"Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ".
Hai câu thơ trên được trích trong bài thơ "Quê hương" của nhà thơ Tế Hanh. Bằng các biện pháp tu từ và nghệ thuật độc đáo, trong hai câu thơ trên, tác giả đã tái hiện hình ảnh con thuyền đầy sinh động sau một chuyến ra khơi vất vả. Ở câu thơ đầu "Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm", tác giả đã sử dụng thủ pháp nghệ thuật nhân hóa qua hình ảnh con thuyền bằng các từ ngữ như "im", "trở về", "nằm" ; từ đó, gợi tả được trạng thái của con thuyền, cho ta cảm nhận được giây lát nghỉ ngơi, thư giãn của nó cũng giống con người sau chuyến ra khơi dài. Ngoài ra, tác giả còn dùng hình ảnh ẩn dụ "bến mỏi" để chỉ sự mòn mỏi, lo lắng của những người mẹ, người chị, người con mong mỏi những người ra khơi trở về bình yên sau những giờ vật lộn với sóng gió, vất vả mưu sinh. Ở câu thơ thứ hai "Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ", tác giả đã nhân hóa con thuyền qua từ "nghe", giúp người đọc cảm nhận được con thuyền như cơ thể sống, nhận biết được chất muối đang ngấm dần vào da thịt mình, và cũng giống như con người từng trải, với con thuyền, vị muối càng ngấm bao nhiêu nó chỉ càng dày dạn lên bấy nhiêu. Bên cạnh đó, trong câu thơ trên, tác giả còn sử dụng phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, chữ "nghe" xuất hiện mang theo sự chuyển đổi cảm giác thú vị, thính giác hóa thành xúc giác. Cả thuyền và người đã trở về nghỉ ngơi mà hồn biển vẫn choáng ngợp tâm hồn họ. Từ đó, ta có thể thấy tác giả miêu tả con thuyền cũng chính là để nói về hình ảnh con người – những người dân chài lưới vất vả, cực nhọc, từng trải trong cuộc sống. Qua hai câu thơ, Tế Hanh đã thể hiện được sự tinh tế, tài hoa và một tấm lòng gắn bó sâu nặng với con người, với cuộc sống lao động của quê hương. Đồng thời, còn giúp người đọc được bồi dưỡng thêm những tình cảm cao đẹp, đó là yêu quý và trân trọng những con người lao động bình dị, yêu cuộc sống, yêu quê hương, đất nước.