Mọi dự kiến trên trời đều có trăm ngàn lí do riêng của nó. Ý định đi bắt Nữ thần Mặt Trời của Đam San cũng xuất phát từ ba nguyên do: Muốn chiếm hữu sắc đẹp thần bí huyền thoại của nàng, “thực sự trở thành một tù trưởng giàu có” với một uy lực tuyệt đối “không còn ai dám trái lời”, “giậm chân là núi phải vỡ, sông phải tan” và hơn hết là do bản tính ngang hàng của một tù trưởng anh hùng. Với “bản tính ngang tàng từ bụng mẹ” ấy. Đam San sẵn sàng đạp đổ mọi hạnh phúc thô thiển trần thế, dĩ nhiên chàng sẵn sàng khước từ những vinh quang rạng rỡ của một vị tù trưởng giàu mạnh, một vị tù trưởng có “lợn dê đầy sân… người đi đi lại lại như ong đi lấy nước…”. Đam San đánh đổi mục đích với ý chí và nghị lực phi thường, tự treo lưỡi gươm Đa – mốc lơ lửng trên đầu. Nhưng trong suy nghĩ của chàng dường như tất cả những điều ấy là tất yếu, chàng có thể chấp nhận nó cũng như nó có thể xảy ra. Cho nên, với Tang Mang, Đam San đã có một câu nói hơn mọi câu nói khác: “Có việc gì gấp đâu chú. Tôi muốn đi bắt Nữ thần Mặt trời”. Rõ ràng, chàng đang lấy cái lạc quan tự tin tự tại của một đệ nhất anh hùng để tự cân bằng một phương trình hóc búa: “Có việc gì đâu chú” = “Tôi muốn đi bắt Nữ thần Mặt Trời”. Vế thứ nhất nghe bình thản như giấc ngủ trẻ thơ nhưng vế thứ hai đủ làm kinh ngạc bất kì ai. Một kì tích ghê gớm chưa ai dám nghĩ tới. Đam San lại xem nhẹ như lông hồng, như chuyện thường nhật “chẳng có gì phải vội, trước hay sau thì ta cũng bắt nàng về làm vợ, vậy thôi” ! Vì vậy, cái mà Đam Săn đang quang tâm không phải là hành trình sắp tới mà là cái ăn, cái mặc hiện thời : “Tôi chỉ đói rau ghé xin nghỉ, đói cơm ghé xin ăn, khát rượu ghé xin uống, thiếu bồ kết ghé xin gội đầu, thèm thịt bò thịt tâu ghé xin đó ăn thôi”. Đây là một cuộc hội thoại khá hấp dẫn giữa hai con người mang hai thái cực: một bên là Đam San ung dung, bình thản, và lớn lao bao nhiêu thì một bên là một Tang Mang hốt hoảng, khiếp nhược bấy nhiêu, chỉ vừa thoạt nghe Đam San nhờ dẫn đường. Tang Mang đã vội vàng chối bay chối biến: “Ôi chao, anh ơi, tôi chỉ như một đứa trẻ không biết rõ rừng, là con đàn bà không biết đường, voi đi ở đâu, con tê giác ở đâu, không biết đâu là bến lội qua sông cả, anh ạ”. Qua đó, ta càng thấy nổi lên những nét trân trọng ở anh hùng Đam San.
Hành trình của Đam San tất yếu phải trải qua vô vàn gay go, hiểm trở, trăm ngàn tai biến khôn lường như chính chàng đã xác định bằng ý chí sắt đà từ đầu: “Mười ngày tôi sẽ ngủ lại, sáu đêm tôi sẽ nằm lại trên đường đi. Tôi sẽ đi hết năm tháng”. Nhưng một khi những hiểm nguy khuất phục trước nghị lực diệu kì của Đam San thì tuyệt nhiên nó không hề xuất hiện ở phía sau. Có chăng chỉ là những vất vả thường tình “Chàng đi hết rừng rậm đến núi xanh cỏ tranh xé tay, gai mây đâm chân, không màng ăn uống”. Đó chính là cách kể hết sức độc đáo của sử thi Ê Đê, nhẽ ra nó phải đặt ra thật nhiều hiểm trở, gay go nhằm nâng cao phẩm chất nhân vật.
Cuộc gặp gỡ giữa Đam San và Đam Pắc Quây một lần nữa khẳng định được ý chí phi thường của một con người phi thường Đam San, dự kiến Đam San bị vây búa, rào đón bằng những đòn phủ đầu liên tiếp từ thấp đến cao, từ trần thuật đến răn đe bởi có lẽ Pắc Quây nghĩ Đam San có thể chưa hiểu hết những gian nguy, đầu tiên là “Chết, chết diêng ơi! Rừng nó nhiều cọp, đường này nhiều rắn, không ai vào bắt Nữ thần Mặt Trời được đâu” rồi thì “Đường đi hái cà, người ta trồng chông lớn, đường đi hát ớt người ta trồng chông nhỏ”, “Mãnh tướng đi chết đàng mãnh tướng, dũng tướng đi chết đàng dũng tướng” Song, đó chỉ là suy nghĩ của những kẻ thiếu nghị lực, thấy sóng cả vội ngã tay chèo. Còn người anh hùng thì lại rất khác, chàng có chiếc đầu riêng trên đôi vai, trái tim bổng cháy khát vọng trong lồng ngực, cho nên câu trả lời Đam San tất yếu phải là: “Người dũng tướng chắc chết mười mươi vẫn không lùi bước há cũng không vào được đó hay sao?” Câu trả lời cũng là một câu hỏi tự nói lên bản lĩnh một anh hùng, dõng dạc, chắc nịch chứa đựng tất cả cái khí phách ngang tàng đến ngay cả thần linh cũng hoảng hốt tím mặt mà tức thì đét cho Đam San một cái đét vào người. Và cuối cùng, Pắc Quây đành phải dùng vũ lực của một thứ tình yêu máu mủ ngăn bước chân vị tù trưởng gan lì bằng những mối đe dọa cụ thể tang tóc, đáng sợ hơn” Ở đây chông lớn nhiều như lông nhím, chông nhỏ nhiều như lông chó, con sóc mà nhảy vào thân nó cũng khó vẹn toàn nữa là” Đam Pắc Quây đã thấy gì ở Đam San sau đó? Vẫn là một ý chí kiên định và một niềm tin sắt đá. Như vậy, cuộc gặp gỡ trên đã một lần nữa mài giũa lại hòn ngọc nhân cách Đam San khiến nó chói lọi, lấp lánh hơn và hoàn mĩ hơn trong tâm thức người đọc.
Trong bài văn có đoạn văn hay nhất thì trong câu chuyện cũng có đoạn kể hay nhất. Chúng ta nói đến đoạn kết về cuộc gặp gỡ giữa Đam San và Nữ thần Mặt Trời, khi mà người anh hùng vĩ đại của chúng ta đi đến cái đích khát vọng của mình, ước nguyện Đam San gầm như trở thành hiện thực. Đây là cuộc gặp gỡ lí thú mang đầy kịch tính trữ tình. Người kể đã cho xuất hiện một nhân vật mới cũng là nhân vật làm tiền đề cho đoạn trích. Đó là Nữ thần Mặt trời chế ngự con người bởi vẻ đẹp huyền thoại của một VeeNuyt và quyền lực tối ưu của một Hê li ốt. Nàng toát lên vẻ quyến rũ lạ kì đầy nữ tính nhưng đằng sau vẻ đẹp ấy là cả siêu nhiên lạnh lùng và bí ẩn. “Nàng đi trông như diều bay ó liệng, như nước lững lờ trôi cũng không bằng” Nhưng quy tụ con người nàng không hoàn toàn chỉ có dửng dưng, lạnh lùng, ở nàng vẫn còn tỏa ra một chút hơi ấm nhân tính, biết rung động trước oai vệ, đĩnh đạc của một chàng trai chân còn lấm bụi trần thế” tiếng xì xào ca ngợi chàng đã vang vọng tới tai Nữ thần Mặt Trời ở nhà trong” và hạnh động của nàng cũng đầy nữ tính.
Với Đam San, nữ thần cũng dành cho mối quan tâm đúng mực “Nữ thần bỏ váy cũ, mặc váy mới. Chưa hài lòng với váy này, nàng lấy váy kia. Nàng mặc một váy ánh như sét, loáng như chớp. Mái tóc nàng vén bên tai trông thật là đẹp” Nói về siêu nhiên thần thánh đã là một việc khó, cụ thể hóa thần thành siêu nhiên từ dáng vóc, bước đi, lời ăn tiếng nói…. Lại càng khó hơn. Điều đó chứng tỏ người Ê Đê phải đủ trí tưởng tượng như thế nào, tin tưởng vào thần linh đến thế nào!
Như vậy, ta có thể nói bước đầu, nhân dân đã mở cho Đam San nửa cánh cửa hi vọng. Nhưng chính Đam San, chính chàng đã linh cảm được nửa cánh cửa sau rất khó có thể mở ra với chàng kể từ khi chàng đối diện với Nữ thần Mặt Trời.
Nàng quyến rũ thật nhưng đó lại là sự quyến rũ khó gần, chàng thấy nữ thần đó mà nàng lại rất xa, khoảng cách ấy càng xa hơn nữa khi câu nói nàng bật ra thánh thót, lanh lảnh “Ta là con của Trời, ngươi chỉ được ăn cơm, tắm nước lã, hương nghệ chưa vương cũng mặc”. Vậy là khoảng cách thánh thần, trần thế đã được giới hạn rạch ròi. Đam San vẫn là Đam San trần tục bằng xương bằng thịt, còn Nữ thần, nàng là kết tinh từ những tinh hoa trời đất. Thực ra, đó không phải là điều Nữ thần muốn, trong tâm linh nàng đã ngầm chấp nhận lời đề nghị của Đam San nhưng nàng không thể, nói đúng hơn, không có quyền xáo trộn trật tự vũ trụ bởi nếu Nữ thần Mặt Trời xuống thế gian thì “Lợn dưới gà trên, cọp, tê giác, ngựa, trâu sẽ chết hết. Chết cả người Khơ me, người Lào vì hết đất làm nương” và vạn vật sẽ “tuyệt diệt”, “chết khô”, “tàn lụi”, “nứt nẻ”… Đúng! Nàng không có quyền gieo rắc thảm họa cho sinh linh, cho nên tâm trạng Đam San không thể không buồn bã, thất vọng trước sự thật trớ trêu, bởi chàng đã nhận ra một điều mà sau này, một nhà thơ trữ tình đã khát quát bằng ngôn từ thất vọng: “Lúc anh đến được em là anh biết không bao giờ đến được”. Đam San hiện lên như một nhân vật của Seecxpia.