Suốt dòng lịch sử, Việt Nam đã trải qua biết bao cuộc đấu tranh giữ nước để đắp xây và bảo vệ nền độc lập dân tộc. Quá trình đó đã để lại nhiều áng văn bất hủ khẳng định quyền độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam. Theo trình tự thời gian, có thể ghi nhận bài Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi và Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh.
Vào cuối năm 1076, đại quân Tống do Quách Quỳ và Triệu Tiết kéo quân vào xâm lược Đại Việt lần thứ hai. Tháng 12/1077, khi quân Tống tiến đến bờ sông Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt đem thuyền ra đánh. Để cổ vũ, động viên binh sĩ vững tin vào chiến thắng, Lý Thường Kiệt sáng tác bài thơ nổi tiếng:
Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Bài thơ chỉ vẻn vẹn có 28 chữ, nhưng thật ý nghĩa sâu xa, khẳng định ý chí độc lập dân tộc, tình cảm dân tộc mạnh mẽ. Độc lập dân tộc là ý thức về Tổ quốc Việt Nam, ý thức về sông núi, lãnh thổ nước Nam, ý thức về chủ quyền quốc gia dân tộc của nhân dân Việt Nam, mà đại diện là Hoàng đế nước Nam. Đó là chân lý do "sách trời" đã định. Giặc bên ngoài vào xâm lược là trái với "sách trời", tức là trái với đạo lý, nên nhất định sẽ "bị đánh tơi bời", nhất định chuốc lấy bại vong.
Phải nói thêm rằng, trong Hán văn, từ vương cũng có nghĩa là vua. Vào thời Xuân thu, Chiến quốc, từ vương chỉ những vua nước chư hầu của Thiên tử nhà Chu. Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, tự xưng là Tần Thủy Hoàng đế. Các đời sau đều xưng là đế như: Đường đế, Tống đế, Nguyên đế... Trong quan hệ bang giao, các Hoàng đế Trung Hoa chưa một lần công nhận các vua Việt ta là đế, mà chỉ là vương. Nhưng trong ý thức của các vua Việt bao giờ cũng đặt ngang hàng với Bắc đế, chứ không bao giờ chịu nhún mình là vương. Ví như Lý Nam đế, Đinh Tiên Hoàng đế, Đại Hành Hoàng đế… để khẳng định một quyền lực tối cao, độc lập hoàn toàn, không phụ thuộc vào Thiên triều Trung Hoa. Trong nhiều bài dịch "Nam đế cư" thành "vua Nam ở" là chưa sát ý, mà phải dịch là "Nam đế ở" mới đúng tư tưởng của bài thơ.
Cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ hai vào thế kỷ thứ XI do Lý Thường Kiệt lãnh đạo là một trong những chiến công chói lọi trong trang sử vàng về bảo vệ và khẳng định chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam. Bài thơ đã đi vào lịch sử như bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam.
Khi cuộc kháng chiến chống Minh ở thế kỷ XV kết thúc thắng lợi hoàn toàn, Đại Việt sạch bóng quân xâm lăng. Năm 1428, thay mặt vua Lê, Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo. Bài đại cáo là bản tổng kết lịch sử đất nước, dân tộc một cách hoàn chỉnh và được hậu thế xưng tụng là "thiên cổ hùng văn".
Một đặc điểm làm nổi bật giá trị bài cáo là ý thức, lòng tự hào về quốc gia, dân tộc đã được khẳng định một cách rõ ràng, đầy đủ nhất:
Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Cõi bờ sông núi đã riêng,
Phong tục Bắc, Nam cũng khác.
Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên xưng đế một phương.
Người đời sau xem đoạn văn này là tiêu biểu nhất cho ý thức về quốc gia dân tộc. Bài cáo khẳng định, Đại Việt là một nước có văn hiến, có sức mạnh trí tuệ để giữ vững nền độc lập và phát huy các giá trị của dân tộc. Nguyễn Trãi đề cập đến những cái "riêng", cái "khác" của Đại Việt là để chỉ sự ngang hàng với Trung Hoa. Khẳng định sự thật lịch sử này là điều rất quan trọng, không phải ai cũng nhận thức được, nhất là những người xuất thân từ Nho giáo, chuyên học Bắc sử, mà trước hết là đánh vào đầu óc khinh miệt, kiêu ngạo của các triều đại Trung Hoa. Cuộc kháng chiến chống Minh kéo dài 20 năm được kết thúc thắng lợi, bài cáo cũng kết thúc bằng một lý tưởng lớn: độc lập dân tộc và thái bình lâu dài:
Xã tắc từ đây vững bền,
Giang sơn từ đây đổi mới.
Càn khôn bĩ rồi lại thái,
Nhật nguyệt mờ rồi lại trong.
Muôn thuở nền thái bình vững chắc,
Ngàn thu vết nhục nhã sạch làu.
Bình Ngô đại cáo đã khẳng định quyền độc lập dân tộc, thể hiện rõ ý thức dân tộc, lòng tự hào dân tộc, khả năng tự chủ, tự cường mà bằng chứng là biết bao chiến công vang dội trên. Có thể nói, Bình Ngô đại cáo mang đầy đủ giá trị, xứng đáng là bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai của Việt Nam.
Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công. Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mở đầu Tuyên ngôn, Người viện dẫn Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ, rằng: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Đồng thời, Người cũng viện dẫn Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền năm 1791 của nước Pháp, rằng: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi".
Hồ Chí Minh đã vận dụng những tinh hoa của hai bản tuyên ngôn trên để khẳng định "đó là những lẽ phải không ai chối cãi được". Sau khi khẳng định quyền con người, Người còn "suy rộng ra" và nâng lên thành quyền của tất cả các dân tộc trong thời đại mới: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do".
Ngay trong Tuyên ngôn, Hồ Chí Minh đã kêu gọi Liên hợp quốc: "Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam". Người không chỉ khẳng định về nguyên tắc pháp lý về quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, mà còn khẳng định trong thực tiễn cuộc đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam gắn với các quyền dân tộc thiêng liêng đó. Kết thúc bản Tuyên ngôn, Người khẳng định ý chí đanh thép: "Một dân tộc gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập". Đồng thời trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".
Chỉ hơn một nghìn từ với nội dung ngắn gọn, Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh thể hiện một trình độ kiến thức uyên bác, tầm nhìn bao quát về thời đại, một lập trường kiên định vì độc lập, tự do của dân tộc, vừa có tính chiến đấu mạnh mẽ với lập luận khôn khéo, sắc sảo, hùng văn, chứa đựng những giá trị bất hủ.
Có thể khẳng định, Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt ở thế kỷ thứ XI, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi ở thế kỷ thứ XV và Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh ở thế kỷ XX đã đánh dấu những giai đoạn phát triển của lý tưởng "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", có giá trị bất hủ trong lịch sử dân tộc Việt Nam.