Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Ta đã biết, mỗi con người sinh ra và trưởng thành, không ai có thể tồn tại một cách độc lập. Nhìn về quá khứ, đó cũng được gọi là một nghệ thuật sống. Từ xa xưa, ông cha ta đã dạy con cháu điều đó, đúc kết trong hai câu tục ngữ: “Uống nước nhớ nguồn” và “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Nước” và “quả” là những hình ảnh biểu trưng cho thành quả lao động, cho những giá trị mà chúng ta đang được hưởng ngày hôm nay. Một đất nước hoà bình, một cuộc sống ấm no, bữa cơm ta ăn, chính là hiện thân của nước và quả ấy. Đó là những thứ tốt đẹp nhất được phôi thai từ “nguồn” và “kẻ trồng cây”. Nguồn là nguồn gốc của những chân giá trị tốt đẹp ấy, còn kẻ trồng cây la người làm nên thành quả. Như vậy, giữa thành quả và nguồn gốc của nó, ta không thể bỏ quên. Hai câu tục ngữ sử dụng hai hình ảnh ẩn dụ khác nhau, nhưng cũng để khuyên con cháu một đạo lí trong đời: con người cần nhớ về nguồn cội tổ tiên, cần biết ơn những người làm nên thành quả để ta hưởng thụ.
Vì sao lại vậy? Trước hết, vì đó đã là một truyền thống đạo lí ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Một dân tộc luôn đặt chữ nhân cao hơn tất cả, sống tình nghĩa yêu thương. Dân tộc Việt Nam là những trang sử vàng huy hoàng, với các vị vua Hùng, với những vị vua như Quang Trung, Đinh Bộ Lĩnh đã dốc công mà xây dựng đất nước có hình hài. Vì vậy mà trong cuộc sống hiện đại ngày nay, người ta vẫn tìm về với những ngày giỗ tổ, những đền thờ trang nghiêm như một sự biết ơn. Nó ăn sâu vào tiềm thức, truyền thống của những con người giản dị chân chất. Vậy cớ sao ta lại đi ngược lại đạo lí ngàn đời ấy? Làm như vậy có khác nào phản lại dân tộc. Bởi thế mà đi theo đạo lí uống nước nhớ nguồn, chính là mỗi người hoà vào nhịp đập chung của thời đại.
Hơn thế nữa, không một ai, không một thứ gì có thể tồn tại trong môi trường chân không. Ngày hôm nay nhất định phải là sự phôi thai từ ngày hôm qua, chúng ta có được ngày hôm nay chính là nhờ biết bao công sức của người đi trước. Từ đất nước đến hạt gạo, đều là từ cha ông ta để lại. Không biết ơn thế hệ trước chính là sự phủ nhận thực tại, coi thường cuộc sống mình đang được hưởng thụ. Trong xã hội hiện đại ngày nay, người ta lại càng cần đến đạo lí ấy hơn. Bởi sự vô ơn chính là biểu hiện của những con người thiếu đạo đức, thiếu hiểu biết. Họ sẽ tự tách mình với cuộc sống ngoài kia, bởi không một ai muốn quan hệ và giúp đỡ với những người vô ơn ấy. Bởi vậy, sống theo đạo lí uống nước nhớ nguồn chính là tự tạo giá trị cho bản thân.
Điều đáng buồn là suốt chiều dài lịch sử, ta vẫn gặp những hiện tượng con người vô ơn với quá khứ, với đồng bào, đi ngược lại những giá trị văn hoá ngàn đời. Cũng có những người lấy oán để báo ân, phản lại chính những người đã từng cưu mang giúp đỡ mình. Sống cuộc sống ấy, liệu họ có thể tồn tại và thành công không?
Hiểu được điều đó, mỗi thế hệ trẻ như chúng ta lại càng phải sống có đạo lí, có nghĩa tình hơn. Không chỉ là biết ơn trong lời nói ra, mà còn phải thể hiện ở chính hành động. Đó là, mỗi người học sinh cần học tập và tu dưỡng thật tốt, để có đủ khả năng làm giàu đẹp thêm cho đất nước, để trả ơn dân tộc một cách thiết thực nhất.
Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Dù có ngàn đời sau, đạo lí ấy vẫn không thể đổi khác!
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |