Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Viết bài nêu văn cảm nhận của em về nhân vật "ông đồ" của tác giả Vũ Đình Liên

viết bài nêu văn cảm nhận của em về nhân vật "ông đồ" của tác giả Vũ Đình Liên
4 trả lời
Hỏi chi tiết
352
1
0
Khải
26/01/2022 20:11:57
+5đ tặng

Sự tài hoa tận tụy của một nghệ sĩ không phải được đánh giá bằng số lượng những tác phẩm trong một gia tài văn chương đồ sộ mà là ở những dư vang của đứa con tinh thần mà người nghệ sĩ hết mực nuôi nấng. Có những nhà thơ viết không nhiều nhưng lại in dấu ấn để trong lòng mỗi chúng ta ám ảnh về những vần thơ, Vũ Đình Liên là một trong những cây bút như thế. Xuất hiện ẩn hiện trong làng thơ như một người yêu con chữ và hết lòng với ngôn từ, Vũ Đình Liên đã vẽ nên hình ảnh huy hoàng tuyệt mĩ của một quá khứ đáng mong ước và tự hào qua bài thơ "Ông đồ".

Mở đầu bài thơ, ta bắt gặp ngay quy luật của tự nhiên hay quy luật của chính con người:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Sự kiện hoa đào nở gợi nhắc ta về một không khí tết, một ngày đầu xuân mà mỗi năm đều có theo quy luật muôn đời của tạo hóa. Dường như trong sự vận động có quy luật ấy của thiên nhiên, ông đồ xuất hiện như một thói quen, như một điều hết sức hiển nhiên với một từ: "lại". Hình ảnh của ông gắn với mực Tàu, giấy đỏ,... những vận dụng của nhà nho xưa, tất cả là phông nền văn hóa cho một truyền thống cổ truyền của dân tộc đó là Cho Chữ ngày tết với mong ước về một năm mới bình an. Và những câu thơ tiếp theo, hình ảnh ông đồ hiện ra thật tài hoa, rạng rỡ:

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài:
"Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay"

"Hoa tay" chính là để chỉ tài năng viết chữ của ông đồ. Ta dường như có thể tượng tượng được một ông đồ già với áo dài, khăn xếp, đang tỉ mẩn trên khuôn giấy đỏ tươi, nắn nót những chữ Nho, tay chuyển động nhịp nhàng, khi thanh, khi đậm, tạo nên những đường nét đẹp mềm mại mà lại chắc chắn, được so sánh y như là rồng phượng hiện hình trên trang giấy. Vào lúc ấy, những người xung quanh đều trầm trồ thán phục, thể hiện rằng họ đang vô cùng trọng vọng người tạo ra con chữ và chính con chữ dân tộc tuyệt vời kia. Nhưng rồi, ta dễ dàng nhận ra ngay sự tàn phai của một quá khứ huy hoàng khi mà:

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu...

Câu hỏi tu từ như xoáy sâu vào lòng người đọc, câu nghi vấn của nhà thơ đâu chỉ đơn thuần là đang hỏi về những người thuê viết. Sự tấp nập của những người thuê viết chữ khi xưa chính là hiện thân của một thời đại trọng đạo Nho truyền thống, nay đã vắng bóng, liệu có phải là sự đau lòng ám chỉ về sự mai một của những giá trị văn hóa truyền thống ngày nào. Câu thơ "mỗi năm mỗi vắng" cứ tạo sự lẻ loi thưa thớt dần đi những giá trị lâu đời. Biện pháp nhân hóa "giấy đỏ buồn"- "mực sầu" đã cụ thể hóa nỗi sầu nơi con người. Đây trước hết là hình ảnh thực, khi mà người thuê viết vắng, giấy để lâu cũng phai màu, không còn giữ được đỏ như lúc mới, mực lâu không dùng đến, không mài nên cũng đọng lại một chỗ. Nhưng phải chăng, với từ "buồn", từ "sầu", nhà thơ như để người đọc cảm nhận được rằng, vì người đời đã thờ ơ nên giấy cũng "buồn" mà trở nên không còn tươi như trước, mực vì sầu mà cũng không buồn nhấc mình, cứ đọng lại trong nghiêng. Nỗi buồn của ông đồ hay là của nhà thơ đã thấu sang cảnh vật? Hình ảnh ông đồ lúc này thật lẻ loi, cô bóng:

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay

Một ông đồ năm xưa được trọng vọng, được ngưỡng mộ là thế mà nay như một người bị gạt ra khỏi lề xã hội. Ông vẫn như năm nào, trung thành với cây bút "vẫn ngồi đấy" chỉ có điều rằng nhân tình đã đổi thay, không còn ai chú ý đến ông thậm chí phớt lờ sự tồn tại của ông. Người qua đường đi trong vội vã, đi ngang qua mà chẳng hề hay ông ngồi đó. Hình ảnh của ông cứ lặng lẽ buồn tênh như vậy cho tới mức có chiếc lá vàng rơi trên trang giấy cũng không còn buồn nhặt, mà có lẽ đó là lá vàng của một mùa thu sắp tàn của thời đại Nho Học. Vào cái thời buổi gió Á mưa Âu nổi cuồng phong trên mảnh đất quê hương, con người dường như để bản thân mụ mị mà phớt lờ đi những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc khiến cho chúng ngày càng tàn phai mai một, khi ấy cả hồn dân tộc nhuốm một màu buồn sầu lê thê như những đoạn mưa bụi không bao giờ dứt.

Quá khứ đã đi qua, khi này, có lẽ nhiều người mới chợt nhận ra sự vắng mặt của ông đồ:

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Nếu ở khổ trên hình ảnh ông đồ vẫn còn phảng phất cho dù là "không ai hay" thì ở đoạn này, ông biến mất. Đào thì vẫn nở, vũ trụ vẫn tuần hoàn nhưng không có bóng dáng của ông đồ già năm nào nữa rồi. Sự biến mất của ông cũng chính là sự biến mất của những giá trị văn hóa cổ truyền dân tộc. Câu hỏi cuối bài: "Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?" như là một lời chiêu hồn, gọi hồn tổ quốc, một tiếng kêu than vọng vang như muốn tìm lại đâu đây mảnh hồn dân tộc đang phai dần.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
1
0
Tuấn Anh
26/01/2022 20:12:11
+4đ tặng

Bài thơ “Ông đồ” được đánh giá là một thành công “đột xuất” của Vũ Đình Liên. Nhà thơ đã sử dụng thể thơ năm chữ gọn gàng, ngôn từ giản dị nhưng chứa đựng bao nỗi niềm tâm sự về nhân tình thế thái. Chính vì vậy Hoài Thanh có bình rằng: "Ít có bài thơ nào bình dị mà cảm động đến vậy”.

Hình ảnh ông đồ hiện lên trong dòng suy tưởng, hoài niệm của nhà thơ:

“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua”

Trong những năm cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20, nền Nho học suy tàn, những kì thi chữ Hán bị bãi bỏ, đa số người ta hướng tới cái mới, quay lưng với cái cũ thì chữ Nho không còn ở thời hoàng kim nữa nhưng vẫn được mọi người ưa chuộng. Bởi thế hình ảnh ông đồ viết chữ thuê bên những con phố sầm uất đã trở nên quen thuộc mỗi khi Tết đến xuân về. Bằng ngọn bút tài hoa ông đồ đang lặng lẽ làm đẹp cho đời. Ông chính là nét đẹp tinh tế của một Hà thành xưa cũ:

“Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”

Nhưng số người nhiệt thành với chữ Nho "mỗi năm mỗi vắng”, khách quen cũng tan tác "người thuê viết nay đâu?”, phong tục treo câu đối Tết cũng phạt phai. Ông đồ dần dần bị lãng quên, phương cách mưu sinh ngày càng khó. Bởi vậy nỗi buồn thấm tận cốt tuỷ, lan sang cả những vật vô tri:

“Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu”

Và như một sự tất yếu khi người ta đua nhau “vứt bút lông đi viết bút chì”, xã hội nhá nhem với những Xuân tóc đỏ, hay nhà thiết kế thời trang TYPN ( Số đỏ – Vũ Trọng Phụng) – Ông đồ đã hoàn toàn bị quên lãng. Ông ngồi đó ” như cái di tích tiều tuỵ đáng thương của một thời tàn”:

“Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay”

Ông đồ ngồi giữa mùa xuân mà ta tưởng như ở mùa đông ảm đạm, ông như chìm vào không gian để mặc gió mưa thời gian phủ nhoà. Hình ảnh” lá vàng rơi” tượng trưng cho sự lụi tàn. Chữ Nho đã mạt vận. Chỉ còn lại nỗi thương cảm ngậm ngùi. Những giọt mưa bay hay những giọt nước mắt xót xa tiếc nuối? Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình của tác giả đã đạt đến độ chín khiến người đọc cũng thấy lòng mình thấm đẫm nỗi sầu nhân thế cùng ông đồ già cô đơn lỡ vận…

Mùa xuân lại đến "không thấy ông đồ xưa”. Ông cố bám lấy xã hội hiện tại nhưng không còn đủ sức, đủ kiên nhẫn nữa, bởi cơm áo không đùa với chữ nghĩa. Ông phải rút lui vào quá khứ, cũng có thể đã trở thành người thiên cổ. Tác giả băn khoăn, day dứt:

“Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”

Nhà thơ không chỉ xót thương ông đồ mà cả một lớp người như ông. Tác giả muốn đuổi theo để gặp lại những hồn người đã mất hay đang hoài niệm những vẻ

1
0
Bngann
26/01/2022 20:12:11
+3đ tặng
Vũ Đình Liên - một nhà thơ với “lòng thương người và tính hoài cổ” đã tái hiện lại hình ảnh ông đồ ở thời kỳ suy vi trong bài thơ “Ông đồ” đặc sắc. Hoa đào nở cũng là lúc mùa xuân đến, kéo theo sự song hành của ông đồ và mùa xuân. Ông đồ xuất hiện trong ngày Tết đã trở thành một lẽ đương nhiên được thể hiện qua từ “lại” ngay đầu dòng thơ thứ hai. Ông đồ rất giỏi và tài năng. Tài năng của ông đồ được miêu tả như một người nghệ sĩ tài hoa với nét chữ “phượng múa rồng bay” cùng sự trầm trồ khen ngợi của bao người. Nhưng dần dần mọi thứ bị thay đổi. Ông đồ vẫn ngồi đó mà lòng người giờ đã đâu? Mực và giấy vốn gắn bó máu thịt với ông đồ mà bây giờ cũng sầu buồn thế kia, thật buồn cho một thời vang bóng nay đã không còn nữa. Vị thế của ông nay đã không vững chắc như xưa... Ông đồ đã từng được chào đón và cũng đã bị lãng quên bỏ rơi. Đó không chỉ là sự ra đi của một ông đồ mà còn là sự suy tàn của cả một thế hệ biết yêu quý và trân trọng cái đẹp. Tóm lại, bài thơ đã làm nổi bật được vẻ đẹp và nỗi buồn hiện tại của ông đồ xưa.
0
0
ღEemღ
26/01/2022 20:12:28
+1đ tặng

Tham khảo
Trong nền văn hóa dân tộc, hình tượng những Ông Đồ trong dịp tết cổ truyền đã đi vào lòng người dân. Một nét đẹp mang học thức,mang trí tưởng tượng dồi dào, mỗi con chữ các Ông Đồ viết dành cho người đi xin chữ đều mang một ý nghĩa khác nhau, nhưng quy chung lại người Việt ta vẫn quan niệm xin cái may mắn theo ước nguyện của họ cho một năm mới thuận buồm xuôi gió.Nhưng dường như những sự thay đổi đã làm cho nét đẹp ấy phai nhạt phần nào, hình ảnh Ông Đồ in trong tâm trí trong thơ của tác giả Vũ Đình Liên thật rõ ràng, sâu sắc. Ông Đồ là những người có khả năng viết chữ Nho điêu luyện. Chữ Nho là một loại chữ đầy hình tượng, giàu ý nghĩa. Những người này được đào tạo, học hành tốt trong nền văn hóa nho giáo, tiếp xúc với chữ Hán nhiều thi và đỗ đạt có bằng vị, được công nhận, những người này có thể làm thêm để kiếm sống bằng nghề viết thuê.

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Trên phố đông người qua.

Có thể thấy được không khí Tết đã về qua những nhánh hoa đào nở cũng báo hiệu một mùa xuân mới lại về cùng với đất trời. Tâm trạng con người dường như cũng khoan khoái, vui tươi, tấp nập chuẩn bị cho những ngày Tết m Lịch đặc biệt quan trọng của đất nước. Vào chính khoảnh khắc này, Ông Đồ có thể thể hiện tài năng của mình qua công việc ý nghĩa, thoải mái, kiếm sống qua việc viết chữ theo yêu cầu của người hứng thú với con chữ, đồ nghề của ông đơn giản chỉ là "Mực tàu, giấy đỏ, cùng kiến thức".Hình ảnh Ông Đồ được tác giả nhắc đến với sự thân thương, gợi lại sự an lành, vui vẻ ngược lại với sự xô bồ của đường phố, ông bình dị, điềm đạm mà vẫn , thu hút được rất đông người qua lại là tâm điểm của sự chú ý của bức tranh này. Bức tranh tác giả vẽ ra trong trí nhớ đầy tiếng động, hình ảnh, cả nhân vật, có kí ức về thời gian đẹp nhất của mùa xuân tuyệt vời. Mở ra cho ta một đoạn 4 câu thơ đầy ý nghĩa tiếp theo.

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét.
Như phượng múa rồng bay.

