11 giờ ngày 20.7, phiên tòa xét xử Lê Tùng Vân cùng các đồng phạm liên quan Tịnh thất Bồng Lai tiếp tục với phần đọc công bố cáo trạng.
Theo cáo trạng của viện kiểm sát, vụ án xuất phát từ động cơ lợi dụng quyền tự do ngôn luận để viết, chia sẻ đăng tải, tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Cụ thể, từ năm 2019 đến 2021, các bị can đã sử dụng máy tính, điện thoại di động để đăng tải trên mạng xã hội Facebook và YouTube thông tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc nhằm tuyên truyền, kích động, xúc phạm uy tín của Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, xúc phạm Phật giáo, xúc phạm danh dự và nhân phẩm ông Trần Ngọc Thảo (pháp danh Thích Nhật Từ), gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội ở địa phương.
Từ năm 2016, các bị can trên cùng một số người khác đến ở tại số 191A ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, Long An do bị can Cao Thị Cúc làm chủ hộ.
Bị can Lê Tùng Vân biến nơi đây thành cơ sở tu tại gia theo Phật giáo lấy tên Tịnh thất Bồng Lai nhưng không được ngành chức năng và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tỉnh Long An công nhận.
Sau đó, bị can Vân đổi tên cơ sở này thành Thiền am bên bờ vũ trụ để tiếp tục hoạt động.
Với vai trò là người tổ chức, quyết định, chỉ đạo điều hành mọi hoạt động, bị can Vân đã phân công vai trò nhiệm vụ cho các bị can Nhất Nguyên, Hoàn Nguyên, Nhị Nguyên, Trùng Dương và một người cùng cư trú tại đây là Lê Thanh Nhất Tuệ viết kịch bản, tập hát… và tạo một số tài khoản mạng xã hội để đăng những sinh hoạt tại nơi đây.
Quá trình tạo ra video clip đều thông qua ý kiến của bị can Vân, từ việc lên ý tưởng, nội dung…
Sau khi video clip làm xong đều đưa bị can Vân xem, thống nhất đồng ý thì mới được đăng lên để cộng đồng mạng xem, bình luận.
Bị can Cao Thị Cúc quản lý việc thu chi sinh hoạt trong hộ. Tổng cộng, có 5 video clip và 1 bài viết trên mạng xã hội của nhóm người này được phân tích, giám định và xác định là hành vi có tổ chức.
Khi được hỏi về nội dung cáo trạng, các bị cáo đều cho rằng có “chỗ nghe được”, “chỗ nghe không được” và đều không đồng ý với bản cáo trạng.
Bị cáo Nhất Nguyên, Nhị Nguyên đều cho rằng, bị oan vì mình hoàn toàn không nhận lời chỉ đạo gì của ông Vân để thực hiện các clip mà cáo trạng truy tố.
Trong khi đó, bị cáo Trùng Dương cho rằng, cáo trạng ghi sai vì không phải đồng phạm trong các vụ việc đăng YouTube. Bị cáo không hề hay biết gì về YouTube và cũng không nghe lời ông Lê Tùng Vân để làm việc.
Phiên tòa vẫn đang diễn ra.