Sinh ra tại vùng quê nghèo của huyện Đô Lương, Nghệ An, chính tuổi thơ nghèo khó, chứng kiến bà con nông dân quanh năm chân lấm tay bùn mà vẫn bị đói nghèo bám riết khiến ông nuôi dưỡng quyết tâm thi đỗ thành tài.
Ước mong lớn nhất của anh thanh niên An là làm sao để bà con nông thôn quê mình đỡ vất vả, nhọc nhằn. Hồ Hữu An tự tin nộp đơn thi tuyển vào ngành Vô tuyến điện và ngành chế tạo máy của đại học Bách khoa Hà Nội. Rồi trong quá trình học, Hồ Hữu An đã chứng minh mình là một sinh viên xuất sắc, ông được nhà trường ngắm vào danh sách gửi sang nước ngoài học tập. Nhưng điều bất ngờ ngành học không phải ngành vô tuyến điện hay chế tạo máy mà là nông nghiệp. Đó là một lối rẽ cuộc đời mà ông không bao giờ có thể ngờ tới.
Hành trình gian khổ đến với vinh quang
Năm 1997, trong một lần đi Mỹ nghiên cứu khoa học, làm luận án tiến sỹ đã mang đến cơ duyên cho ông được diện kiến những ứng dụng khoa học hiện đại hiếm có, mà có nằm mơ ông cũng không bao giờ có thể nghĩ ra. Ngay từ đầu, cái tên trồng rau không đất đối với ông có sức hút đặc biệt dù ông chưa hiểu mô, tê gì cả. Nó khiến ông say mê, thích thú và mong muốn tìm tòi bằng được.
Phải trở về nước sau hết hạn 2 năm của chương trình hợp tác, ông vẫn đau đáu và ấm ức khi mà những nghiên cứu vẫn còn dang dở. Chính nó lại tiếp tục thôi thúc ông không ngừng nghiên cứu và mày mò cho ra kết quả cuối cùng. Bên cạnh công việc giảng dạy ở trường, cứ về nhà là ông lại lao đầu vào phòng, đóng cửa lại nghiên cứu. Khiến vợ ông có lúc phát hoảng, cứ nghĩ ông làm sao mà suốt ngày say mê, mày mò bên cạnh những giống cây, giá thể.
Thử nghiệm, thất bại rồi lại quyết tâm làm lại nhưng sau bao nhiêu lần như thế, ông vẫn không thu được kết quả gì. Vì khí hậu, môi trường sống ở Việt Nam khác hoàn toàn so với nước bạn. Vấn đề Việt hóa mô hình một lần nữa lại là một bài toán khiến cha đẻ công trình nghiên cứu đau đầu. Thiếu vốn đầu tư, thiết bị thì không có. Nhiều lúc ông An tưởng chừng như nản chí, muốn buông xuôi tất cả. Cuộc chiến giữa cơm, áo, gạo, tiền và đam mê có lúc giằng xé ông dữ dội. Niềm đam mê bất tận ấy đã đủ sức níu kéo lòng kiên nhẫn cũng như tính sáng tạo của ông trong nhiều năm liền.
Giáo sư An hạnh phúc với những thành quả nghiên cứu của mình
Mãi đến năm 2000, may mắn mới mỉm cười với ông. Bằng cách chứng minh được những ưu điểm độc nhất vô nhị từ mô hình trồng rau không đất mang lại, ông An đã khiến giới khoa học lẫn đồng nghiệp ngỡ ngàng và thán phục. Mô hình của ông được các nhà khoa học nước ngoài chú ý. Chính nó đã chắp cánh tiếp sức cho ông được đến với đam mê trong lần đi Mỹ thứ hai này.
Lần này, ông nung nấu tâm huyết chỉ tập trung vào một mũi nhọn duy nhất đó là công nghệ cao trồng rau không cần đất và xác định sẽ làm đến nơi đến chốn. Với vốn kiến thức và kinh nghiệm đã tích lũy được, ông thấy đã tự tin về những điều mình sẽ làm được khi trở về quê hương.
\
Sau khi trở về nước, công việc đầu tiên của ông là viết ngay một quyết tâm thư bỏ vào cặp rồi lên cơ quan quản lý với hy vọng nhận được sự giúp đỡ để cứu sống công trình. Đồng thời mong muốn thực tế hoá công nghệ này vào cuộc sống. Sau đó, ông tự mình đánh liều lên bộ Khoa học và Công nghệ. Lên đến nơi, đang tần ngần đứng trước cửa cơ quan tầng 2 thì may mắn gặp được vị lãnh đạo đi về.
Ông mạnh dạn tự giới thiệu bản thân và công nghệ đồng thời bày tỏ mong muốn được đưa đề tài này vào chương trình nghiên cứu ứng dụng cấp Nhà nước. Nhưng niềm hy vọng vừa được nhen nhóm thì nhanh chóng vụt tắt. Cuối cùng, giáo sư An phải bùi ngùi ra về trong thất vọng. Ông không thể nhớ rằng mình đã đi bao nhiêu lần, gặp gỡ bao nhiêu người để mong nhận được sự giúp đỡ.
Sự tận tâm, nhiệt thành của ông chỉ được đền đáp vào năm 2002, khi đề tài "Sản xuất rau an toàn bằng công nghệ cao không dùng đất" do PGS.TS Hồ Hữu An làm chủ nhiệm đã được bộ Khoa học và Công nghệ xét duyệt, đồng ý công nhận là đề tài cấp Nhà nước. Sau đó ít lâu, ông đã trúng thầu nghiên cứu khoa học cấp nhà nước với đề tài Trồng rau không cần đất.
Sau hơn 10 năm thai nghén và thành công, nhưng nghĩ về tương lai của công nghệ trồng rau không đất của PGS.TS Hồ Hữu An vẫn khiến ông bùi ngùi.
Thành công bước đầu là được người ta công nhận, tuy nhiên sau khi công nhận xong thì tất cả đâu lại vào đấy. Chính vì thế, nghiên cứu thành công đề tài, PGS.TS Hồ Hữu An đã cất công đi để giới thiệu công nghệ rộng rãi hơn. Đã có lúc, mô hình ứng dụng của ông gây được tiếng vang lớn trong nước và quốc tế. Tại các hội chợ, triển lãm, đề tài Trồng rau không đất luôn được giới khoa học lẫn người dân quan tâm. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng biên bản ghi nhớ chuyển giao công nghệ đã lên tới con số hơn 100 tỉ đồng.