Vịt quay Bắc Kinh
Ngày nay, du khách dễ dàng tìm thấy món vịt quay Bắc Kinh bên ngoài biên giới Trung Quốc.
Đây là món ăn xuất hiện từ thời nhà Nguyên (1206-1368), sau này trở thành nguyên liệu cho bữa ăn chính của các vua chúa dưới thời Minh Triều. Năm 1416, nhà hàng đầu tiên có vịt quay được mở tại Bắc Kinh. Từ đó, món này trở thành thương hiệu cho thủ đô Trung Quốc.
Vịt được chọn thường lấy từ Nam Kinh. Sau khi chọn con ngon nhất, vịt được làm sạch và ướp mạch nha, gia vị giấm đỏ, đường, muối, ngũ vị hương rồi mới quay. Loại củi sử dụng phải là cây long não hoặc ăn trái để mùi thơm từ gỗ làm tăng hương vị cho thịt vịt.
Vượt xa khỏi biên giới Trung Quốc, món vịt quay Bắc Kinh giờ đây có thể dễ dàng tìm thấy trong các khu chợ Lạng Sơn và cả ở Hà Nội. Hương vị thơm ngon, mềm mại và màu sắc hấp dẫn là dấu ấn làm nên tên tuổi cho món này.
Cơm chiên Dương Châu
Cơm chiên Dương Châu hiện là một trong những món rất phổ biến ở nhiều nhà hàng Trung Quốc hay Việt Nam. Ảnh: Muachung
Nguồn gốc của cơm chiên Dương Châu được cho là xuất phát từ triều đại nhà Thanh - Trung Quốc vào năm 1754. Tên gọi món cơm này được đặt theo vùng Dương Châu, tương truyền là do ông Y Bỉnh Thụ tạo ra công thức nấu.
Có hai cách để làm cơm chiên Dương Châu. Trong đó, cách thứ nhất được gọi là “bạc phủ vàng”, có nghĩa trứng phải tách riêng trước khi trộn với gạo. Cách thứ hai có tên gọi ngược lại là “vàng phủ bạc” với phương pháp đổ trứng sống lên cơm, trộn cùng rau và chiên trong chảo.
Truyền thuyết kể rằng những đầu bếp khéo tay nhất khi chế biến cơm chiên Dương Châu thường áp dụng tỷ lệ giữa một hạt gạo với trứng là 5:1 hoặc thậm chí là 3:1.
Gốm sứ Giang Tây
Thời kỳ đầu mới phát triển, hầu hết các hoa văn trên sản phẩm gốm sứ Giang Tây dựa theo mẫu truyền thống dân gian. Ảnh: Ceramicslife
Cảnh Đức Trấn là một địa phương thuộc tỉnh Giang Tây, nổi tiếng với hơn 1.700 năm làm đồ sứ. Theo một số tài liệu, vào những năm Bắc Tống Chân Tông Cảnh Đức (1004-1007 trước Công nguyên), sản phẩm gốm sứ nơi đây được Chân Tông yêu thích và tán thưởng nên những đồ sứ này thường ghi “chế tạo vào năm Cảnh Đức”.
Trấn Cảnh Đức từ đó cũng nổi danh khắp bốn phương và được coi là cái nôi văn hóa, khởi nguồn của nghề gốm sứ Giang Tây, tạo nên tên tuổi cho sản phẩm này tới ngày nay. Hầu hết các hoa văn trên sản phẩm nơi đây đều dựa theo bức vẽ của các họa sĩ trong cung hoặc mẫu hoa văn truyền thống dân gian. Các thợ vẽ chuyển thể hoa văn này lên phôi sứ, sau đó đem nung.
Lụa Hàng Châu
Lụa Hàng Châu từng vượt sa mạc trên Con đường Tơ Lụa và tới tận châu Âu.
Là thành phố nổi tiếng và thịnh vượng bậc nhất Trung Quốc, Hàng Châu lâu nay được biến đến là quê hương của các loại lụa tơ tằm. Với lịch sử lâu đời, lụa Hàng Châu từng vượt sa mạc trên Con đường Tơ Lụa để sang các nước Tây Á và tới tận châu Âu.
Theo một số tài liệu ghi nhận, Trung Quốc là nước đầu tiên tìm ra cách trồng dâu nuôi tằm, lấy kén ươm tơ, dệt lụa. Vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, quốc gia này đã làm ra những mảnh lụa đẹp nhưng chỉ dành riêng cho vua chúa và hàng quý tộc. Sau này, sản phẩm lụa tơ tằm mới được đưa đi các vùng, hình thành nên Con đường Tơ lụa.
Áo dài Thượng Hải
Áo dài Thượng Hải - trang phục được xem là biểu tượng của phụ nữ Trung Quốc. Ảnh: Modernqipao
Trang phục truyền thống này còn có tên gọi xường xám, là một loại áo dài xuất hiện lần đầu ở Thượng Hải giai đoạn những năm 1920, sau đó lan sang Tô Châu, Dương Châu. Lúc bấy giờ, trang phục này chỉ dành riêng cho phụ nữ tầng lớp quý tộc.
Các mẫu thiết kế xường xám được cho là điển hình trong văn hóa Trung Quốc nhưng lại kết hợp rất khéo léo với phong cách phương Tây. Theo đó, mặt phải áo may sát chỉ, cổ dựng, túi tròn, hai bên vạt áo xẻ, dùng khổ đơn, ôm sát thân. Ngoài ra, tay áo có thể liền hoặc rời thân.
Sang giai đoạn năm 1930-1940, sự thay đổi của áo dài đạt đến mức đỉnh cao. Rất nhiều phiên bản cách tân của áo dài Thượng Hải cũng ra đời để phù hợp với nhiều đối tượng mặc như cổ lúc cao lúc thấp, ống tay khi hẹp khi loe.