“Rồi sẽ ổn thôi, yêu thương sẽ lại về, tôi mong lắm được nhìn thấy những nụ cười rạng rỡ của thầy cô, nụ cười hồn nhiên của các con khi đến trường, nụ cười tri ân của các bậc phụ huynh về thành quả học tập của các con trong năm học đặc biệt. Điều đó chắc chắn sẽ đến.
Và chúng ta hãy cùng nhau chung tay đẩy lùi covid.
Hãy vịn vai nhau để đi nếu mệt nhé!”
Đó là những dòng chữ cảm động trong lá thư của thầy Nguyễn Văn Đằng, Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn, Nam Định gửi tới học sinh, phụ huynh khi có 61 thầy trò của nhà trường phải cách ly tập trung vì Covid-19. Lá thư đã lay động hàng triệu con tim của học sinh và phụ huynh cả nước.
Bởi hơn cả lời cổ động, đó là sự đồng cảm, là sự sẻ chia của một người vừa là cha mẹ lại vừa là một người thầy. Trong đó có nỗi lo, có tình thương xót, có sự tự nhủ lòng nhưng cũng đầy quyết tâm và chứa chan niềm hy vọng.
Cách đây vài hôm, một lá thư khác cũng khiến nhiều phụ huynh, học sinh xúc động. Đó là lá thư gửi tới cha mẹ học sinh khối 9 của cô Trần Thị Thanh Thảo, Hiệu trưởng trường THCS Trưng Vương, Hà Nội.
“Mong quý vị hãy yêu thương con đúng cách: quan tâm nhưng không gây áp lực; hướng dẫn, định hướng cho con chứ không ra lệnh, áp đặt; động viên, khích lệ con ngay cả khi con thành công hay thất bại”.
Ai cũng biết kỳ thi vào lớp 10 mức độ căng thẳng còn hơn cả kỳ thi tốt nghiệp THPT mà kết quả được lấy để tuyển sinh vào đại học. Ngay giữa lúc cao điểm ôn thi, diễn biến của dịch bệnh trở nên phức tạp khó lường, áp lực kỳ thi càng căng thẳng. Biết bao học sinh đang phải ngập trong bài vở, biết bao cha mẹ lo lắng thay cả con và không ít phụ huynh đã dồn áp lực của sự lo lắng đó lên con. Nếu không có sự thấu cảm của một người mẹ, một người thầy, cô Hiệu trưởng khó có những dòng vừa đề nghị, vừa khuyên nhủ tâm lý như thế.
Dịch bệnh là phép thử cho sự linh hoạt sáng tạo trong các nhà trường. Từ việc chuyển đổi sang học online, thầy cô phải nhanh chóng thích nghi với dạy học trên môi trường số. Dẫu mới chỉ dừng ở một giải pháp tình thế nhưng phải nhìn nhận sự nỗ lực của đội ngũ các thầy cô giáo, kiên trì không để học sinh bỏ rơi con chữ dù chính họ tiếp cận với phương pháp mới cũng không dễ dàng gì. Càng ấm lòng hơn khi nghe thông tin những thí sinh đang ở một khu cách ly được nhà trường tổ chức ôn thi online, sát sao hơn với các bạn ở nhà.
Giáo dục cần lắm những người thầy làm gương: tấm gương của sự tự học, của sự nỗ lực thích nghi với hoàn cảnh và sẽ còn phải là tấm gương nỗ lực để không chấp nhận thỏa hiệp mãi với một "chất lượng mùa dịch". Hy vọng sẽ có thêm nhiều giải pháp để học và thi online ngày càng trở thành một phương pháp dạy và học tốt, có chất lượng thực sự trong thời đại công nghệ chứ không chỉ dừng lại ở một giải pháp tình thế.
Nhưng hơn cả một phép thử, dịch bệnh phần nào cho thấy khả năng khơi dậy mạnh mẽ hơn sự nhân văn trong môi trường giáo dục, điều mà chúng ta vẫn muốn được nhìn thấy bấy lâu nay. Giáo dục không thể là sự ép buộc, là nhồi nhét hay mệnh lệnh hành chính. Cần lắm những lời khích lệ, sự cảm thông bởi những gì từ trái tim chắc chắn sẽ đến được với trái tim. Và chính từ chính cái tâm nhân văn của người thầy, dù trực tiếp đứng lớp hay làm quản lý, sẽ giúp họ tìm ra những giải pháp sáng tạo trong việc dạy học dành cho các học trò.
Dịch bệnh cũng có thể là lúc để phụ huynh chúng ta nhìn lại, đâu mới là giá trị từ việc học hành của con trẻ? Là bảng thành tích, trường điểm, tốp đầu hay là sự hình thành nhân cách, là sự trưởng thành trong suy nghĩ và hành động của các con?
Đứng trước những mốc quan trọng của đời học sinh và có thể của cả cuộc đời, những lứa học sinh, nhân chứng của một đại dịch lịch sử toàn cầu có thể sẽ ít nhiều bị thiệt thòi. Nhưng biết đâu, các em là lứa học trò được cảm, thấu rõ nhất về lòng nhân ái và là lứa học trò biết nỗ lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn, thử thách.
Hãy thử hình dung đến một ngày khi dịch bệnh qua đi đã lâu, điều tuyệt vời nhất mà lớp trẻ ngày nay có thể kể cho con cái họ về cái ngày xưa ấy, ông bà, cha mẹ đã vượt qua đại dịch bằng sự đoàn kết, chung tay, bằng cả những lời động viên “Hãy vịn vai nhau để đi nếu mệt nhé!”…