Hiện nay, trong xã hội hiện đại, giao tiếp là một phần rất quan trọng của cuộc sống, và để tạo nên một cuộc hội thoại có ý nghĩa thì lắng nghe là yếu tố cần thiết nhất. Lắng nghe là tiếp thu, nhận biết, thấu hiểu những thông tin mà người nói muốn truyền đạt cho mình, không chỉ qua qua những cuộc trò chuyện mà còn trong nhiều tình huống khác ở cuộc sống, lắng nghe bằng những giác quan đặc biệt không phải thính giác. Biểu hiện của sự lắng nghe hiện hữu ngay xung quanh chúng ta. Đơn giản nhất là khi ta đối thoại với một người, ta nghe những ý kiến, cảm xúc riêng của đối phương hay xa hơn là sự lắng nghe của một tập thể với cá nhân và ngược lại. Điển hình là những cuộc trưng cầu ý dân, nhà nước lắng nghe những đóng góp, ý kiến của mọi người, không chỉ khi gặp mặt mà còn qua các văn bản, giấy tờ. Lắng nghe sẽ giúp chúng ta thấu hiểu hơn về người khác, đồng cảm với họ, tiếp thu được nhiều điều hay cái đẹp, học hỏi được bao điều mới. Lắng nghe giúp chúng ta biết cách ứng xử sao cho phù hợp trong mọi tình huống, hợp tình hợp lý, tạo sự gắn kết giữa người nghe và người nói. Người lắng nghe sẽ nắm giữ trọng tâm của mối quan hệ, có được cảm tình của người khác. Ngày nay, việc lắng nghe không còn được quan tâm, để ý như trước, con người chủ yếu quan trọng lời ăn tiếng nói mà không hiểu được suy nghĩ của đối phương. Một hiện tượng gần gũi đó là trong chính mỗi trường giáo dục, học sinh liên tục bỏ ngoài tai hoặc chỉ nghe qua loa những lời giảng dạy chân tình mà người giáo viên hết lòng chỉ bảo, căn dặn. Việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả học tập của chính học sinh và uy tín giáo viên. Thiếu lắng nghe dẫn đến sự bất đồng quan điểm sâu sắc giữa con người với con người, sự gắn kết, thân thiện vốn có đều bị phá vỡ, con người dần xa lánh nhau, dẫn đến nhiều hiện tượng xấu như vô cảm, thiếu tình thương, thù hằn lẫn nhau,...Bên cạnh việc phê phán những con người không biết lắng nghe, chúng ta cần ca ngợi những con người, các tập thể luôn tìm cách thấu hiểu, tiếp thu, lắng nghe. Họ là những người đang góp phần tạo nên một xã hội văn minh, đầy tình thương. Khi còn ngồi trong ghế nhà trường, chúng ta cần rèn luyện khả năng lắng nghe và thấu hiểu người khác, bắt đầu từ việc chăm chú nghe giảng, tiếp thu bài học. Cứ như vậy qua nhiều năm, tình người sẽ trở nên ấm áp hơn, xã hội sẽ văn minh hơn.