Sự giản dị mang theo những phẩm chất quý báu của mình khiến ông thu hút được nhiều người. Họ muốn xin chữ, xin cái đẹp từ ông. Ông cũng rất ấm lòng khi nghe được những câu mang nghĩa " tấm tắc khen tài", sự trân trọng trong từng con chữ khiến cho " bao nhiêu người thuê viết" với ý nghĩa to lớn vừa học để có kiến thức, học chữ Nho để làm người quan trọng nhất là đề cao mối quan hệ của mỗi con người và năm đức tính cần có thông qua việc học chữ, đó là: Nhân, Nghĩa, Lễ Trí, Tín, qua đó hướng con người đi theo một con đường tốt đẹp nhất. Các câu thơ tiếp theo để miêu tả rõ nhất sự tài năng của ông đồ. Và người có nhiều hoa tay không chỉ viết chữ, mà họ còn tạo ra được cả một tác phẩm như một bức tranh mang nhiều ý nghĩa nghệ thuật.

Hình ảnh ông đồ ngồi khoan thai, bàn tay nhẹ nhàng múa lượn những nét bút đưa lên dứt khoát,điêu luyện đến từng chi tiết "nét thanh, nét đậm, nét xổ", thanh thoát theo từng chữ như "Rồng bay phượng múa" càng thấy sự phóng khoáng, nhưng không hề mất tính chính xác trong phong cách viết chữ Nho để treo tết, viết một tác phẩm để đời. Dân gian ta có câu "Nét chữ nết người" là thể hiện được cái tài, cái tâm qua những nét bút tinh tế, chất chứa tâm hồn tinh hoa, khát vọng, lý tưởng phong cách sống đĩnh đạc của những Ông đồ. Con chữ ông viết muôn hình muôn kiểu không lẫn, không trùng lặp là cả một sự sáng tạo không ngừng từ con người trí thức ấy.Và đoạn thơ chưa dừng lại ở sự vui tươi, có một chút trầm lắng xuống ở đoạn 3 chính là tiếp nối dòng suy nghĩ giữa quá khứ với hiện tại.

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu.

Từ nhưng báo hiệu một điều gì đó mang sự biến động dù ít hay nhiều, điệp từ mỗi...mỗi làm cho câu thơ dài ra về thời gian,không gian, cái sự lắng xuống, kéo dài đó là sự tự an ủi cho thực tại về việc xin chữ Ông Đồ đã không được phổ biến như ngày xưa nữa. Tác giả đã tự đặt ra cho mình một câu hỏi về những người thuê viết chữ đã vãng dần, phải chăng họ cũng đã mờ nhạt tình yêu theo năm tháng với con chữ Nho khi đã phát triển một nguồn chữ mới "chữ Quốc Ngữ",sự chảy trôi nhanh của thời đại . Người không được thuê, vật không được sử dụng làm từng thứ trong mỗi câu trở nên thấm nỗi buồn cùng con người nhờ sử dụng thành công biện pháp tu từ nhân hóa. Giờ đây, sự xuất hiện của ông đồ trái ngược với sự vui tươi, lòng kính trọng, tin yêu từ người xin chữ bằng cả tấm lòng vốn có ban đầu, một nét đẹp rất riêng dành cho mùa xuân đã tạm thời lắng dần. Mà với các ông đồ giờ này:

Ông đồ vẫn ngồi đây
Qua đường không ai hay

Ông "vẫn chờ, vẫn ngồi đây" vẫn là cái sự điềm đạm, cao quý như năm nào nhưng đáp lại bằng sự thờ ơ lạnh nhạt của người dân. Tác giả như một người đứng từ xa trông vào và phải thốt lên sự ngậm ngùi cho sự nghiệp của những ông đồ, sự lãng quên, đẩy ra bên lề của những tờ thư pháp cổ, thờ ơ trước sự tồn tại của ông Đồ là những gì đáng để chúng ta đau đáu, suy nghĩ, đồng cảm.

Việc xin chữ từ đó đã trở thành những ký ức ngọt ngào mà những thế hệ cũ đã được chứng kiến, thưởng thức.Tác phẩm đã khắc họa chân thực nhất về Ông Đồ, đưa đến được thông điệp xin chữ Ông Đồ là một truyền thống rất hay, đáng phải giữ gìn cho thế hệ sau của dân tộc, góp phần giáo dục lối sống làm người cho người trẻ.

Hiện nay đã xuất hiện thêm tuy không nhiều "ông tiểu đồ" ở những khu vực có tính văn hóa, những khu giải trí trong dịp Tết Việt nhưng đã thỏa mãn niềm đam mê thư pháp ở người dân, họ góp phần tiếp nối bản sắc dân tộc, tô điểm cho thành phố như một nét đẹp ngày Xuân.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư