Hàng trăm ngàn lượt khách là con số đầy ấn tượng khi nói về lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya năm 2018. Ngay từ ngày đầu tiên đã có hàng chục ngàn lượt khách đổ về tham quan, vui chơi, trải nghiệm các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và thưởng thức ẩm thực tại lễ hội. Năm nay, Ban tổ chức đã lấy điểm tuyệt đối khi lễ hội diễn ra đúng thời điểm dã quỳ vào mùa nở rộ. Những thảm hoa vàng rực nổi bật kéo dài từ đường đi cho đến trung tâm lễ hội rồi trườn lên ngọn núi lửa Chư Đăng Ya khiến du khách không ngớt xuýt xoa, tán thưởng. Đây là yếu tố đầu tiên quyết định thành công của lễ hội.
Diễn ra trong vòng 4 ngày, lễ hội còn thành công khi giới thiệu đến du khách những nét văn hóa đặc sắc của huyện nhà. Được tuyển chọn từ những người xuất sắc nhất, đội ngũ nghệ nhân đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm, trình diễn cồng chiêng đã thực sự nắm giữ linh hồn của lễ hội. Các hoạt động phục dựng nghi lễ hay biểu diễn cồng chiêng cũng được du khách đặc biệt quan tâm, thích thú. Hình ảnh hàng đoàn người nắm tay nhau hòa cùng điệu xoang trong tiếng cồng chiêng âm vang trầm bổng quanh ngọn lửa bập bùng hẳn sẽ là dấu ấn khó phai trong lòng những ai đã một lần đến Chư Đăng Ya.
Buổi chiều ngày cuối lễ hội, tất cả du khách đều bị thu hút bởi con diều màu đỏ khổng lồ (dài 22 m) của xã Chư Đăng Ya uốn lượn trên bầu trời, trên cánh diều hiện rõ hình bản đồ Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa màu vàng. Anh Nguyễn Sỹ Vinh, Trưởng Công an xã Chư Đăng Ya, một trong những người tham gia làm con diều khổng lồ, chia sẻ: “Mình cùng với anh em mất đến 9 ngày để làm con diều này. Diều dài 22 m, nặng khoảng 4 kg, mang dòng chữ “Xã Chư Đăng Ya chào mừng du khách về với lễ hội hoa dã quỳ 2018”. Phải cần có sự giúp đỡ của 5 người thì con diều mới bay lên được”. Với sự công phu ấy, xã Chư Đăng Ya đã giành giải nhất trong hội thi thả diều nghệ thuật.
Lễ hội kéo dài 4 ngày nhưng du khách không cảm thấy nhàm chán bởi các chương trình, hoạt động hấp dẫn được liên tiếp tổ chức. Ngoài leo núi, ngắm cảnh, du khách còn được tham gia cuộc thi chinh phục đỉnh Chư Đăng Ya, các trò chơi dân gian, trải nghiệm bay dù lượn ngắm cảnh từ trên cao, trải nghiệm sáng tạo cùng các nghệ nhân, thưởng thức chương trình nghệ thuật do Câu lạc bộ Gió Đại Ngàn biểu diễn…
Dân làng Ia Gri có lẽ là những người vui mừng nhiều nhất. Thêm một mùa lễ hội được tổ chức, cái tên Ia Gri cùng ngọn núi lửa Chư Đăng Ya giờ đây đã được nhiều người biết đến trong sự yêu mến. Người làng cũng đã ý thức sẽ được hưởng lợi gì từ phát triển du lịch ngay trên quê hương mình. Các con đường dẫn đến Chư Đăng Ya được quan tâm đầu tư mở rộng, nâng cấp. Trong thời gian diễn ra lễ hội, cùng với 60 gian hàng trong phiên chợ nông sản sạch huyện Chư Pah, bà con làng Ia Gri cũng đã tận dụng diện tích sân nhà để làm nơi gửi xe có thu phí, bán nước giải khát hay ẩm thực phục vụ du khách. Anh Ngam-một người dân của làng Ia Gri-cho hay: “Mình cùng dân làng đã chuẩn bị cho lễ hội từ hơn nửa tháng rồi. Làng có lễ hội nên mình vui lắm. Không chỉ cùng tham gia vui chơi, làng được nhiều du khách biết đến, mà dịp này mình còn tranh thủ bán thêm gà nướng, cơm lam, chim cút nướng… có thêm thu nhập cho gia đình”.
Trong 4 ngày diễn ra lễ hội, lực lượng tình nguyện của Huyện Đoàn Chư Pah và Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai luôn túc trực, tích cực hướng dẫn du khách tham quan. Chị Nguyễn Thị Thơm (Huyện Đoàn Chư Pah) chia sẻ: “Đoàn viên thanh niên đã tham gia chốt chặn, hỗ trợ, hướng dẫn du khách đường lên núi, không đi vào các đường cấm; hỗ trợ Ban tổ chức làm hàng rào phục vụ lễ khai mạc hay trong đêm đốt lửa trại; tham gia các trò chơi dân gian cùng du khách… Ngoài ra, mỗi ngày có hơn 60 lượt đoàn viên thanh niên tham gia dọn dẹp vệ sinh quanh khu vực lễ hội, chốt tại các điểm lên núi để hướng dẫn khách không tự ý mở đường, không giẫm lên hoa màu của người dân và hỗ trợ tìm trẻ lạc bố mẹ trong lúc tham quan…”. Nhờ sự nhiệt tình, năng động của lực lượng đoàn viên nên khuôn viên lễ hội lúc nào cũng sạch sẽ, du khách đến tham quan cũng có ý thức hơn trong việc gìn giữ, bảo vệ cảnh quan.
Từ kinh nghiệm của mùa lễ hội trước, năm nay Ban tổ chức tiếp tục thiết kế tuyến đường một chiều ra vào khu lễ hội, có lực lượng Cảnh sát giao thông túc trực 24/24 giờ để hướng dẫn du khách. Lúc cao điểm, hàng ngàn lượt xe máy, ô tô cùng lúc đổ về gây ra tình trạng kẹt xe cục bộ. Lúc này, lực lượng Công an huyện cùng với Công an xã, dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên và các già làng, trưởng thôn Ia Gri đã cùng tham gia điều tiết giao thông, nhanh chóng giải tỏa các điểm nghẽn để du khách đến với lễ hội thuận lợi, an toàn. Nhờ đó, công tác an ninh trật tự của lễ hội được đảm bảo, dù lượng khách rất đông nhưng không xảy ra tình trạng mất trật tự hay va chạm giao thông. Tuy nhiên, ông Nay Kiên cho rằng vẫn còn một số vấn đề cần rút kinh nghiệm cho lễ hội năm sau như tuyến đường dẫn từ nhà rông đến chân núi và tuyến đường tránh từ trung tâm làng Ia Gri ra đường chính cần được đầu tư nâng cấp, sửa chữa tốt hơn. Hay công tác vệ sinh môi trường cũng phải được chú trọng đúng mức. “Nếu được tỉnh cho phép và hỗ trợ, huyện Chư Pah sẽ đầu tư mở rộng, rải nhựa tuyến đường tránh này nhằm phục vụ tốt hơn việc đi lại của du khách khi đến với lễ hội”-ông Nay Kiên nói.