Trăng vốn là người bạn tâm tình, là nguồn cảm hứng dạt dào, bất tận của thi sĩ muôn đời. Trong thơ đông tây kim cổ đã có biết bao nhiêu bài thơ hay viết về trăng và để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Một trong những tác giả viết nhiều về trăng là Hồ Chí Minh. Suốt cuộc đời cách mạng gian truân và vẻ vang của mình, Bác luôn coi trăng là người bạn tri ân, tri kỉ. Bài thơ Ngắm Trăng – Vọng nguyệt là một trong những bài thơ đặc sắc của Người được lấy nguồn cảm hứng từ trăng.
“Ngục trung vô tửu diệc vô hoa,
Đối thử lương tiêu nại nhược hà?
Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt,
Nguyệt tòng song khích khán thi gia.”
Thật vậy, một trong những thú vui tao nhã của giới văn nhân, tài tử xưa là uống rượu, đánh cờ, xem hoa nở, ngắm trăng bên cạnh bạn hiền. Trăng chỉ xuất hiện ban đêm, khi mọi bận rộn mưu sinh thường nhật được tạm nghỉ ngơi, con người có chút phút giây thảnh thơi cho riêng mình. Con người thường ngắm trăng lúc nhàn nhã, thảnh thơi, tâm hồn không quá lo lắng và không quá đau khổ. Vậy mà, Hồ Chí Minh lại ngắm trăng trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt, có một không hai: Tháng 8 – 1942, Bác từ Pác Bó bí mật sang Trung Quốc để tranh thủ sự viện trợ quốc tế cho cách mạng Việt Nam. Khi đến thị trấn Túc Vinh thì người bị chính quyền địa phương bắt giữ, rồi bị giải tới giải lui gần 30 nhà giam của 13 huyện thuộc tỉnh Quảng Tây, bị đày đọa cực khổ hơn một năm trời. Trong những ngày đó Người đã viết tập thơ Nhật kí trong tù bằng thơ chữ Hán, để ghi lại những ngày gian khổ đó. Bài thơ Ngắm Trăng – Vọng nguyệt nằm trong tập Nhật kí trong tù. Bài thơ cho chúng ta biết Bác Hồ ngắm trăng, thưởng trăng trong hoàn cảnh bị tù đày gian khổ trong nhà lao Tưởng Giới Thạch. Trong bốn bức tường của phòng giam với những xiềng xích đớn đau, Bác Hồ vẫn ung dung ngắm trăng:
“Ngục trung vô tửu diệc vô hoa,
Đối thử lương tiêu nại nhược hà?”
Trăng soi vào nhà tù làm cho khung cảnh trở nên đẹp đẽ, người tù trở nên bồi hồi, xao xuyến và phân vân vì cảnh đẹp thế, trăng đẹp thế thì “biết làm thế nào”. Lẽ dĩ nhiên, cuộc sống trong tù rất khổ cực và thiếu thốn, lấy đâu ra hoa, và rượu cho thi nhân thưởng trăng. Hai từ “vô” điệp lại khẳng định được sự thiếu thốn đó. Thế nhưng, trước cảnh đêm trăng sáng đang mời chào, thưởng thức người chiến sĩ cách mạng ao ước rằng một lần có rượu và có hoa để đối đãi với trăng thật đủ đầy. Đây chính là một nỗi băn khoăn, một ước ao đầy thơ mộng của thi nhân. Bởi đây là một người tù đặc biệt, một tâm hồn thanh cao, khát khao hòa hợp với thiên nhiên trời đất. Bởi chỉ có con người với tâm hồn nghệ sĩ và một tình yêu thiên nhiên bao la, bát ngát mới có được những niềm xúc động và khát khao hết sức lãng mạn ấy. Niềm băn khoăn, trăn trở của thi nhân cũng thể hiện một bản lĩnh vững vàng của con người bất chấp gian khổ của cuộc đời sống ngục tù để giữ nguyên vẹn một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, luôn biết yêu và rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên, của cuộc đời.
Thi nhân, người chiến sĩ cách mạng ở trong tù, ngưỡng vọng ra ngắm trăng. Và, cũng thật tài tình, ở bên ngoài, ánh trăng sáng vằng vặc cũng đang “nhòm khe cửa” để “ngắm nhà thơ”:
“Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt,
Nguyệt tòng song khích khán thi gia.”
Câu thơ tuyệt hay với nghệ thuật đăng đối. Hai đầu của hai câu là người và trăng (nhân – nguyệt, nguyệt – thi gia) và giữa hai câu, giữa người và trăng là các song sắt chắn giữa thật thô bạo. Người và trăng bị chắn bởi song sắt của nhà tù. Thế nhưng không hề bị cách biệt. Mà ngược lại, giao hòa, giao cảm với nhau. Tầm mắt con người vượt qua song sắt ghê tởm để thưởng thức vẻ đẹp của tự nhiên của đất trời, của tự do. Còn trăng, ánh trăng xuyên thấu nhà tù để nhìn lại, sẻ chia với người tù. Với biện pháp nhân hóa, nhà thơ đã khắc họa ánh trăng đâu còn là một vật vô tri, vô giác mà là như gương mặt của một con người, có tâm hồn, có niềm đồng cảm. Trăng trở thành người bạn tâm giao, tri ân, tri kỷ với thi nhân. Trăng nhìn người, người nhìn trăng. Phút giây đó thật đẹp biết bao. Dường như mọi đau thương, khổ đau, khó khăn của nhà tù Tưởng Giới Thạch đã không còn nữa. Thay vào đó là những giây phút lãng mạn, thăng hoa của người tù cách mạng, của trăng. Không còn tù ngục, không còn xiềng xích, chỉ còn “trăng sáng” và “nhà thơ”: tri kỉ.
Qua bài thơ, người đọc cảm thấy người tù cách mạng dường như bất chấp cả song sắt cản ngăn, không chút bận tâm về những cùm xích, đói rét, muỗi rệp, ghẻ lở,… của chế độ nhà tù khủng khiếp để tâm hồn bay bổng tìm đến vầng trăng thân thiết. Để làm được điều đó, người chiến sĩ cách mạng phải là một người có tình yêu thiên nhiên tha thiết, sâu đậm