Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Sự tài hoa tận tụy của một nghệ sĩ không phải được đánh giá bằng số lượng những tác phẩm trong một gia tài văn chương đồ sộ mà là ở những dư vang của đứa con tinh thần mà người nghệ sĩ hết mực nuôi nấng. Có những nhà thơ viết không nhiều nhưng lại in dấu ấn để trong lòng mỗi chúng ta ám ảnh về những vần thơ, Vũ Đình Liên là một trong những cây bút như thế. Xuất hiện ẩn hiện trong làng thơ như một người yêu con chữ và hết lòng với ngôn từ, Vũ Đình Liên đã vẽ nên hình ảnh huy hoàng tuyệt mĩ của một quá khứ đáng mong ước và tự hào qua bài thơ "Ông đồ".
Mở đầu bài thơ, ta bắt gặp ngay quy luật của tự nhiên hay quy luật của chính con người:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Sự kiện hoa đào nở gợi nhắc ta về một không khí tết, một ngày đầu xuân mà mỗi năm đều có theo quy luật muôn đời của tạo hóa. Dường như trong sự vận động có quy luật ấy của thiên nhiên, ông đồ xuất hiện như một thói quen, như một điều hết sức hiển nhiên với một từ: "lại". Hình ảnh của ông gắn với mực Tàu, giấy đỏ,... những vận dụng của nhà nho xưa, tất cả là phông nền văn hóa cho một truyền thống cổ truyền của dân tộc đó là Cho Chữ ngày tết với mong ước về một năm mới bình an. Và những câu thơ tiếp theo, hình ảnh ông đồ hiện ra thật tài hoa, rạng rỡ:
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài:
"Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay"
"Hoa tay" chính là để chỉ tài năng viết chữ của ông đồ. Ta dường như có thể tượng tượng được một ông đồ già với áo dài, khăn xếp, đang tỉ mẩn trên khuôn giấy đỏ tươi, nắn nót những chữ Nho, tay chuyển động nhịp nhàng, khi thanh, khi đậm, tạo nên những đường nét đẹp mềm mại mà lại chắc chắn, được so sánh y như là rồng phượng hiện hình trên trang giấy. Vào lúc ấy, những người xung quanh đều trầm trồ thán phục, thể hiện rằng họ đang vô cùng trọng vọng người tạo ra con chữ và chính con chữ dân tộc tuyệt vời kia. Nhưng rồi, ta dễ dàng nhận ra ngay sự tàn phai của một quá khứ huy hoàng khi mà:
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu...
Câu hỏi tu từ như xoáy sâu vào lòng người đọc, câu nghi vấn của nhà thơ đâu chỉ đơn thuần là đang hỏi về những người thuê viết. Sự tấp nập của những người thuê viết chữ khi xưa chính là hiện thân của một thời đại trọng đạo Nho truyền thống, nay đã vắng bóng, liệu có phải là sự đau lòng ám chỉ về sự mai một của những giá trị văn hóa truyền thống ngày nào. Câu thơ "mỗi năm mỗi vắng" cứ tạo sự lẻ loi thưa thớt dần đi những giá trị lâu đời. Biện pháp nhân hóa "giấy đỏ buồn"- "mực sầu" đã cụ thể hóa nỗi sầu nơi con người. Đây trước hết là hình ảnh thực, khi mà người thuê viết vắng, giấy để lâu cũng phai màu, không còn giữ được đỏ như lúc mới, mực lâu không dùng đến, không mài nên cũng đọng lại một chỗ. Nhưng phải chăng, với từ "buồn", từ "sầu", nhà thơ như để người đọc cảm nhận được rằng, vì người đời đã thờ ơ nên giấy cũng "buồn" mà trở nên không còn tươi như trước, mực vì sầu mà cũng không buồn nhấc mình, cứ đọng lại trong nghiêng. Nỗi buồn của ông đồ hay là của nhà thơ đã thấu sang cảnh vật? Hình ảnh ông đồ lúc này thật lẻ loi, cô bóng:
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay
Một ông đồ năm xưa được trọng vọng, được ngưỡng mộ là thế mà nay như một người bị gạt ra khỏi lề xã hội. Ông vẫn như năm nào, trung thành với cây bút "vẫn ngồi đấy" chỉ có điều rằng nhân tình đã đổi thay, không còn ai chú ý đến ông thậm chí phớt lờ sự tồn tại của ông. Người qua đường đi trong vội vã, đi ngang qua mà chẳng hề hay ông ngồi đó. Hình ảnh của ông cứ lặng lẽ buồn tênh như vậy cho tới mức có chiếc lá vàng rơi trên trang giấy cũng không còn buồn nhặt, mà có lẽ đó là lá vàng của một mùa thu sắp tàn của thời đại Nho Học. Vào cái thời buổi gió Á mưa Âu nổi cuồng phong trên mảnh đất quê hương, con người dường như để bản thân mụ mị mà phớt lờ đi những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc khiến cho chúng ngày càng tàn phai mai một, khi ấy cả hồn dân tộc nhuốm một màu buồn sầu lê thê như những đoạn mưa bụi không bao giờ dứt.
Quá khứ đã đi qua, khi này, có lẽ nhiều người mới chợt nhận ra sự vắng mặt của ông đồ:
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Nếu ở khổ trên hình ảnh ông đồ vẫn còn phảng phất cho dù là "không ai hay" thì ở đoạn này, ông biến mất. Đào thì vẫn nở, vũ trụ vẫn tuần hoàn nhưng không có bóng dáng của ông đồ già năm nào nữa rồi. Sự biến mất của ông cũng chính là sự biến mất của những giá trị văn hóa cổ truyền dân tộc. Câu hỏi cuối bài: "Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?" như là một lời chiêu hồn, gọi hồn tổ quốc, một tiếng kêu than vọng vang như muốn tìm lại đâu đây mảnh hồn dân tộc đang phai dần.
Bài thơ chính là tấm lòng của một người nặng lòng với tổ quốc, với những nét văn hóa cổ truyền ngàn năm của dân tộc. Qua bài thơ, Vũ Đình Liên không chỉ bày tỏ niềm khắc khoải tha thiết của bản thân với giá trị của đạo Nho mà còn khắc vào lòng người đọc sự khát khao yêu mến những giá trị cổ truyền dân tộc.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |