Trong kho tàng tục ngữ Việt Nam, em rất thích câu tục ngữ Đi một ngày đàng học một sàng khôn.
Câu tục ngữ sử dụng hình ảnh “sàng khôn” để ẩn dụ cho một khối lượng tri thức, kinh nghiệm phong phú và dồi dào. Đó chính là thành quả, thành công đạt được sau cả con đường di chuyển. Từ đó, câu tục ngữ muốn khuyên nhủ chúng ta là để tăng vốn hiểu biết, kinh nghiệm sống, chúng ta cần phải bước ra thế giới ngoài kia, gặp gỡ, va chạm để biết thêm nhiều hơn những điều chỉ viết trên sách vở. Bởi chỉ có thực hành và trải nghiệm mới giúp ta tích lũy được vốn kiến thức của riêng mình.
Câu tục ngữ đã đề cập đến phương pháp học - một vấn đề vô cùng quan trọng. Kiến thức trong sách vở là rất nhiều, nhưng chỉ là lý thuyết. Chúng ta cần phải thực hành trong cuộc sống thực tiễn mới có thể hoàn thiện bản thân hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, ta cũng cần phải cân bằng giữa lý thuyết và thực hành. Không nên chỉ nghiêng về một phía để tránh những kết quả tiêu cực.
Hiện nay, trong nhà trường đã rất thành công khi kết hợp nhuần nhuyễn giữa thực hành và lý thuyết, giúp học sinh phát triển toàn diện. Đó chính là phương pháp học tập mà cha ông ta vẫn luôn mong muốn và hướng đến từ xa xưa. Dù vậy, vẫn có một bộ phận học sinh quá thiên về lý thuyết, với phương pháp học tủ, học vẹt, dẫn tới kiến thức bị sáo rỗng, khiếm khuyết. Đây là một sai lầm cần phải chấn chỉnh và thay đổi ngay.
Như vậy, câu tục ngữ Đi một ngày đàng học một sàng khôn đã giúp chúng ta hiểu thêm về tầm quan trọng của phương pháp học. Từ đó, hiểu được sự quan tâm của thế hệ cha ông ta về việc giáo dục cho con cháu.