Nhân cách của con người là sự tổng hoà của nhiều phẩm chất đáng quý. Một trong những phẩm chất như vậy chính là tiết kiệm. Tiết kiệm là sử dụng hợp lí, không lãng phí hay bừa bãi các giá trị vật chất. Có thể nói tiết kiệm là phẩm chất vô cùng quan trọng đối với tất cả mọi người. Tiết kiệm, nó là cơ sở để thay đổi, nâng cao đời sống, nâng cao giá trị của bản thân làm cho ta thay đổi cuộc sống theo hướng ngày một tốt hơn. Nếu bạn không có dự tính lâu dài, ăn tiêu phung phí, chẳng mấy chốc ta sẽ rơi vào nghèo túng nợ nần. Tiết kiệm chính là nền tảng đảm bảo cho sự phát triển lâu dài, bền vững của mỗi cá nhân nói riêng cũng như xã hội nói chung. Ai cũng hiểu tài nguyên năng lượng hoá thạch như than đá, khí đốt, dầu mỏ… tuy nhiều nhưng hiện các quốc gia đang phải tìm đến các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo bởi nó cũng bắt đầu cạn kiệt. Không chỉ thế, tiết kiệm còn là biểu hiện của lối sống văn minh, tiến bộ; luôn được mọi người yêu mến, kính trọng. Và Bác Hồ của chúng ta là tấm gương mẫu mực cho điều đó. Vậy nhưng, hiện nay vẫn còn không ít kẻ sống xa hoa, lãng phí nhằm khoa trương, thể hiện bản thân để rồi bị xã hội lên án. Bên cạnh đó, cũng cần phân biệt giữa lối sống tiết kiệm và lối sống keo kiệt, bủn xỉn, ki bo quá đáng. Người tiết kiệm luôn có ý thức sử dụng của cải vật chất một cách hiệu quả nhất, đem lại lợi ích lớn nhất cho bản thân và cho mọi người. Họ cũng là người hào phóng trong việc giúp đỡ người khác. Còn người keo kiệt chỉ biết giữ cho riêng mình. Họ sống ích kỉ, khắc nghiệt cả với bản thân. Họ muốn tích lũy của cải vật chất thật nhiều, không muốn giúp đỡ ai. Đối với họ, tiền bạc là trên hết. Bởi thế, họ thường bị mọi người khinh thường và xa lánh. Ngay từ bây giờ chúng ta hãy cùng nhau thực hành tiết kiệm: sử dụng hợp lý những gì mình có; chỉ mua những thứ mình cần; không đua đòi, chạy theo trào lưu… Bởi đúng như Benjamin Frankmin đã nói: “Hãy cẩn thận với những chi phí nhỏ. Một lỗ rò nhỏ có thể làm đắm cả con tàu.”.