Quyết định ra đi tìm đường cứu nước
Sinh ra trong cảnh nước mất nhà tan, chứng kiến hàng loạt các cuộc khởi nghĩa của nhân dân chìm trong bể máu, mang trong mình lòng yêu nước thương nòi, một truyền thống bất khuất của dân tộc và lòng căm thù giặc sâu sắc, đồng thời vượt qua hạn chế của các nhà yêu nước đương thời, Nguyễn Tất Thành quyết định ra đi tìm đường cứu nước. Ngày 5/6/1911, anh xin làm phụ bếp trên chiếc tàu Latouche Treville thuộc hãng Vận tải hợp nhất, rời cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) chính thức bắt đầu cuộc hành trình ra đi tìm đường cứu nước.
Phải khẳng định rằng, trước Nguyễn Tất Thành đã có những người Việt Nam xuất dương cứu nước. Chỗ khác nhau cơ bản ở đây không phải ở hành động xuất dương, mà ở cách đi, hướng đi và mục đích ra đi khi quyết định xuất dương của Bác so với các bậc tiền bối. Về hướng đi, nếu các bậc tiền bối (như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh…) hướng sang phương Đông (Nhật, Trung Quốc…) thì Bác hướng sang phương Tây và nước đầu tiên Người chọn là Pháp. Tại sao Bác lại chọn Pháp? Bởi vì, Pháp lúc này là trung tâm của châu Âu và quan trọng hơn đây là nước đang thống trị chúng ta, điều này thể hiện triết lý nhân sinh của người phương Đông “Muốn bắt hổ phải vào tận hang”, muốn đánh Pháp thì phải hiểu Pháp trước đã, điểm này thể hiện sự sáng tạo trong hướng đi, đúng như Bác trước đó đã tâm sự: “Tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Sự sáng tạo của Bác còn là ở cách đi, nếu như các bậc tiền bối đưa người sang phương Đông bằng tiền quyên góp của các hào phú yêu nước, từ sự viện trợ; thì Bác ra đi bằng đôi bàn tay trắng, tự lao động, tự kiếm tiền để sống và để đi, cách đi ấy thể hiện sự tự chủ (trước hết là tự chủ về tài chính). Về mục đích đi, nếu như các bậc tiền bối muốn dựa vào các thế lực bên ngoài để giành độc lập cho dân tộc thì Bác lại chọn cho mình một mục đích rất khác. Bác rất khâm phục các sĩ phu dũng cảm tìm đường đấu tranh cứu dân, cứu nước nhưng người thanh niên Nguyễn Tất Thành cũng sớm nhận ra những hạn chế trong con đường của các vị ấy… Cụ Phan Chu Trinh yêu cầu thực dân Pháp thực hiện cải lương, việc này “chẳng khác nào xin giặc rủ lòng thương”. Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp ta đuổi Pháp cũng chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Cụ Hoàng Hoa Thám thực tế hơn, đã trực tiếp đấu tranh chống Pháp, nhưng còn nặng cốt cách phong kiến, mà con đường theo lập trường phong kiến thì đã hết thời… Nguyễn Tất Thành xác định mục đích ra đi tìm đường cứu nước hoàn toàn khác: tìm một con đường cứu nước mới để dân tộc Việt Nam được hưởng độc lập thật sự trong đó chủ yếu phải là “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Rõ ràng, trước lúc ra đi Người đã nhận thức một cách rõ ràng, cái mà dân tộc cần trước tiên chưa phải là súng đạn, của cải, mà là cách đuổi giặc cứu nước, là làm cách mạng, hay nói cách khác là lý luận cách mạng và phương pháp cách mạng.
