Bức tranh mùa xuân thiên nhiên trong 6 câu thơ đầu được vẽ bằng vài nét phác hoạ nhưng rất đặc sắc:
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”.
Không gian cao rộng của bầu trời, rộng dài của dòng sông, màu sắc hài hoà của bông hoa tím biếc và dòng sông xanh - đặc trưng của xứ Huế. Rộn rã, tươi vui với âm thanh tiếng chim chiền chiện hót vang trời, tiếng chim trong ánh sáng xuân lan toả khắp bầu trời như động thanh "từng giọt long lanh rơi".
Cảm xúc của tác giả trước mùa xuân đất trời thể hiện qua cái nhìn trìu mến với cảnh vật, trong những lời bộc lộ trực tiếp như lời trò chuyện với thiên nhiên "ơi, hót chi... mà...". Đặc biệt cảm xúc của nhà thơ được thể hiện trong một động tác trữ tình đón nhận vừa trân trọng vừa tha thiết trìu mến với mùa xuân: đưa tay hứng lấy từng giọt long lanh của tiếng chim chiền chiện.
"Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng".
Có thể hiểu câu thơ theo nhiều cách khác nhau. Trước hết, "giọt long lanh" là những giọt mưa mùa xuân, giọt sương mùa xuân, trong sáng, rơi xuống từng nhành cây, kẽ lá như những hạt ngọc.
Giọt long lanh cũng có thể hiện theo nghĩa ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: tiếng chim từ chỗ là âm thanh cảm nhận bằng thính giác, chuyển thành từng giọt long lanh ánh sáng và sắc màu được cảm nhận bằng thị giác, chi tiết “tôi đưa tay tôi hứng” còn cho thấy giọt âm thanh này có thể cảm nhận cả bằng xúc giác.
Dù hiểu theo cách nào thì hai câu thơ vẫn thể hiện cảm xúc say sưa ngây ngất của tác giả trước cảnh đất trời xứ Huế vào xuân, thể hiện mong muốn hoà vào thiên nhiên đất trời trong tâm tưởng giữa mùa đông giá lạnh khiến ta vô cùng khâm phục.