Trong cuộc sống, sách có một vai trò vô cùng đặc biệt với đời sống nhân loại. Điều đó được thể hiện qua lời nhận xét: “Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ con người”.
Hiểu một cách đơn giản, sách là một dạng văn bản được in ra thành quyển, trong cuốn sách đó có chứa đựng những thông tin chính cần đề cập tới, đó là những kiến thức đã được đúc kết qua nghiên cứu, kinh nghiệm, của nhiều tác giả hoặc ý kiến cá nhân tác giả. Còn “ngọn đèn” là vật dụng do con người phát minh ra dùng để chiếu sáng. Với “ngọn đèn bất diệt” thì ánh sáng của nó luôn sẽ tồn tại với thời gian, không mất đi. Việc so sánh “sách” với hình ảnh “ngọn đèn bất diệt” nhằm khẳng định giá trị của sách đối với con người.
Trước hết, sách cung cấp cho con người những tri thức khác nhau thuộc mọi lĩnh vực trong đời sống. Sách có thể giúp người đọc vượt qua mọi không gian và thời gian, thậm chí là mọi ngôn ngữ. Khi đọc sách, chúng ta giống như đang được “xuyên không” từ quá khứ đến hiện tại và ngay cả tương lai nữa. Lạc vào thế giới của sách, con người sẽ đến với những chuyến hành trình bất tận, khám phá được nhiều điều mới mẻ và thú vị mà chỉ phải bỏ ra một số tiền rất nhỏ.
Những quyển sách giống như một người của con người. Khi đọc được một quyển sách tốt, bạn không chỉ học hỏi được những kiến thức mà còn bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm. Đôi khi, những cuốn sách còn giúp chữa lành đi những vết thương mà bạn trải qua trong cuộc sống. Nhờ có sách, chúng ta cũng nhận ra những phần mà bản thân mình còn khiếm khuyết, để từ đó tự hoàn thiện chính mình trở nên tốt đẹp hơn. Ngược lại, những cuốn sách vô bổ sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm hồn người đọc. Không chỉ vậy, sách còn là nơi giúp con người giải trí sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng và mệt mỏi.
Một cuốn sách hay có khả năng giáo dục. Không thể phủ nhận được rằng, sách cũng giống như một người bạn có ảnh hưởng đến mỗi người. Những tác phẩm văn chương giàu giá trị giúp khơi dậy cho chúng ta biết xúc động, biết đồng cảm và chia sẻ. Ví dụ những tác phẩm văn học của nhà văn Thạch Lam: Gió lạnh đầu mùa, Hai đứa trẻ, Nhà mẹ Lê… đã khắc họa cuộc sống của những kiếp người nhỏ bé trong xã hội. Những tác phẩm này đã khơi dậy trong lòng người đọc lòng thương cảm, sự sẻ chia với những con người đó. Cùng với đó, sách cũng là một hình thức giải trí phổ biến của con người.
Trong cuộc sống hiện đại là thời đại phát triển của khoa học công nghệ, con người thường thích sử dụng một chiếc điện thoại hay máy tính để xem phim, nghe nhạc hơn là cầm một cuốn sách để đọc. Chính điều đó khiến cho văn hóa đọc đang rơi vào tình trạng đáng báo động. Đặc biệt, đối với thế hệ trẻ - những con người yêu thích công nghệ. Nhiều người không có đủ thời gian để đọc hoàn chỉnh một cuốn sách. Đôi khi, đọc sách cũng không còn là một sở thích được ưa chuộng nữa. Chính vì vậy, mỗi người hãy ý thức được tầm quan trọng của việc sách để từ đó tích lũy cho bản thân nhiều kiến thức hơn.
Như vậy, câu nói “Sách là ngọn đèn bất diệt của trí tuệ con người” là hoàn toàn đúng đắn. Hãy đọc sách để có thể hoàn thiện bản thân, và dần tiến đến con đường thành công.