Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Cảm nhận của em về nhân vật ông Hai trong đoạn trích sau

Câu hỏi:
Cảm nhận của em về nhân vật ông Hai trong đoạn trích sau:
 
“Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được. Một lúc lâu ông mới rặn è è, nuốt một cái gì vướng ở cổ, ông cất tiếng hỏi, giọng lạc đi:
 
- Liệu có thật không hở bác? Hay là chỉ lại…
 
…Vừa về đến nhà, ông Hai nằm vật ra giường, mấy đứa trẻ thấy bố hôm nay có vẻ khác, len lét đưa nhau ra đầu nhà chơi sậm chơi sụi với nhau.
 
Nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lão cứ giàn ra. Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư? Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu…Ông lão nắm chặt hai tay mà rít lên:
- Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này.
 
Ông lão bỗng ngừng lại, ngờ ngợ như lời mình không được đúng cho lắm. Chả nhẽ cái bọn ở làng lại đốn đến thế được. Ông kiểm điểm từng người trong óc. Không mà, họ toàn là những người có tinh thần cả mà. Họ đã ở lại làng, quyết tâm một sống một chết với giặc, có đời nào lại cam tâm làm điều nhục nhã ấy!
 
Nhưng sao lại nảy ra cái tin như vậy được? Mà thằng chánh Bệu thì đích là người làng không sai rồi. Không có lửa làm sao có khói? Ai người ta hơi đâu bịa tạc ra những chuyện ấy làm gì. Chao ôi! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian! Rồi đây biết làm ăn, buôn bán ra sao? Ai người ta chưa. Ai người ta buôn bán mấy. Suốt cả cái nước Việt Nam này người ta ghê tởm, người ta thù hằn cái giống Việt gian bán nước … Lại con bao nhiêu người làng tan tác mỗi người một phương nữa, không biết họ đã rõ cái cơ sự này chưa? ….”
 
(Trích Làng, Kim Lân, Ngữ văn 9, tập 1, NXBGD, 2013
5 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
2.690
2
0
Avicii
02/04/2022 22:00:28
+5đ tặng

   Văn chương nghệ thuật như ngọn đuốc dẫn đường mỗi con người chúng ta vào từng thế giới. Nghệ thuật luôn tiềm tàng sức mạnh phản chiếu ánh sáng của thời đại và những giá trị nhân đạo. Nếu như trước cách mạng tháng Tám Ngô Tất Tố mang đến một chị Dậu là hình ảnh của một người nông dân mạnh mẽ, phản kháng đứng lên đấu tranh hay Nam Cao mang tới hình ảnh lão Hạc với phẩm chất giàu lòng yêu thương và lòng tự trọng thì sau cách mạng tháng Tám nhà văn Kim Lân- người được mệnh danh là con đẻ của đồng ruộng đã mang tới cho người đọc một hình ảnh người nông dân hết sức là mới lạ. Đó là hình ảnh của ông Hai, một người nông dân mang trong mình một tinh thần yêu nước, yêu làng nồng nàn.

     Sinh ra tại làng quê Việt Nam Kim Lân đã sớm mang trong mình phẩm chất của một người nông dân chất phác hiền lành. Ông đưa vào trang văn của mình hình ảnh của những người nông dân chân chất nhất. Trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp khi người dân được lệnh đi tản cư thì một lần nữa kim lân lại mang vào trong văn của mình không phải những chủ đề bình thường những chủ đề liên quan tới kháng chiến mà tình yêu làng, yêu nước của những người dân. 

    Truyện ngắn làng được viết vào khoảng thời gian đầu những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và được in lần đầu trên báo vào năm 1948.

    Ông Hai là nhân vật chính của tác phẩm, đó là một người nông dân có tình yêu làng quê sâu sắc, nhưng vì hoàn cảnh, ông buộc phải rời làng đi tản cư. Ở nơi tản cư, ông vẫn luôn nhớ về làng Chợ Dầu. Khi được nói chuyện về làng, ông vui náo nức đến mức lạ thường. Ông quan tâm đến tình hình chính trị thế giới đến các tin chiến thắng của quân ta. Ông mang trong mình một niềm vui của một con người biết gắn bó với tình cảm của mình với vận mệnh của toàn dân tộc, là niềm vui mộc mạc của một tấm lòng yêu nước chân thành.

