười với chàng không nhưng chàng cũng mỉm cười rất nhẹ đáp lại.
Siêu và Mùi bước vào nhà thì u già đã đặt mâm cơm trên phản. Ông Lang nói với Mùi:
"Con vào lấy cái hũ rượu ra. Hôm nay thì phải uống rượu chứ".
Mùi hỏi Siêu:
"Anh uống được rượu không? Rượu của ông Năm Bụng ngon lắm".
Siêu đáp:
"Rượu thì tôi phải uống luôn".
"Thế thì may quá".
Mùi nói thế vì nghĩ đến chỗ mười chai rượu của ông Năm Bụng đã có người tiêu thụ. Nàng lệ khệ xách ra một cái hũ rượu lớn, đặt trước chỗ Siêu ngồi:
"Chỗ này thì anh uống mấy hôm hết".
Siêu mỉm cười:
"Không bao giờ hết cả, vì tôi có rượu riêng".
"Anh có rượu riêng?"
"Rượu tôi tự chế lấy".
Mùi nói:
"Anh cũng như ông Năm Bụng à?"
Mùi thấy Mạch lại gần và mở cái nút vò rượu ra, hin hít mấy cái, ngẫm nghĩ như có vẻ thạo về rượu lắm.
"Thứ rượu này không ngon, không thơm, anh Siêu nhỉ. Rượu này thì em chả uống".
Mùi ngạc nhiên nhìn Mạch rồi lại nhìn Siêu; anh thì nghiện rượu và tự chế lấy rượu uống, em thì mới một tí tuổi đầu mà cũng đã biết uống rượu và sành sỏi về rượu rồi.
Mọi người lại ngồi quanh mâm. Mạch nhất định đòi ngồi gần Triết và đặt đùi mình lên đùi Triết. Tay nó nhấc đũa lên, lại đặt xuống đến bốn năm lượt mà chưa thấy ai bắt đầu ăn cả. Ông Lang, Mùi và Siêu còn bận rót rượu mời lẫn nhau. Bà Cai nhìn thấy rượu, cười khì rồi bảo Mùi:
"Rượu cốt-nhắc của lão Bẹc-Nà râu xồm đấy".
Nhưng bà Cai không đòi uống mà cũng không ai dám mời bà uống. Mùi thì lần đầu tiên uống rượu nên chỉ nhấp một tí. Nhưng mỗi lần uống thêm một hụm nàng lại uống nhiều thêm một ít, và cốc nàng lại cạn trước cốc của ông Lang và Siêu. Mùi lại đưa cốc để Siêu rót cốc thứ hai. Mùi ngẫm nghĩ:
"Rượu uống cũng không say lắm. Ngon là đằng khác".
Mùi cầm cái cốc, xoay xoay trong tay rồi bỗng nhiên nàng ngồi đờ ra một lúc ngẫm nghĩ và mỉm cười một mình, đưa cốc lên miệng uống một hơi cạn. Mặt nàng không đỏ lắm chỉ hơi ửng hồng ở hai gò má. Ông Lang ngạc nhiên nhìn Mùi nói:
"Con tôi uống được rượu".
Mùi thấy trong người nhẹ nhõm một cách khoan khoái, nhưng say thì chắc chưa say lắm. Nàng không hiểu tại sao cụ Huế Hai mỗi bữa uống có một chén nhỏ cũng đủ say được. Mùi ăn ngon miệng lắm. Nàng nhận thấy mình vui vẻ hẳn lên, nói nhiều hơn lúc thường, hay pha trò, ai nói câu gì cũng thấy buồn cười và gắp đồ ăn đã khó hơn lúc trước nhưng nàng vẫn nhận thấy mình còn tỉnh.
Mùi bạo dạn hơn và có lúc nhìn lâu vào mắt Siêu và mỉm cười. Nàng lại giơ cốc lên trước mặt Siêu gật gật mấy cái làm hiệu để Siêu rót. Cái hũ rượu nặng lắm nàng nghĩ lúc đó khó lòng bê nổi lên. Siêu đã say, cũng cố bê hũ vui vẻ rót rượu cho Mùi. Ông Lang uống đã say mềm nên sẵn sàng chiều con gái:
"Uống được rượu thì cứ uống".
Mùi lại uống một hơi cạn. Mùi thấy mình say thế là vừa lắm, nhưng nàng lại giơ cốc lên chờ Siêu rót cốc thứ tư. Cốc ấy Mùi uống thong thả.
Chỉ có Triết và Mạch không uống rượu nên nhận rõ là cả ba người đều say rượu cả ba. Mâm cơm vì thế chia làm ba tốp, sống ba thế giới. Ông Lang, Siêu và Mùi vào một tốp. Triết và Mạch vừa nói chuyện vừa gắp thịt gà mời lẫn nhau ăn, cũng như tốp thứ nhất mời lẫn nhau uống. Và tốp thứ ba chỉ có mình bà Cai; bà đã ăn cơm xong và ngồi lẩm bẩm nói chuyện một mình. Cả mâm cơm ồn ào như cái chợ, nhưng vì người nào cũng nói khẽ nên ồn ào như một cái chợ ở đằng xa. Còn một tốp thứ tư nữa nhưng ở ngoài mâm là u già. U không nói gì và cũng không cười. Nghe bà Cai lẩm bẩm nói chuyện một mình, trông thấy Mùi uống bốn chén rượu một hơi cạn mà mặt không đỏ, Siêu mới uống có một góc chén mà mặt đỏ gay như mặt trời và nhìn Mạch Triết mời mọc nhau trịnh trọng như hai ông cụ rồi thỉnh thoảng Mạch lại rứt tóc, véo tai Triết, Triết lại chốc chốc bỏ cả đũa xuống mâm đấm một cái mạnh vào hông Mạch tưởng như đến oẹ cả cơm ra, những cảnh ấy đáng buồn cười nhưng u thì u chỉ thấy buồn. U già ở nuôi vú cho Mùi rồi ở hầu hạ nhà ông Lang trong gần hai mươi năm. Năm ông Cai đi Hải Phòng và ông Lang bị cháy nhà ông phải rời đi thì chồng u mất và hai đứa con u cũng bị lên đậu chết cả hai. Cái cảnh nhà ông Lang và ông Cai đoàn tụ sau sáu bẩy năm cách biệt làm u mủi lòng nhớ đến chồng con đã khuất và tủi cho thân già cô độc.
Mùi nhìn u già nói:
"U vào đây mà uống rượu luôn thể".
Những lúc khác thì u không dám ngồi như thế và u cũng không thích nữa. U nghiện rượu và may hôm nào Mùi cũng cúng rượu nên u không mất tiền mua chỉ uống chỗ rượu cúng thừa cũng đủ, và bao giờ u cũng chỉ uống lúc trước khi đi ngủ. Nhưng hôm nay Mùi gọi u gần như bắt buộc và u cũng muốn uống một cốc cho khuây khoả nên ngồi ghé ở bên phản và giơ cốc cho Siêu rót rượu.
Ăn cơm xong, Mùi mới nhận thấy là mình đã say. Những việc gì mọi đêm nàng vẫn quen làm trước khi đi ngủ như thắp hương thay nước ở bàn thờ, đem hoả lò, củi than và ấm nước, để cha nàng mai dậy có sẵn pha chè thì nàng vẫn đủ trí sáng suốt, mà làm dễ dàng, còn những việc mới về bà Cai hay Siêu thì nàng thấy rất bối rối. Nàng cố định thần nghĩ mãi xem u già đã lấy nước cho bà Cai rửa mặt chưa nhưng nghĩ không ra, hai cái chăn cuốn đem về nàng cũng nghĩ mãi không nhớ là Bé để đâu; chính lúc nghĩ xem hai gói chăn để đâu thì hai gói chăn đặt ngay sau lưng nàng. Một lúc sau quay lại Mùi mới nhìn thấy. Mùi càng cố giữ không nói nhiều vì đã thấy lưỡi díu lại. Đoán là mọi người đã đi ngủ, Mùi tắt đèn và vừa đắp xong được chăn thì Mùi thấy rõ ràng là nếu chậm thêm một lúc thì tất là nàng mê man không biết gì nữa. Mùi thấy người mình như bay bổng lên trần nhà rồi lại rơi dần dần xuống đất, và lúc nào nàng cũng tưởng nàng sắp sửa ngất đi. Đồ đạc và tường nhà mắt nàng không trông thấy nhưng nàng có cái cảm tưởng là chúng nó chạy vùn vụt và nghiêng nghiêng về một chiều. Nếu nàng chớp mắt mấy cái thời chúng nó lại đứng yên một lúc rồi lại bắt đầu chạy vùn vụt.
Ở giường bên, chỗ Triết vẫn nằm một mình thì đêm ấy nằm ba người. Siêu nằm ngoài và bảo Triết nằm giữa để tránh những cái đạp chân đấm tay của Mạch. Mạch lần đầu tiên nằm ngủ không đèn nên có cái cảm tưởng như nằm trong mực đen. Nhưng không sao vì đêm ấy nó được gối đầu tay Triết, dưới hai chân và bên cạnh sườn lại có gối ôm để dựa; Mạch rất phục Triết vì cái cách để thật nhiều gối, êm và dễ ngủ ghê. Nó bảo Triết:
"Anh này, ông Năm Bụng là ông gì thế?"
Triết đương thiu thiu sợ mất giấc ngủ đáp:
"Ngủ đi, hỏi mãi. Mai đi xem ông Năm Bụng".
Nghe cái tên kỳ khôi ấy, Mạch cứ tưởng tượng ông Năm Bụng có năm cái bụng và giống như ông Ba bị chín quai mười hai con mắt hay bắt trẻ con. Mạch lại đoán ông Năm Bụng đầy một bụng rượu và phun vào trẻ con cho say mê để bắt đi. Giờ lại thấy Triết nói đi xem ông ta, chắc ông ta lạ lùng kỳ quái lắm. Và Mạch thiu thiu với cái hy vọng đêm được nghe bươm bướm ma nói chuyện và sáng ra được xem ông Năm Bụng.
Tác phẩm mới nhất:
- Kỉ niệm với 1 người thân (Văn học trong nước)
- Bốn mùa trong vườn (Văn học trong nước)
- Tặng cô (Hoàng Phương Linh) (Văn học trong nước)
- Miền trung anh dũng (Dương Tùng Lâm) (Văn học trong nước)
- Mai xa trường - Thời học sinh bước qua (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Lời dặn (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Suy Ngẫm (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Bạch Tuyết (Văn học trong nước)
- Lớp em (Đào Gia Như) (Văn học trong nước)
- Đồng quê tôi (Văn học trong nước)
- Xem tất cả tác phẩm >>
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Tags: Xóm cầu mới - Chương 8: Siêu đến xóm (Nhất Linh),Xóm cầu mới - Chương 8: Siêu đến xóm,Nhất Linh
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!