Trải nghiệm thực tế phong phú để đến với con đường cách mạng vô sản
Chọn cho riêng mình con đường trải nghiệm thực tế ở các quốc gia trên thế giới, với 30 năm bôn ba ở nước ngoài (1911-1941), bàn chân của Người đã từng in dấu trên 3 đại dương, 4 châu lục (Âu, Á, Phi, Mỹ) và khoảng ba chục quốc gia, đặc biệt Người đã dừng chân khảo sát khá lâu ở ba nước đế quốc lớn nhất thời đó là Mỹ, Anh và Pháp, Bác đã tiếp xúc nhiều nền văn hóa, chính trị và đã dần hiểu rõ thực chất của nền văn minh tư sản, nền dân chủ tư sản dưới các hình thức khác nhau của nó. Ngày 6 - 7 - 1911 (sau một tháng lênh đênh trên biển), tàu cập cảng Macxay lần đầu tiên đặt chân đến nước Pháp, Bác thấy ở nước Pháp cũng có người nghèo khổ, thấy cảnh của nhà thổ và gái làm tiền, Người đặt câu hỏi: “Tại sao người Pháp không “khai hóa” đồng bào của họ trước khi đi “khai hóa” chúng ta”, qua nhiều lần tiếp xúc, Người nhận ra rằng: “Người Pháp ở Pháp tốt và lễ phép hơn người Pháp ở Đông Dương”. Ở Pháp việc lập hội, mít-tinh, tranh luận trong các hội thảo, các câu lạc bộ chính trị là những sinh hoạt dân chủ, nhưng những ai dám vạch tội ác của thực dân, dám đấu tranh cho quyền độc lập dân tộc, thì sẽ bị cảnh sát mua chuộc, dụ dỗ, dọa dẫm và cấm đoán. Đến các thuộc địa của Pháp, Người thấy rằng, những người Pháp thực dân rất hung ác và vô nhân đạo. Người thấy nhiều người Pháp hết sức căm phẫn khi biết những tội ác của thực dân Pháp ở các thuộc địa. Người nhận ra rằng, trong cuộc chiến đấu để giải phóng đồng bào, giành độc lập cho Tổ quốc, chúng ta không cô độc, bên cạnh chúng ta còn có những người bạn Pháp dân chủ, chân chính…
Đến Mỹ, quê hương của bản Tuyên ngôn độc lập và thăm tượng nữ thần tự do nổi tiếng…. tại đây Người vừa đi làm thuê kiếm sống, vừa nghiên cứu lịch sử hình thành nước Mỹ. Nguyễn Tất Thành đã đọc và nghiền ngẫm bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Có thể coi đó là một sự kiện rất quan trọng, bởi bản tuyên ngôn này đã gây cảm hứng cho Người trên hành trình đi tìm đường cứu nước sau này. Trong bản Tuyên ngôn độc lập này, Nguyễn Tất Thành rất thích câu: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc”. Bác thường đến thăm khu Haclem của người da đen, đây được coi là “cái đáy” của nước Mỹ – nơi bộc lộ rõ nhất bản chất của xã hội tư bản. Sự bần cùng ở khu vực người da đen vẫn hiện lên rất rõ như một minh chứng về sự tương phản giàu nghèo mạnh mẽ. Bởi vậy, khi tới thăm tượng nữ thần tự do tại Mỹ, Bác đã có trăn trở: “Ánh sáng trên đầu Thần Tự do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân Thần thì người da đen bị chà đạp. Bao giờ thì người da đen mới hết bị chà đạp? Bao giờ thì người da đen và người phụ nữ mới có bình đẳng? Bao giờ mới có sự bình đẳng giữa các dân tộc?”. Như vậy, cho tới lúc này, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã nắm được bản chất khái quát của thế giới hiện tại, đó là thiểu số người giàu cai trị và áp bức người nghèo. Các nước giàu mạnh xâm lược, thống trị và đàn áp các nước nhược tiểu. Bạo lực, bất công, bóc lột thay cho “Tự do – Bình đẳng – Bác ái” và “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột”. Những nhận biết căn bản đó càng thôi thúc Người quyết tâm tìm con đường giải phóng mà Người đã từng nung nấu, ấp ủ từ ngày rời Tổ quốc.
Đầu năm 1919, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp, một đảng tiến bộ và là đảng duy nhất lúc đó lên tiếng chống lại chính sách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp ở các thuộc địa. Ngày 18/6/1919, lấy tên Nguyễn Ái Quốc, thay mặt Hội những người yêu nước Việt Nam ở Pháp, Người đã gửi tới hội nghị Véc-xây bản Yêu sách của nhân dân Việt Nam đòi chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam, bản yêu sách tất nhiên nhanh chóng bị bác bỏ. Sau sự kiện ấy Người nhận rõ thực chất của chủ nghĩa thực dân. Người thanh niên ấy đã dũng cảm vạch tội ác của chủ nghĩa thực dân. Ở giữa trung tâm, sào huyệt của chủ nghĩa đế quốc, một người bản xứ duy nhất trong số đại biểu các thuộc địa có mặt trong Đại hội toàn quốc lần thứ XVIII Đảng xã hội Pháp đã bình tĩnh, dõng dạc, đĩnh đạc phản kháng những tội ác ghê tởm của chủ nghĩa thực dân trên đất nước thuộc địa. Người vạch rõ: “… Chủ nghĩa tư bản Pháp đã vào Đông Dương từ nửa thế kỷ nay; vì lợi ích của nó, nó đã dùng lưỡi lê chinh phục đất nước chúng tôi. Từ đó chúng tôi không những bị áp bức và bóc lột một cách nhục nhã, mà còn bị hành hạ, đầu độc một cách thê thảm… Nhà tù nhiều hơn trường học… Người ta đã làm chết hàng nghìn người An Nam và tàn sát hàng nghìn người khác”. Đồng thời, từ thực tế nhiều nước phương Tây Người nhận ra rằng nền dân chủ tư sản “tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”. Vì thế, Nguyễn Ái Quốc chính thức đoạn tuyệt với học thuyết dân chủ tư sản, từ chối nền dân chủ tư sản dưới các hình thức của nó. Người chỉ rõ, cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp đã dạy chúng ta rằng, làm cách mạng thì không nên sợ phải hy sinh, và “Chúng ta đã hy sinh làm cách mạng thì nên làm cách mạng cho đến nơi, nghĩa là làm cách mệnh rồi quyền phải giao về tay dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người”.
Như vậy, những trải nghiệm thực tế phong phú trong 10 năm đầu ở nhiều quốc gia trên thế giới đã giúp người nhận thức rõ bản chất xấu xa của chủ nghĩa thực dân và sự bóc lột của nền dân chủ tư sản, thấy rõ trên thế giới này ở đâu nhân dân lao động cũng là bạn, chủ nghĩa đế quốc ở đâu cũng là thù, vì vậy trong cuộc chiến chống chủ nghĩa thực dân chúng ta không đơn độc, bên cạnh chúng ta có những người bạn chính quốc yêu hòa bình, dân chủ và những nước thuộc địa khao khát tự do, từ đó mà hình thành trong Bác tư tưởng đại đoàn kết quốc tế để giành độc lập – một điểm mới trong tư tưởng của một người yêu nước trẻ, khác hẳn với các bậc tiền bối trước đó.
Khi nhận rõ bản chất của thực dân và đoạn tuyệt với nền dân chủ tư sản thì người thanh niên ấy đã bắt gặp một chân trời mới, tháng 7-1920 Bác đọc được Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin (thường được gọi tắt là Luận cương của Lênin) đăng trên báo Nhân đạo, bản Luận cương đã ngay lập tức thu hút sự chú ý đặc biệt của Nguyễn Ái Quốc. Người đã đọc đi, đọc lại nhiều lần, Bác thấy Lênin đã diễn đạt một cách đầy đủ và sâu sắc những điều mình đang nung nấu, do vậy Người đã vui mừng đến phát khóc và reo to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Đến với chủ nghĩa Mác – Lênin là bước ngoặt trọng đại trong quá trình khảo sát, nghiên cứu lý luận cách mạng của Nguyễn Ái Quốc. Từ đây Người càng tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh trong Đảng Xã hội Pháp ủng hộ Lênin. Tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp (cuối tháng 12/1920), diễn ra ở thành phố Tua, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Sau cuộc bỏ phiếu tham gia Quốc tế cộng sản, nữ đồng chí Rôdơ (Rose), người ghi biên bản tốc ký Đại hội, hỏi Nguyễn ái Quốc: Tại sao đồng chí lại bỏ phiếu cho Quốc tế III? Người trả lời: “Rất giản đơn. Tôi không hiểu chị nói thế nào là chiến lược, chiến thuật vô sản và nhiều điểm khác! Nhưng tôi hiểu rõ một điều: Quốc tế III rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa… Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.
Đây là sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong nhận thức, tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc và cách mạng Việt Nam, từ người yêu nước trở thành người cộng sản, đồng thời xác lập cơ sở lý luận cho cách mạng Việt Nam, theo lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin.
Như vậy, từ một người với khởi nguồn là chủ nghĩa yêu nước chân chính, Bác đã tiếp nhận ánh sáng chủ nghĩa Mác – Lênin, để tìm ra con đường đi đúng đắn giải phóng dân tộc và đất nước khỏi ách thực dân, Người nhận ra một chân lý: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới có thể chỉ ra con đường đúng đắn nhằm vào mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Từ đó, Lênin và Quốc tế 3 là nguồn động lực tinh thần cho Nguyễn Ái Quốc tiếp bước vững chắc trên con đường đã được định hướng rõ ràng. Cách mạng Việt Nam từ đây đã trở thành một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới. Đây chính là điểm gặp gỡ có ý nghĩa then chốt giữa con người Nguyễn Ái Quốc, dân tộc Việt Nam với chủ nghĩa cộng sản với thời đại Lênin.
Với thực tế tìm hiểu, trãi nghiệm và với sự mẫn cảm chính trị đặc biệt, khi bắt gặp luận cương của Lênin, Bác đã nhận ra rằng không phải hệ tư tưởng phong kiến hay hệ tư tưởng của giai cấp tư sản có thể đưa nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do… mà chính hệ tư tưởng của giai cấp vô sản, con đường cách mạng vô sản và tư tưởng của Mác – Lênin mới là “kim chỉ nam cho hành động của chúng ta”, là “mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi đến thắng lợi cuối cùng.” Cách mạng Việt Nam đã trở thành một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới – điều mà từ trước cho tới đó, ngoài Nguyễn Ái Quốc chưa một người Việt Nam nào nghĩ tới.