Trong bài thơ "Khi con tu hú", khổ thơ thứ hai đã thể hiện được tâm trạng uất ức, ngột ngạt cùng khát vọng tự do bùng cháy của người tù cách mạng. Cảm xúc và tâm trạng khao khát tự do của nhà thơ đã đạt đến cấp độ cao hơn. Khát vọng tự do ấy được khơi nguồn chỉ bằng một tiếng chim tu hú ở bên ngoài- hay chính là tiếng chim tu hú của khát vọng tự do, mà nhen nhóm và bùng lên mãnh liệt trong tâm tưởng của tác giả "Ta nghe hè dậy bên lòng". Câu thơ tiếp theo "Mà chân muốn đạp tan phòng hè ôi!" là câu cảm thán thể hiện cho thái độ uất ức đến ngột ngạt cùng khát vọng được phá tan gông xích của nhà tù để nhanh chóng được tự do, được tận hưởng bầu trời của tự do. Ôi, các câu thơ tiếp theo cũng thể hiện được cảm xúc mãnh liệt đó của nhà thơ "Ngột làm sao, chết uất thôi!/Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!". Câu cảm thán cùng với hàng loạt các động từ mạnh như "ngột, chết uất" cho thấy một tâm trạng đau khổ, bứt rứt như muốn chết đi và khát khao đến cháy bỏng được thoát ra ngoài của tác giả. Ấy vậy mà con chim tu hú cứ kêu- hay chính là khát vọng tự do của tác giả vẫn cứ trỗi dậy, vẫn cứ kêu gào trong tâm tưởng của nhà thơ hãy nhanh chóng giành lại được tự do của tuổi trẻ. Tiếng chim tu hú mãi mãi vang vọng ở câu thơ cuối phải chăng chính là nguồn khơi gợi khát vọng tự do và tình yêu cuộc sống, khát vọng cống hiến cho cách mạng luôn thường trực bên trong người tù cách mạng?