Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Có một thực trạng đáng buồn hiện nay là khi đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa thi một bộ phận học sinh coi nhẹ môn Ngữ văn và các môn xã hội, nhân văn nói chung.
Các em chỉ quan tâm học Ngoại ngữ, Tin học và các môn khoa học tự nhiên. Thế kỉ XXI đã và sẽ chứng kiến tốc độ phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ. Do đó, không quá khó hiểu khi giới trẻ hiện nay có xu hướng tìm đến Ngoại ngữ, Tin học và các môn khoa học tự nhiên như là một sự bảo đảm cho tương lai. Nhưng thật sai lầm khi học sinh loại bỏ môn Văn ra khỏi hành trang tri thức khi bước vào đời.
Nếu đã từng thực sự biết khám phá, hiểu sâu và lĩnh hội hết những giá trị tư tưởng cũng như nghệ thuật của những tác phẩm văn học, chắc hẳn ai cũng có thể nhận thấy những chức năng đặc thù của văn học trong việc bồi đắp tâm hồn, hình thành nhân cách học sinh.Văn học trang bị những cảm xúc nhân văn, giúp con người hướng tới Chân - Thiện - Mỹ. Nhờ có Văn học mà đời sống tinh thần của con người ngày càng giàu có, phong phú, tinh tế hơn. Tâm hồn trở nên bớt chai sạn, thờ ơ, bàng quan trước những số phận, cảnh đời diễn ra xung quanh mình hàng ngày, trước thiên nhiên và tạo vật. Điều này càng quan trọng khi chúng ta đang sống trong guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại. Văn học bồi đắp cho học sinh lòng yêu nước, thái độ trân trọng truyền thống, và ngôn ngữ Mẹ đẻ. Thời nào cũng vậy, tác phẩm Văn học chân chính có khả năng kì diệu là thanh lọc tâm hồn con người, làm người “gần người hơn”. Đọc Truyện Kiều, ta xót xa thương cảm cho số phận cay đắng, nghiệt ngã của người con gái tài sắc, Đọc truyện ngắn Chí Phèo ta thấy rưng rưng trước mối tình có một không hai giữa Chí Phèo và Thị Nở, ấy là dấu hiệu của một tâm hồn nhân ái, giàu lòng trắc ẩn. Môn Ngữ văn còn có vai trò quan trọng trong việc rèn luyện khả năng sử dụng ngôn ngữ, diễn đạt, cách thức tạo lập các loại văn bản phục vụ cho quá trình giao tiếp trên mọi lĩnh vực của mỗi người trong cuộc sống.
Mặc dầu có vị trí, chức năng quan trọng đặc biệt như vậy nhưng hiện nay đang xuất hiện tình trạng nhiều học sinh không thích học môn Ngữ văn. Tỉ lệ học sinh thi vào các trường khối C càng ngày càng ít. Một số học sinh chọn thi khối C không phải vì thích hoặc có khả năng học các môn khoa học xã hội mà chỉ vì họ không đủ khả năng để thi vào khối nào khác. Nhiều bậc phụ huynh cũng than phiền về việc con em mình không thích đọc sách văn học bằng các loại truyện tranh chỉ mang ý nghĩa giải trí đơn thuần. Qua các kỳ thi, các bài kiểm tra môn Ngữ văn, có thể nhận thấy có nhiều học sinh học theo kiểu đối phó, học vẹt, lạm dụng tài liệu tham khảo, không chú trọng kỹ năng diễn đạt, dùng câu, từ. Từ khi thực hiện chương trình SGK mới, ở các khối A, B môn Ngữ văn không còn được tính điểm hệ số 2. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh còn có cơ hội để quay cóp, trao đổi bài, sử dụng tài liệu nên có điểm cao mặc dù không chịu học. Thực tế trên đã khiến cho nhiều học sinh vốn đã không thích học môn Ngữ văn, nhất là những học sinh thi các khối thi có các môn khoa học tự nhiên, càng có “cớ” để lạnh nhạt, hờ hững với môn học này.
Một bộ phận không nhỏ học sinh không thích học Ngữ văn và yếu kém về năng lực cảm thụ văn chương không chỉ gây bi quan đối với dư luận xã hội mà còn tác động tiêu cực đến người dạy. Nhiều thầy cô giáo dạy văn đã xuất hiện tâm lí chán nản, buông xuôi, không có động lực để trau dồi chuyên môn, tạo sức lớn trong tư duy đổi mới, cải tiến phương pháp giảng dạy. Thực tế cho thấy, bên cạnh năng lực chuyên môn, tình yêu văn chương và tâm huyết của các thầy cô giáo có thể cảm hoá được học sinh, để lại trong học sinh nhiều ấn tượng sâu đậm, từ đó gieo vào học sinh niềm say mê khám phá, chiếm lĩnh tác phẩm. Môn Ngữ văn chỉ thực sự hấp dẫn đối với học sinh khi giờ dạy của giáo viên thực sự có “lửa”, khi người giáo viên nhập thân hết mình vào bài giảng.
Chất lượng giảng dạy và học tập môn Ngữ văn do nhiều yếu tố quyết định, chi phối: chương trình, sách giáo khoa, giáo án, phương pháp giảng dạy của thầy, ý thức, thái độ học tập của trò. Trong đó, đổi mới phương pháp dạy học đóng vai trò then chốt. Có thể khẳng định, đổi mới phương pháp giảng dạy đang trở thành yêu cầu cấp thiết hiện nay. Cần khôi phục động lực học tập, khơi dậy niềm say mê, tình yêu văn học của học sinh bằng những giờ dạy thực sự hấp dẫn, lôi cuốn. Cần tiến hành thi cử nghiêm túc, đánh giá chính xác, khách quan năng lực học tập thực sự của học sinh đối với môn học này để có những điều chỉnh kịp thời. Về lâu dài, Bộ GD&ĐT có thể xem xét phương án đưa môn Ngữ Văn có mặt trong tất cả khối thi của kỳ thi ĐH, CĐ. Theo đó, những khối thi khoa học tự nhiên (A, B) môn Ngữ văn có thể được tính hệ số 1. Được biết, việc đưa môn Ngữ văn vào tất cả các khối, ngành thi của kỳ thi đại học đã được Trung Quốc thực hiện từ lâu bởi tính thiết thực và nhân văn của nó. Nếu biện pháp này được mạnh dạn áp dụng, chắc chắn chất lượng dạy và học môn Ngữ văn ở các trường phổ thông sẽ có những biến chuyển tích cực. Từ đó, môn Ngữ văn sẽ có vị trí xứng đáng - như nó cần có, trong hành trang tri thức của học sinh.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |