Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Mỗi bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi xuất viện là niềm vui lớn cho những bác sĩ.
Hơn 1 năm qua, từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện và lây lan ra nhiều địa phương trong cả nước, khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình đã điều trị thành công cho 11 bệnh nhân và hàng trăm trường hợp nghi nhiễm, có triệu chứng bệnh, được cách ly, theo dõi và điều trị tại khoa.
Nhớ lại kỷ niệm những ngày tháng là nơi tiếp nhận ca bệnh đầu tiên mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình từ tháng 3/2020, bác sĩ Phạm Trung Mạnh, Trưởng khoa Truyền nhiễm không khỏi bồi hồi: "Đây là ca bệnh COVID-19 đầu tiên của tỉnh Ninh Bình, là du học sinh trở về từ Hàn Quốc. Cả bệnh nhân và bác sĩ đều lần đầu tiên đối mặt với một dịch bệnh nguy hiểm, lại phải xa gia đình trong thời gian cách ly thực hiện nhiệm vụ, nên đều có những nỗi lo nhất định. Nhưng chúng tôi là những bác sĩ, có nhiều năm chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, có những hiểu biết về quy chế lây lan của dịch bệnh, từ đó tích cực theo dõi, động viên bệnh nhân yên tâm, hợp tác để cùng điều trị nhanh chóng khỏi bệnh..." - bác sĩ Mạnh khẳng định.
Bản thân bác sĩ Mạnh và nhiều bác sĩ, điều dưỡng tại khoa Truyền nhiễm, có những thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, liên tục có các ca bệnh nhập viện -xuất viện, nên hàng tháng, có khi đến vài tháng các anh, chị cũng không được về nhà. Bởi khi điều trị xong cho 1 ca bệnh từ 14 đến trên 20 ngày, các bác sĩ còn tiếp tục cách ly đủ 14 ngày theo quy định của Bô Y tế, nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân, đồng nghiệp và gia đình.
Bác sỹ Quách Thị Tuyết, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Các đợt điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 cứ liên tiếp nhau và chúng tôi phải chia ca để làm nhiệm vụ. Mặc dù được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ chuyên dụng từ đầu đến chân, kiểm tra đủ độ an toàn mới vào chăm sóc bệnh nhân, nhưng chẳng ai dám chắc, bệnh dịch không lây lan cho mình, bởi chúng tôi đều là những F1, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với người bệnh cũng như ăn uống, sinh hoạt tại khoa Truyền nhiễm hàng tháng trời...
"Đối với những nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, chúng tôi hiểu rõ đặc thù công việc vất vả, nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm từ người bệnh rất có thể xảy ra. Nhưng đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng được tăng cường làm việc tại khoa Truyền nhiễm luôn nâng cao tinh thần, ý thức phục vụ, thực hiện đúng quy trình chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ Y tế, quyết tâm không để vi rút SARS-CoV-2 lây nhiễm ra ngoài, lây nhiễm cho nhân viên y tế và không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện..." - Điều dưỡng Trần Thị Phương Loan, khoa Truyền nhiễm chia sẻ thêm.
Theo các bác sĩ, điều dưỡng khoa Truyền nhiễm, mỗi lần một bệnh nhân xuất viện là một lần mang thêm niềm vui cho cả khoa. Bởi việc chấp nhận cách ly trong khoảng thời gian khá dài, xa người thân, gia đình, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó khăn, nguy cơ cao đã được đền đáp khi có những ca bệnh được chữa khỏi hoàn toàn, họ được trở về với gia đình và gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới các nhân viên y tế. Đây là niềm vui và sự tự hào lớn nhất, vinh dự hơn cả đối với mỗi nhân viên y tế trong quá trình công tác, thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trong các đợt dịch COVID-19 vừa qua, đã có gần 20 bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ của khoa Truyền nhiễm được tăng cường thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân. Trong điều kiện cơ sở vật chất các khoa, phòng làm việc, phòng ăn, nghỉ còn thiếu thốn, nhỏ bé, các y, bác sĩ gặp khá nhiều trở ngại trong sinh hoạt, cuộc sống. Tuy nhiên, khắc phục tất cả những khó khăn, thiếu thốn ấy, những nhân viên y tế đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Và điều may mắn hơn cả là không ai trong số họ bị lây nhiễm chéo căn bệnh nguy hiểm.
Bác sĩ Trưởng khoa Truyền nhiễm Phạm Trung Mạnh cho biết thêm: Điều vui mừng và phần thưởng lớn nhất đối với chúng tôi, là những bệnh nhân được điều trị khỏi, xuất viện về với gia đình khỏe mạnh, thường xuyên gọi điện, nhắn tin thăm hỏi, động viên chúng tôi. Và thêm niềm vui nữa, là chúng tôi nhận được những lời khen, sự động viên kịp thời, chân thành của người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Hơn nữa, ghi nhận những đóng góp của các bác sĩ, điều dưỡng, vào ngày 27/2 - kỷ niệm 66 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay, các cấp, các ngành đã có sự động viên, khen thưởng kịp thời cho chúng tôi.
Những danh hiệu dành cho tập thể khoa Truyền nhiễm: Tập thể lao động xuất sắc của UBND tỉnh; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Các cá nhân tham gia phòng chống dịch COVID-19 trong khoa đều được nhận những phần thưởng động viên xứng đáng. Cá nhân bác sĩ Phạm Trung Mạnh, Trưởng khoa Truyền nhiễm cũng vinh dự được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, ghi nhận những nỗ lực cố gắng không mệt mỏi, không ngại khó khăn, nguy hiểm của những người trên tuyến đầu chống dịch.
Giờ đây, cuộc chiến với dịch bệnh COVID-19 vẫn còn dài và chưa nói trước được điều gì. Những bác sĩ, điều dưỡng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện đa khoa tỉnh vẫn luôn sẵn sàng tinh thần vì người bệnh, vì cộng đồng xã hội, chấp nhận xa người thân, gia đình, hi sinh những niềm vui riêng trong cuộc sống, hoàn thành trọng trách của một người Thầy, thực hiện hiệu quả lời dạy của Bác "Lương y như từ mẫu", không ngừng nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân
Tham gia Cộng đồng Lazi trên các mạng xã hội | |
Fanpage: | https://www.fb.com/lazi.vn |
Group: | https://www.fb.com/groups/lazi.vn |
Kênh FB: | https://m.me/j/AbY8WMG2VhCvgIcB |
LaziGo: | https://go.lazi.vn/join/lazigo |
Discord: | https://discord.gg/4vkBe6wJuU |
Youtube: | https://www.youtube.com/@lazi-vn |
Tiktok: | https://www.tiktok.com/@lazi.vn |
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |