Trong nhà trường, cách ứng xử của các học sinh với nhau cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nên văn hóa học đường. Thật vậy, việc duy trì được mối quan hệ lành mạnh giữa các học sinh trong trường sẽ góp phần tạo nên được môi trường học đường lành mạnh và văn minh. Về mặt tốt, chúng ta có thể thấy được những hành động, việc làm tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong học tập của các em học sinh. Ví dụ như là trong lớp có một bạn có hoàn cảnh khó khăn, những bạn khác sẽ cùng nhau giúp đỡ. Hoặc trong lớp có bạn học giỏi có thể giúp đỡ các bạn khác tiến bộ trong học tập. Nói chung là tất cả những biểu hiện, việc làm giúp đỡ nhau trong học tập, trong lao động một cách chính đáng trong trường lớp đều là biểu hiện của cách ứng xử văn minh cần được khuyến khích ở các em học sinh. Ngược lại là những mặt chưa tốt, theo em, tất cả những cách ứng xử gây mất đoàn kết hoặc gây tổn hại đến bất cứ em học sinh nào trong trường thì đều là những cách ứng xử chưa phù hợp. Ví dụ như nạn bạo lực học đường, nạn chia bè kết phái gây mất đoàn kết và gây gổ đánh nhau hay miệt thị hoàn cảnh khó khăn của một bạn nào đó chẳng hạn,.... Tất cả những hành động ấy đều cho thấy một cách ứng xử kém văn minh vẫn còn đang tồn tại trong học đường hiện nay. Những việc làm ấy sẽ làm suy thoái đạo đức của các em học sinh, làm mất đi giá trị nguyên bản của nơi giáo dục như trường lớp. Chính vì vậy, toàn bộ học sinh, sinh viên đều nên cần duy trì được thái độ hòa nhã, yêu thương các bạn học sinh khác trong trường để cùng nhau tạo nên văn hóa học đường lành mạnh.