Đầu tiên, điều mà chúng ta thấy được ở tình yêu nghề, say mê công việc của anh thanh niên đó là hoàn cảnh sống của anh. Trong lời giới thiệu với ông hoạ sỹ già và cô gái, bác lái xe gọi anh là "người cô độc nhất thế gian". Đã mấy năm nay anh "sống một mình trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m bốn bề chỉ có cỏ cây và mây mù lạnh lẽo". Còn về công việc thì anh công tác đo đạc số liệu thời tiết, rồi ghi chép, gọi vào máy bộ đàm báo về trung tâm. Nhà văn Nguyễn Thành Long đã khắc họa đây là một công việc khá thử thách và đòi hỏi nhiều kiên trì và tình yêu nghề. Vì nhiều đêm anh phải "đối chọi với gió tuyết và lặng im đáng sợ", hay như thức dậy giữa đêm. Có những lúc anh thấy cô đơn vô cùng nhưng sau tất cả, anh rất yêu công việc của mình. Tiếp theo, điều mà bạn đọc thấy nể phục đó chính là quan niệm sống và làm việc của anh: "Khi ta làm việc ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?"; "Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất". Ta có thể thấy được tình yêu nghề, lòng ham mê công việc và tinh thần trẻ cống hiến vô cùng đáng quý ở anh. Ngoài ra, tuy sống trong điều kiện thiếu thốn nhưng người thanh niên ấy vẫn ham mê công việc, biết sắp xếp cuộc sống và tìm niềm vui từ công việc của mình. Về những thú vui hàng ngày, anh nuôi gà, trồng hoa, đọc sách. Thỉnh thoảng xuống đường tìm gặp bác lại xe cùng hành khách để trò chuyện cho vơi bớt nỗi nhớ nhà. Sống trong hoàn cảnh như thế sẽ có người dần thu mình lại trong nỗi cô đơn. Nhưng anh thanh niên này thật đáng yêu ở nỗi "thèm người" và lòng hiếu khách đến nồng nhiệt và sự quan tâm đến người khác một cách chu đáo. Tuy nhiên, dù công việc có vất vả nhưng ở anh, chúng ta lại thấy được tinh thần khiêm tốn đáng quý. Anh cảm thấy đóng góp của mình bình thường và nhỏ bé, chẳng bõ bèn gì. Tóm lại, ở nhân vật anh thanh niên, chúng ta thấy được một tinh thần trẻ tràn trề nhiệt huyết, một tấm lòng yêu nghề và khiêm tốn, giản dị đáng quý vô cùng, đại diện tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước đi lên xã hội chủ nghĩa.