Giáo dục Âm nhạc là bộ môn học quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông, góp phần giáo dục thẩm mỹ, tinh thần và phát triển toàn diện về tri thức và nhân cách cho học sinh. Riêng đối với âm nhạc ở cấp tiểu học, người giáo viên cần có kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành âm nhạc, cùng với khả năng Sư phạm, nghĩa là cần có sự năng động; sáng tạo; tư duy nhạy bén; nắm bắt đặc điểm tâm lý, sở thích, khả năng tiếp thu âm nhạc của học sinh để từ đó có thể đưa ra những phương pháp dạy học hiệu quả. Ngoài ra, giáo viên âm nhạc cần có lý tưởng thẩm mỹ cao đẹp, tính cách vui tươi , phóng khoáng, năng động và hòa đồng để dễ dàng thích nghi với tính chất công việc của mình và đáp ứng những nhu cầu học tập ngày càng cao của học sinh. Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang là nơi đào tạo giáo viên Mầm non, giáo viên Tiểu học, giáo viên THCS cho thành phố và các huyện trong tỉnh. Là một trường thuộc tỉnh miền núi, sinh viên chủ yếu đến từ vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nên chất lượng tuyển sinh của trường còn nhiều hạn chế. Để đáp ứng yêu cầu của đất nước, nhà trường đã rất chú trọng đến việc đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học nói chung và môn Âm nhạc nói riêng nhằm phát huy tính tích cực cho sinh viên trong quá trình lĩnh hội tri thức, giúp nâng cao năng lực giảng dạy cho giảng viên. Mặc dù vậy, bên cạnh những sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học có kiến thức chuyên môn vững, có năng lực thực hành âm nhạc tốt, vẫn còn không ít sinh viên còn hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà trường cũng như của thực tiễn khi các em về công tác tại các bậc giáo dục có bộ môn Âm nhạc như: Mầm non, Tiểu học và THCS của các huyện vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Những điều này chịu ảnh hưởng không nhỏ từ thực trạng dạy và học âm nhạc nói chung, dạy hát nói riêng cho sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học. 2 Với mong muốn đóng góp một phần công sức nhằm nâng cao hiệu quả dạy học âm nhạc hay dạy hát cho sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học tỉnh Hà Giang nói chung, cho sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang nói riêng, tôi chọn đề tài “Rèn luyện kỹ năng hát cho sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang” làm mục tiêu nghiên cứu cho luận văn này. 2. Lịch sử nghiên cứu Qua tham khảo các nguồn tài liệu, tôi thấy đã có nhiều công trình, bài viết nghiên cứu về giảng dạy âm nhạc trong nhà trường, nhưng chỉ có một vài công trình nghiên cứu sâu về giảng dạy bộ môn Âm nhạc hệ tiểu học. Có thể nêu ra một vài công trình đáng lưu ý như sau: - Phương pháp dạy học Âm nhạc – Tập I (Hà nội,1994) của tác giả Ngô Thị Nam chủ biên. Nội dung chủ yếu của cuốn sách đi vào trình bày về các phương pháp dạy học âm nhạc. - Tác giả Hoàng Long chủ biên công trình nghiên cứu Giáo trình Âm nhạc và phương pháp dạy học Âm nhạc (NXB Đại học Sư phạm, 2012). Công trình này tìm hiểu về chương trình Âm nhạc và phương pháp dạy học Âm nhạc bậc Tiểu học. - Tác giả Trần Thị Tuyết Oanh chủ biên giáo trình Giáo dục học dành cho sinh viên ĐHSP – Tập 1 (2007). Giáo trình viết về sự phát triển nhân cách của học sinh lứa tuổi Tiểu học. - Phương pháp dạy Âm nhạc trong nhà trường phổ thông (Nxb Giáo dục, Hà nội) của tác giả Trần Ngọc Lan Ngoài ra, có một số công trình nghiên cứu khác về dạy Âm nhạc và Hát cho trẻ bậc Tiểu học: Dạy học hát cho học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Thịnh Hào, Đống Đa (Luận văn Thạc sĩ, năm 2014), Nâng cao chất lượng dạy học Âm nhạc tại trường Tiểu học Kim Giang, Quận Thanh Xuân, Hà Nội của Nguyễn Thu Quỳnh, luận văn Thạc sĩ, năm 2015; Nâng cao chất 3 lượng dạy học môn Âm nhạc tại trường Đại học An giang của Huỳnh Huy Hoàng, luận văn Thạc sĩ, năm 2014; Dạy học Hát cho sinh viên ngành Giáo dục Mầm non trường Đại học Đồng Tháp của Võ Ngọc Quyên, luận văn Thạc sĩ, năm 2016…Đây là những luận văn Thạc sĩ (đào tạo tại Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung Ương) có nội dung nghiên cứu về những trường hợp dạy âm nhạc và hát giúp nâng cao chất lượng học tập cho học sinh bậc tiểu học ở một số trường cụ thể được nêu theo tiêu đề của từng luận văn. Nhìn chung, những tài liệu nêu trên đã đề cập đến những vấn đề về giảng dạy và phương pháp học hát ở những mức độ và những trường hợp cụ thể khác nhau. Tuy nhiên chưa có công trình nghiên cứu nào về rèn luyện kỹ năng hát cho sinh viên hệ Cao đẳng ngành Giáo dục Tiểu học, Trường CĐSP Hà Giang. Mặc dù vậy, chúng sẽ là những tài liệu vô cùng quý giá giúp cho chúng tôi tích lũy kinh nghiệm cần thiết và tham khảo trong quá trình thực hiện đề tài này. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3.1. Mục đích nghiên cứu Đề tài được tiến nghiên cứu nhằm xây dựng các biện pháp rèn luyện kỹ năng hát cho sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học để có kỹ năng ca hát tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn Âm nhạc tại trường Cao đẳng Sư Phạm Hà Giang. 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi sẽ thực hiện các nhiệm vụ: - Nghiên cứu các bài hát trong chương trình dạy học cho học sinh Tiểu học, nội dung học hát trong chương trình đào tạo Giáo viên Tiểu học ở các trường sư phạm hiện nay. - Nghiên cứu thực tiễn dạy học hát cho sinh viên hệ Cao đẳng, ngành Giáo dục Tiểu học, Trường CĐSP Hà Giang. Đề xuất các biện pháp rèn luyện kỹ năng hát, nhằm nâng cao chất lượng dạy hát cho sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học. 4 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4.1. Đối tượng nghiên cứu Các biện pháp rèn luyện kỹ năng hát cho sinh viên hệ ngành Giáo dục Tiểu học trường CĐSP Hà Giang. 4.2. Phạm vi nghiên cứu Luận văn giới hạn trong phạm vi nghiên cứu những vấn đề liên quan đến rèn luyện kỹ năng hát cho sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học, Trường CĐSP Hà Giang. 5. Phương pháp nghiên cứu Trong đề tài này chúng tôi sẽ sử dụng các phương pháp chủ yếu như sau: - Phương pháp phân tích văn bản, tổng hợp, hệ thống hóa, khái quát hóa các nguồn tư liệu để xây dựng cơ sở lý luận cho đề tài. - Phương pháp khảo sát, giúp tìm hiểu thực trạng tổ chức thực hành rèn luyện kỹ năng hát, thu thập thông tin về hoạt động dạy học cho sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học. - Phương pháp quan sát, nhằm nắm bắt thực chất tình hình dạy học hát của các giáo viên tổ âm nhạc, cũng như tình hình học tập của các sinh viên, hỗ trợ cho việc tìm hiểu thực trạng. - Phương pháp thực nghiệm sư phạm, nhằm kiểm tra và khẳng định tính khả thi và hiệu quả của các biện pháp đề xuất.