Đại hội Thể thao Đông Nam Á (tiếng Anh: SEA Games hay Southeast Asian Games), là một sự kiện thể thao tổ chức hai năm một lần vào giữa chu kỳ Đại hội Olympic và Đại hội Thể thao châu Á, với sự tham gia của các vận động viên từ 11 nước trong khu vực Đông Nam Á hiện nay. Những môn thể thao tổ chức trong đại hội do Liên đoàn thể thao Đông Nam Á điều hành với sự giám sát của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và Hội đồng Olympic châu Á.
Chú thích
Đại hội Thể thao Bán đảo Đông Nam Á 1963 được gạch tên là do bị hủy vì Campuchia có nội chiến và Lào có vấn đề về tài chính.
Đại hội Thể thao Đông Nam Á khi đó gọi là SEAP (SEAP Games), được tổ chức ở Bangkok năm 1959. Đây là lần đầu tiên đại hội được tổ chức sau khi Liên đoàn Thể thao bán đảo Đông Nam Á (SEAP Games Federation) được thành lập vào năm 1958. Ngày 22 tháng 5 năm 1958, đại biểu đến từ các nước ở bán đảo Đông Nam Á tham dự Đại hội Thể thao châu Á 1958 tại Tokyo, Nhật Bản đã họp và thống nhất thành lập một Đại hội thể thao. Tên gọi SEAP Games khi đó được đặt bởi ông Luang Sukhum Nayaoradit, người mà sau đó làm Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Thái Lan. Lý do đề nghị đưa ra thành lập một đại hội thể thao khu vực sẽ giúp thúc đẩy sự hợp tác, sự hiểu biết và sự gắn kết các mối quan hệ giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Đại hội thể thao Bán Đảo Đông Nam Á (khi đó được gọi tắt là SEAP Games) lần đầu tiên được tổ chức từ ngày 12 đến 17 tháng 12 năm 1959 tại Bangkok, Thái Lan. Đại hội lần đầu chỉ có số thành viên tham dự tương đương số lượng của một đoàn thể thao của một nước ngày nay, 527 quan chức và vận động viên. Tham dự đại hội có 6 thành viên của Liên đoàn Thể thao bán đảo Đông Nam Á: Miến Điện, Malaysia, Lào, Singapore, Thái Lan, miền Nam Việt Nam. Số lượng môn thi đấu cũng rất khiêm tốn, chỉ có 12 môn.
SEAP Games lần thứ hai ở Myanmar được tổ chức rất tưng bừng từ ngày 11 đến 16/12/1961. Số lượng người tham dự đại hội đã đông hơn lần đầu, 800 vận động viên thi đấu ở 13 môn thể thao.
Việc đăng cai tổ chức SEA Games được trao cho các nước thành viên theo thứ tự vần chữ cái, nên tới năm 1963, Campuchia đến lượt đăng cai. Tuy nhiên quốc gia này không đủ điều kiện để làm chủ nhà. Lào, nước tiếp theo trong danh sách, cũng khó khăn về tài chính nên SEAP Games 3 được trao cho Malaysia tổ chức vào năm 1965. Năm này Việt Nam Cộng hòa gửi phái đoàn 110 vận động viên tham dự.[1]
Sau khi Campuchia tiếp tục khước từ đăng cai SEAP Games 4 năm 1967, Bangkok đã lần thứ hai trở thành chủ nhà của đại hội. Lúc này, số môn thi đã được tăng lên 16.
Theo thứ tự, Việt Nam Cộng hòa phải là chủ nhà của SEAP Games kế tiếp, nhưng phải hủy vì chiến tranh với cuộc Tổng công kích Mậu Thân 1968. Rangoon (Myanmar) đã tổ chức thành công SEAP Games 5 với 15 môn thi vào năm 1969.
SEAP Games 6 diễn ra tại Kuala Lumpur (Malaysia) vào năm 1971. Năm 1973, Singapore đăng cai SEAP Games 7 với sự tham gia của gần 1.000 quan chức và vận động viên.
Năm 1975, những biến động về chính trị ở bán đảo Đông Dương đã khiến cho SEAP Games 8, được tổ chức ở Thái Lan, chỉ hội tụ được 4 quốc gia thành viên. Trước tình hình này, Liên đoàn Thể thao bán đảo Đông Nam Á quyết định mở rộng thành phần bằng cách kết nạp thêm một số thành viên mới: Indonesia, Philippines và Brunei. Kể từ năm 1977, đại hội tổ chức tại Kuala Lumpur (Malaysia) được mang tên SEA Games lần thứ 9.
Với cơ sở vật chất dồi dào và lực lượng vận động viên hùng hậu, thành viên mới Indonesia nhanh chóng đảm nhận việc đăng cai tổ chức SEA Games 10 tại Jakarta từ 21 đến 30/9/1979. Tiếp đó, Philippines giữ vai trò chủ nhà SEA Games 11 vào năm 1981.
SEA Games 12 được tổ chức tại Singapore, từ 18/5 đến 6/6/1983, với nhiều kỷ lục mới trong đó có hai kỷ lục châu Á về chạy tiếp sức 4 x 100 m nam và bơi 800 m tự do nữ. SEA Games 13 trở lại Bangkok (Thái Lan).
Số lượng môn thi tăng vọt lên con số 28 tại SEA Games 14 ở Jakarta, Indonesia, và lượng người tham dự cũng đạt con số kỷ lục, so với các kỳ đại hội trước đó: 3.000 quan chức và vận động viên.
SEA Games 15 được tổ chức từ 20 đến 31/8/1989 tại Kuala Lumpur (Malaysia) với 9/10 quốc gia tham dự và được coi là Đại hội Thể thao Đông Nam Á lớn nhất cho tới thời điểm đó. Sự tham gia trở lại của Lào và Việt Nam sau 16 năm gián đoạn đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa các quốc gia trong khu vực. SEA Games 15 đồng thời cũng là một điển hình của sự thành công về mặt tài chính. Theo quy định, toàn bộ lợi nhuận và tài chính thu được từ việc tổ chức SEA Games thuộc về nước đăng cai đại hội. Ban tổ chức SEA Games 15, Malaysia, đã rút kinh nghiệm từ Olympic Los Angeles 1984 và thu lợi 4,5 triệu ringgit. Đây cũng là đại hội lần tiên có tổ chức rước đuốc.
Philippines là chủ nhà của SEA Games 16, diễn ra từ 24/11 đến 5/12/1991, với số lượng người tham dự là 4.037 và số môn thi đấu là 28.
Với cơ sở hạ tầng hàng đầu châu Á và trình độ tổ chức tuyệt vời, Singapore đã đăng cai SEA Games 17 rất thành công với những con số kỷ lục: 29 môn thể thao, 4.511 người tham dự, hơn 2.000 phóng viên báo chí theo dõi và đưa tin. Sự hiện đại hoá các địa điểm thi đấu, mạng lưới thông tin liên lạc hoàn hảo, lễ khai mạc, bế mạc độc đáo và đầy ấn tượng đã nâng cao uy tín của quốc đảo này trong lịch sử tổ chức SEA Games.
Lần đầu tiên SEA Games không được tổ chức tại thành phố thủ đô của nước đăng cai là SEA Games 18. Đại hội đã diễn ra ở Chiang Mai, một thành phố có 700 tuổi đời ở phía Bắc Thái Lan. Đây cũng là lần đầu tiên cả 10 quốc gia ASEAN cùng tham dự với 4.306 quan chức và vận động viên tham dự 28 môn thi đấu.
SEA Games 19 diễn ra tại Indonesia với sự tham dự của cả 10 quốc gia Đông Nam Á, 34 môn thể thao và 440 bộ huy chương. Nước chủ nhà dẫn đầu chung cuộc với 194 huy chương vàng.
SEA Games 20, đại hội thể thao khu vực cuối cùng của thiên niên kỷ được tổ chức tại Brunei, quốc gia nhỏ nhất Đông Nam Á, nên quy mô của nó cũng nhỏ hơn nhiều so với các kỳ đại hội trước, chỉ có 2.336 vận động viên với 21 môn thi.
SEA Games 21 được tổ chức tại Thủ đô Kuala Lampur của Malaysia
SEA Games 22 được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2003. Đây là kỳ đại hội đầu tiên có sự tham gia của Đông Timor.
SEA Games 23 được tổ chức tại Phillippines vào năm 2005. Đây là lần thứ ba nước này đăng cai Sea Games. Lễ khai mạc được diễn ra tại quảng trường Quirino Grandstand ở thủ đô Manila.
SEA Games 24 được tổ chức tại Thái Lan ở thành phố Nakhon Ratchasima vào năm 2007. Ủy ban Olympic Thái Lan đã lập kế hoạch tổ chức sự kiện sao cho trùng với lễ kỷ niệm ngày sinh thứ 80 của Vua Bhumibol Adulyadej. Kỳ Sea Games này gồm 43 môn thể thao.
SEA Games 25 được tổ chức tại Lào. Đây là lần đầu nước này đăng cai kỳ Sea Games do trước đó khó khăn về tài chính và chiến tranh. Đại hội này được tổ chức vào năm 2009.
SEA Games 26 tổ chức vào năm 2011 ở Indonesia. Đại hội có 44 môn thể thao.
SEA Games 27 được tổ chức tại Myanmar vào năm 2013. Đại hội được tổ chức tại thủ đô mới Naypyidaw. Đại hội có 37 môn thể thao, ít hơn so với lần trước.
SEA Games 28 tổ chức tại Singapore, năm 2015. Khoảng 7.000 vận động viên từ 11 quốc gia tham gia sẽ thi đấu ở kỳ đại hội này. Đây là lần thư tư Singapore đăng cai đại hội này.
SEA Games 29 được tổ chức tại Malaysia vào năm 2017. Đây là lần thứ sáu nước này đăng cai đại hội.
SEA Games 30 được tổ chức tại Phillippines vào năm 2019, quyền chủ nhà ban đầu được trao cho Brunei, nhưng Brunei rút lui vài ngày trước Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2015 vì "lý do tài chính và hậu cần".
SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam. Ban đầu dự định sẽ tổ chức vào năm 2021 nhưng do dịch bệnh Covid-19 nên kỳ đại hội này dời sang năm 2022. Kỳ đại hội này sẽ có khoảng 40 môn thể thao, chủ yếu là những môn thể thao này được thi đấu tại Thế vận hội.