“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng”
Những câu ca dao tục ngữ trên hẳn là vô cùng quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam chúng ta. Câu ca ấy không chỉ đơn giản là lời ca của ông cha xưa, mà ở đó còn là bài học nhắc nhở ta về lòng biết ơn. Lòng biết ơn là gì? Đó là sự ghi nhớ, tri ân và coi trọng, có khi là đáp trả lại ơn nghĩa mà người khác đã dành cho mình. Biết ơn là một trong những nét đẹp truyền thống của dân tộc ta, đã được kế thừa và phát huy từ ngàn đời nay. Điều đó được thể hiện ở việc ta lập ra các đền thờ những vị vua dựng nước, những người có công với nước; những ngày lễ kỉ niệm thương binh liệt sĩ hay ngày Nhà giáo Việt Nam… Biết ơn bởi những gì ta có hôm nay đều là thành quả của những người đi trước, là nước mắt, là máu, là sự hi sinh của người khác. Nó sẽ là một trong những thước đo con người ta, là một trong những khía cạnh để người khác đánh giá và nhìn nhận. Ta biết ơn cha mẹ bởi họ cho ta một thân thể khỏe mạnh, một trái tim biết yêu thương. Ta biết ơn thầy cô bởi họ truyền cho ta kiến thức, dạy cho ta nhiều bài học ý nghĩa… Những ngày lễ, ta có những hành động đẹp để thay lời cảm ơn bày tỏ gửi đến họ. Biết ơn chẳng cần phải thể hiện bằng những hành động quá lớn lao, đôi khi chỉ là những việc nhỏ nhặt, đơn giản hơn chính là bản thân cố gắng hết mình trong cuộc sống cũng đã là lời cảm ơn chân thành nhất rồi. Ấy vậy nhưng có những con người lại sống vô ơn, ăn cháo đá bát, qua cầu rút ván. Họ quay lưng lại với ân nhân, với những người cho họ nhiều thứ. Những con người như vậy thật đáng phê phán. Lòng biết ơn, bạn đã làm gì để bày tỏ hay chưa?