      Vậy mà tình yêu làng da diết của ông hai đã được nhà văn Kim Lân đặt vào một tình huống đầy thử thách. Đó là tin đồn làng chợ dầu của ông vẫn tự hào bao lâu nay đã việt gian theo Tây. Ông đã tự mình phải dành vật, đau đớn đấu tranh tâm với chính bản thân mình để lựa chọn ra con đường đúng đắn. Chính tình huống truyện đặc sắc giàu ý nghĩa này đã mở ra một thế giới nội tâm trong nhân vật khi đặt ông vào tình thế lựa chọn. Biết bao cung bậc cảm xúc của tấm lòng yêu làng yêu nước của nhân vật được bộc lộ một cách rõ nét. Nỗi bất hạnh lớn đã đổ sụp xuống đầu ông, ông sững sờ "cổ ông lão nghe nắng lại, ra mặt tê rân rân", "Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được". Khi trấn tĩnh được phần nào ông còn chưa tin cái tin mình nghe được là sự thật. Nhưng rồi những người tản cư đã kể một cách quá rành rọt, khẳng định một cách chắc nịch rằng họ vừa ở dưới đấy lên cho nên ông không thể không tin. Từ lúc ấy trong tâm trí ông hai chỉ có cái tin dữ ấy đã xâm chiếm toàn bộ linh hồn của ông. Ngôn ngữ miêu tả của Kim Lân chính xác vô cùng khi bước vào thế giới nội tâm và cảm nhận những biến chuyển trong nhân vật. 

  Ông luôn tin tưởng, luôn tự hào về làng và khoe với mọi người về tinh thần chiến đấu của làng. Vậy mà giờ đây mọi thứ đổi khác, ông lão chỉ biết xấu hổ và tìm cách trốn chạy vì sợ hãi. Hình ảnh ông cúi gằm mặt xuống mà đi khiến ta cảm thấy xót xa. Kim Lân đã xây dựng tâm lý ông Hai rất phù hợp với hoàn cảnh. Khi tâm trí ông chỉ còn quẩn quanh suy nghĩ làng Chợ Dầu rồi Việt gian, ông đã tìm về với căn nhà. Về đến nhà, ông nhìn những đứa con mà thấy tủi thân vô cùng "Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư?Chúng nó cũng bị người ta rẻ rung hắt hủi đấy ư?". Giá ông không quá yêu làng, không quá tự hào về làng thì ông đã không thấy tủi nhục đến thế. Mấy chữ “cả làng chúng nó Việt gian theo Tây” như găm vào trái tim ông, vào niềm tự hào về cái làng mà ông yêu vô cùng.

    Tất cả những gì ông trân trọng giữ gìn trong tim giờ đây như đều sụp đổ tan tành. Ông không chấp nhận được sự thật ấy và đấu tranh nội tâm dữ dội. Ông tự mình ngồi và kiểm kê lại tất cả những người trong làng, những con người mà ông luôn tự hào ấy mà giừo lại có thể theo Tây ư? “Chao ôi ! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian !” Có lẽ trong đời mình, ông Hai chưa từng chịu đựng hay thậm chí tưởng tượng được một nỗi đau, nỗi nhục như thế. Những tiếng ấy như thốt lên từ trái tim bị tổn thương, từ niềm tự hào bị chà đạp của ông. Ông đã yêu làng bằng cả trái tim và tâm hồn, ây vậy mà giờ đây ông lại phải chịu sự nhục nhã như vậy.

    Kim Lân đã rất tài tình khi sử dụng hàng loạt câu cảm, câu hỏi liên tiếp trong nghệ thuật độc thoại nội tâm để lột tả sự đau khổ, xót xa, uất ức mà ông Hai phải chịu đựng.  Ông Hai quả thật rất yêu cái làng của mình. Nếu không yêu ông sẽ không đau, nếu không yêu ông sẽ không giằng xé. Hình ảnh một con người hay vui vẻ, hạnh phúc và tự hào về cái àng của mình giờ chỉ còn ại một con người với sự đau khổ vô bờ bến. Diễn biến tâm trạng của nhân vật ông Hai từ khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc được miêu tả một cách cụ thể, gợi cảm qua ý nghĩ, hành vi, ngôn ngữ. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật chân thực, sinh động.

    Nhà phê bình văn học Bêlinxki từng viết: “Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó”. Kim Lân đã bằng tài năng của mình mà khắc họa quá tinh tế những cảm xúc của nhân vật ông Hai khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc. Ông Hai chính là hình anh tiêu biểu cho những người nông dân Việt Nam vói một tình yêu làng và yêu nước sâu sắc.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
3
1
Nguyễn Nguyễn
02/04/2022 22:00:35
+4đ tặng

Tình yêu làng, yêu nước, yêu quê hương Tổ quốc vốn là một đề tài lớn của nền văn học dân tộc, văn học yêu nước đặc biệt phát triển trong các giai đoạn có những cuộc đấu tranh cam go chống lại bước chân xâm lược của kẻ thù. Viết về chủ đề yêu nước, nhà văn Kim Lân trong tác phẩm truyện ngắn "Làng" đã khắc họa thành công nhân vật ông Hai. Một người dân hết lòng trung thành với đất nước cùng sự gắn bó với nơi "chôn rau cắt rốn" của mình.

Ông Hai là một người yêu làng, luôn tự hào về làng của mình. Trong một dịp tình cờ, ông nghe được tin làng chợ Dầu yêu quý của ông đã trở thành Việt gian theo Pháp, phản bội lại kháng chiến, phản bội lại Cụ Hồ. Khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc: "Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, mặt tê rân rân. Ông lão lặng hẳn đi, tưởng như không thể được. Một lúc lâu ông mới rặn è è, nuốt một cái gì vướng ở cổ...giọng lạc hẳn đi". Chỉ một câu văn ngắn gọn, nhà căn Kim Lân đã cụ thể hóa cái sững sờ, ngạc nhiên cao độ, đến hốt hoảng khi nghe tin đột ngột. Không ngạc nhiên, sững sờ sao được khi ông luôn yêu quý và tự hào về làng chợ Dầu: bà con trong xóm, cây lúa ngoài đồng- ai, cái gì cũng tốt cả mà bây giờ cơ sự lại xảy ra đến mức "Việt gian từ thằng chủ tịch mà đi"

Về đến nhà nhìn đàn con chơi đùa sậm xụi đáng thương với nhau, ông Hai vật ra giường "giàn nước mắt". Đấy là những giọt nước mắt đau đớn, buồn tủi. Ông đau đớn, buồn tủi vì nghĩ đến sự khinh bỉ, hắt hủi của mọi người. Rồi đây người ta xua đuổi cả những đứa trẻ của làng Việt gian nữa. Chúng nhỏ bé, đáng thương nào có nỗi gì. Điều đó chẳng đau đớn, xót xa, buồn khổ lắm sao? Càng nghĩ, ông càng căm giận đến cùng những kẻ bán nước theo giặc để nhục làng, bôi xấu danh dự của làng, trong đó có ông. Ông coi chúng là "chúng bay", không cùng phường, cùng hội, càng không phải giống người! Rít lên trong cuống họng, ông nguyền rủa: " Chúng mày ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước nhục nhã thế này". Ở đây, Kim Lân đã sử dụng ngôn ngữ độc thoại để bộc lộ tâm trạng nhân vật.

Mường tượng, hình dung đến sự tẩy chay của mọi người, ông không khỏi lo lắng "rồi đây biết làm ăn buôn bán ra sao? Ai người ta chứa? Ai người ta buôn bán mấy...?" Tâm trạng lo lắng được ông đẩy lên thành lo sợ. Ông cáu gắt với bà vô cớ. Ông trằn trọc thở dài. Ông bủn rủn tay chân. Ông nín thở lắng nghe. Ông nằm im không nhúc nhích. Hóa ra ông sợ mụ chủ nhà khó tính, lắm điều biết chuyện sẽ "không ra cái gì bây giờ". Sau đó ông không dám ra khỏi nhà, không đi tới đâu, lúc nào cũng nghĩ đến "chuyện ấy". Một đám túm lại ông cũng để ý. Dăm bảy tiếng nói cười xa xa ông cũng chột dạ. Thoáng nghe những tiếng "Tây", "cam nhông", "Việt gian" là ông lại lủi ra góc nhà, thở dài não nuột: "Thôi, lại chuyện ấy rồi". Thông qua hành vi, cảm giác, ý nghĩ của nhân vật, Kim Lân đã diễn tả rất cụ thể nỗi ám ảnh nặng nề thành sự sợ hãi trong lòng ông Hai.

Cuối cùng, tâm trạng ông Hai được bộc lộ trong tình huống thử thách căng thẳng, quyết liệt hơn: Làng chợ Dầu theo giặc thì làng chợ Dầu không ai chứa. Ở hoàn cảnh này, tâm trạng của ông Hai trở nên u ám, tuyệt vọng và bế tắc. Ông Hai đã phải trải qua một cuộc đấu tranh nội tâm dữ dội, đó là về hay không về làng chợ Dầu. Không về làng chợ Dầu thì ông không biết đi đâu, còn về làng thì " Về bây giờ là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ". Cuối cùng, ông Hai đã quyết định dứt khoát: "Làng thì yêu thật nhưng làng mà theo Tây thì phải thù". Quyết định, tâm trạng và thái độ của ông Hai cho thấy nỗi lo cơm áo dẫu nặng thế nào cũng không đáng sợ bằng nỗi nhục bán nước, tình yêu làng quê dẫu tha thiết bao nhiêu cũng không lớn hơn mà gắn bó với tình yêu Tổ quốc.

1
0
anh
02/04/2022 22:01:23
+3đ tặng

Tác giả:

- Là cây bút chuyên viết truyện ngắn, thành danh từ trước cách mạng tháng 8. Ông để lại số lượng tác phẩm không nhiều nhưng vẫn được xếp vào hàng những cây bút xuất sắc nhất của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại.

- Đề tài: nông thôn:

+ Khai thác chất thơ bình dị của cuộc sống thôn quê với những thú vui đồng ruộng.

+ Khám phá vẻ đẹp thuần phác, đôn hậu tiềm ẩn trong tâm hồn người nông dân.

- Có lối viết tự nhiên, giản dị, cách miêu tả chân thực. Đặc biệt ông có biệt tài phân tích tâm lí nhân vật.

Tác phẩm:

- Được viết thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ 1948.

-> Là một trong những truyện ngắn thành công nhất của Kim Lân.

- Đoạn trích miêu tả tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc.

2. Phân tích

*Giới thiệu nhân vật ông Hai

Tóm tắt nội dung trước khi dẫn đến đoạn được trích.

* Lúc mới nghe tin, ông ngạc nhiên đến bàng hoàng, sững sờ:

- Đúng lúc ông Hai đang phấn khởi trước những tin tức thời sự thì nghe những người tản cư bàn về làng Chợ Dầu. Ông quay phắt lại hỏi: “ta giết được bao nhiêu thằng?” -> Câu hỏi cho thấy niềm tin vững chắc vào tinh thần cách mạng của làng mình.

- Vì thế, tin làng theo giặc khiến ông chết lặng vì đau đớn, tủi thẹn:

Cổ nghẹn đắng.

+ Da mặt tê rân rân.

+ Giọng lạc hẳn đi.

+ Lặng đi như không thở được…

-> Đau đớn đến mức như không điều khiển được thân thể của chính mình.

* Từ giây phút đó, ông chìm vào tâm trạng hoang mang, đau khổ, sợ hãi:

- Ông lảng ra chỗ khác rồi về thẳng nhà, nằm vật ra giường chứ không chạy sang hàng xóm khoe làng như thường lệ.

- Ông lo lắng, xót xa, trằn trọc cả đêm:

+ Cho số phận của những đứa con sẽ bị khinh bỉ, hắt hủi vì là trẻ con làng Việt gian;

+ Cho bao nhiêu người làng ở nơi tản cư.

+ Cho tương lai cả gia đình.

- Ông sợ hãi khi phải đối diện với cuộc sống xung quanh:

+ Không dám bước chân ra khỏi nhà.

+ Mỗi một tiếng động bên ngoài cũng khiến ông hoang mang.

+ Lúc nào cũng nín thở nghe ngóng và chột dạ, nơm nớp..

3
0
Nguyễn Thị tuyết ...
03/04/2022 07:18:58
+2đ tặng

Kim Lân là gương mặt tiêu biểu của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Ông là nhà văn chuyên viết truyện ngắn và mảng đề tài về nông thôn Vin gắn bó và am hiểu sâu sắc cuộc sống thôn quê nên hầu như Kim Lân chi viết về sinh hoạt làng quê và cảnh ngộ của người nông dân. Trong số những tác phẩm thành công về đề tài ấy, “Làng” là một truyện ngắn tiêu biểu. Kim Lân sáng tác truyện ngắn này vào năm 1948, trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong thiên truyện xuất sắc này, tác giả đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật ông Hai. Đặc biệt, truyện ngắn “Làng” của nhà văn Kim Lân mà đặc biệt là đoạn trích trên đã thể hiện một cách sinh động và tinh tế diễn biến tâm trạng của nhân vật ông Hai khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc. Qua diễn biến tâm trạng ấy ta thấy được những chuyển biến mới trong đời sống tinh thần của người nông dân Việt Nam trong đó buổi đầu kháng chiến. Đó là sự hòa quyện, thống nhất giữa tình yêu làng quê với lòng yêu đất nước và tinh thần chống Pháp.

Ông Hai là nhân vật chính của tác phẩm, đó là một người nông dân có tình yêu làng quê sâu sắc, nhưng vì hoàn cảnh, ông buộc phải rời làng đi tản cư. Ở nơi tản cư, ông vẫn luôn nhớ về làng Chợ Dầu quê ông và tự hào khoe làng ông là làng kháng chiến. Tình yêu làng của ông Hai đã được nhà văn đặt vào một tình huống đầy thử thách. Đó là tin đồn làng chợ Dầu mà ông vẫn tự hào đã làm Việt gian theo Tây. Người nông dân ấy đã trải qua tâm trạng dằn vặt, đau đớn, phải tự đấu tranh với chính mình để lựa chọn con đường đúng đắn. Từ tình huống có ý nghĩa thử thách ở nội tâm nhân vật nhà văn đã mở ra biết bao cung bậc cảm xúc của một tấm lòng yêu làng, yêu nước và những chuyển biến mới trong tâm hồn, tình cảm của người nông dân này.

Diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc đã được nhà văn Kim Lân thể hiện thật sinh động và tinh tế. Lúc mới nghe tin làng mình theo giặc, ông Hai bàng hoàng đến sửng sốt "Cổ ông lão nghẹn ng hắn lại, da mặt tê rần rần, ông lão lặng đi đến không thở được. Một lúc lâu, ông mới rặn è è như nuốt một cái gì vướng trong cô, ông cất tiếng hỏi, giọng lạc hẳn đi". Trạng thái bàng hoàng, hụt hẫng này là phản ác tâm lý hết sức tự nhiên của một người quá yêu làng. Nếu không yêu thì cái tin làng Chợ Dầu theo giặc không thể gây chấn động mạnh tựa như một cú sốc tinh thần như thế với ông Hai. Song, ông Hai vẫn còn nghi ngờ chưa thể tin ngay lời đồn đại, ông lắp bắp hỏi lại: "Liệu có thật không hở bác, hay là chi lại ...". Ông hỏi lại để khẳng định cũng là để cố bấu víu vào một tia hi vọng rằng đó chỉ là sự nhầm lẫn là một lời đồn đại vô căn cứ. Nhưng khi cái tin được khẳng định từ những người tản cư thì ông Hai không thể không tin. Từ lúc ấy, tâm trạng ông bị ám ảnh, day dứt bởi mặc cảm là người làng Việt gian. Nghe tiếng chửi bọn Việt gian bán nước "ông cúi gằm mặt xuống mà đi" ta nhận thấy trong cái cúi mặt này biết bao xấu hổ, nhục nhã, đau đớn. Nỗi nhục khiến ông không thể ngẩng đầu lên được. Phải chăng, ông Hai đã đồng nhất danh dự của ông với danh dự củ làng ông. Với ông, danh dự của làng cũng là danh dự của chính ông . Đây là nét tâm lý cộng đồng của người nông dân Việt Nam trong thời đại mới.

Về đến nhà, ông Hai càng tủi thân, thương con thương mình và thương cả nhữn người nông dân làng chợ Dầu vì mang tiếng là làng Việt gian: "Nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lại cứ giàn ra, chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư. Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi đấy ư?". Nghĩ đến sự khinh bỉ của mọi người, ông Hai càng căm giận những kẻ Việt gian bán nước. Ông nắm chặt hai tay lại mà rít lên: "Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này". Nhà văn Kim Lân đã sử dụng thật tài tình độc thoại để bộc lộ nỗi lòng nhân vật. Sự căm giận, nỗi tủi hổ, nhục nhã trong lòng người nông dân này không kìm nén nổi đã bật ra thành tiếng chửi. Trong nội tâm nhân vật ông Hai đã diễn ra một sự giằng xé giữa tin và không tin. Một mặt, ông Hai kiểm điểm lại từng người trong óc "họ toàn là những người có tinh thần cả mà". Ông tin những người ở lại làng không ai can tâm làm điều nhục nhã ấy. Nhưng rồi ông lại phân vân: "Thằng Chảnh Bệu thì đích là người làng không sai rồi. Không có lửa làm sao có khói? Ai người ta hơi đâu bia tạo ra những chuyện ấy làm gì". Nhà văn Kim Lân đã rất tinh tế khi phát hiện ra nét tâm lý nửa tin nửa ngờ ở nhân vật. Vì quá yêu làng nên ông Hai cố tìm một chút hy vọng để bấu víu. Nhưng rồi trước những chứng cứ hiển' nhiên, ông đành cay đắng chấp nhận sự thật. Từ lúc ấy, nỗi nhục nhã lại sôi réo trong lòng ông: Chao ôi! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian!". Ông Hai lại càng hoàng mang, lo sợ, sẽ tuyệt đường sinh sống khi nghĩ đến việc người ta sẽ không chứa, không buôn bán gì người làng Việt gian.

Ông Hai là nhân vật tiêu biểu điển hình về người nông dân trong buổi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, người nông dân yêu làng, yêu nước, có niềm tin tuyệt đối vào cách mạng. Qua nhân vật ông Hai, ta thấy được nhận thức của người nông dân về cuộc kháng chiến và trong cuộc kháng chiến chống Pháp họ đã góp phần làm lên thiên sử vàng vẻ vang của dân tộc. Thấy được nghệ thuật miểu tả nhân vật tài tình của nhà văn Kim Lân cũng như tình cảm gắn bó, quý trọng người nông dân của nhà văn.

0
0
duc minh
14/02/2024 13:09:07

Kim Lân nhà văn gắn bó với hình ảnh người nông dân và đồng quê, truyện “Làng” của Kim Lân đã khắc họa chân thực hình ảnh người nông dân trong thời kì đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Trọng tâm truyện ngắn đó là ông Hai người nông dân yêu làng, yêu nước và theo cách mạng.

Ông Hai trước kia sống ở làng Chợ Dầu nhưng vì hoàn cảnh ông phải xa làng, tuy vậy ông luôn tự hào về làng Chợ Dầu và hay khoe nó với mọi người về làng của mình. Khi ở xa ông vẫn trông ngóng mọi tin tức về quê hương của mình.

Nhà văn đã đặt nhân vật vào tình huống khó khăn đó là tin “làng theo giặc” giúp bộc lộ chiều sâu tình cảm của nhân vật. Ông trông ngóng mọi tin tức về làng Chợ Dầu như các chiến công các anh chiến sĩ hay của các em nhỏ cũng đủ làm ông vui sướng.

Yêu làng, yêu nước bao nhiêu thì khi nghe tin làng theo giặc ông hụt hẫng, thất vọng bấy nhiêu. Trong hoàn cảnh khó khăn nhất, nó càng được bộc lộ rõ hơn. Tin làng Chợ Dầu theo giặc đến với ông Hai bất ngờ điều này đã làm cho ông sững sờ như không tin nổi đó là sự thật: “Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân, ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được”. Từ tâm trạng hồ hởi khi được trở về quê đang dần chuyển thành thất vọng, tủi hổ đến nỗi ông đã bị nỗi ám ảnh. Suốt ngày ông chỉ ở trong nhà, không dám gặp mặt ai… Tâm trạng của ông Hai lâm vào bế tắc khi hay chủ nhà không cho gia đình ông ở nữa vì họ không chứa những người phản cách mạng.

Trong đoạn kết là lúc làng của ông cải chính, ông Hai vui và xúc động khi nghe được tin làng theo cách mạng theo Bác Hồ. Ta thấy được chính tình yêu làng, yêu nước của ông ngày càng sâu sắc hơn. Ông Hai không phải dằn vặt trong sự lựa chọn khắc nghiệt giữa làng và nước như trước kia nữa. Niềm vui của ông Hai chính là cảm xúc của con người yêu quê hương, đất nước sâu sắc. Tác giả đã miêu tả thật sâu sắc nhân vật như ông vui lắm, ông như thấy mình như con lật đật, bô bô lại kể về làng Chợ Dầu với một niềm tự hào hơn cả trước kia hay nhà của ông bị Tây đốt nhẵn nhưng ông vẫn vui vì làng đã theo cách mạng.

Nhà văn Kim Lân đã phác họa hình ảnh ông Hai người nông dân luôn yêu làng, yêu quê hương đất nước vô bờ bến. Ông theo cách mạng và trung thành với kháng chiến, với Bác Hồ đó cũng là hình ảnh chung người nông dân sau CMT8.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×