Giống như việc làm bài văn thuộc các thể loại khác, muốn làm một bài văn lập luận giải thích, em phải xác định được các bước triển khai. Cụ thể, các bước đó là:
1. Tìm hiểu đề và tìm ý
Trước hết, cần đọc kĩ đề bài (đọc chậm rãi khoảng 2-3 lượt), gạch dưới những từ ngữ cần tìm hiểu nghĩa đen, nghĩa bóng ; những từ ngữ tiềm ẩn nội dung sâu sắc, có sức khái quát cao trong các câu tục ngữ, danh ngôn,… ở trong đề bài. Trên cơ sở đó, tiến hành tìm các ý cần thiết (chỉ ra các lớp nghĩa, các tầng nghĩa của một số từ ngữ quan trọng trong câu nói và của toàn bộ câu nói, nhằm làm sáng tỏ nội dung câu nói, sáng tỏ vấn đề cần giải thích trong đề bài).
2. Lập dàn bài
Yêu cầu quan trọng nhất của bước này là sắp xếp các ý tìm được theo một trình tự nhất định, nhằm từng bước làm sáng tỏ nội dung của vấn đề cần giải thích.
Cần nắm chắc mục đích yêu cầu của từng phần trong cấu trúc của dàn bài trong bài văn lập luận giải thích. Cụ thể là:
a) Mở bài : Giới thiệu vấn đề cần giải thích.
Trên đại thể, có một số cách mở bài:
– Đi thẳng vào vấn đề, nêu nội dung, ý nghĩa khái quát của câu nói.
– Đi từ chung đến riêng, từ khái quát đến cụ thể, từ xa đến gần, nghĩa là nêu vấn đề chung (trong đó bao hàm vấn đề được thể hiện trong câu nói) rồi dẫn ra câu nói,…
b) Thân bài: Phần này cần được triển khai theo trình tự sau:
– Nêu nghĩa đen, nghĩa bóng của từ quan trọng trong câu nói.
– Lần lượt nêu các lớp nghĩa, các tầng nghĩa hàm ẩn trong câu nói, từng bước làm sáng tỏ nội dung câu nói, sáng tỏ vấn đề cần giải thích.
c) Kết bài: Nêu ý nghĩa của vấn đề được giải thích đối với ngày nay.
3. Viết bài văn
Dựa vào dàn bài đã xây dựng được, huy động từ ngữ, cách diễn đạt để chuyển hoá dàn bài thành một bài văn hoàn chỉnh, có cấu tạo ba phần: Mở bài, Thân bài, Kết bài. Các câu trong đoạn văn, bài văn được liên kết với nhau chặt chẽ, lô-gíc, cùng tập trung làm sáng tỏ từng khía cạnh, từng phương diện của vấn đề cần giải thích. Mỗi ý chính, ý lớn trong dàn bài được viết thành một đoạn văn.
4. Đọc rà soát lại bài văn
Đọc rà soát lại sau khi viết là một yêu cầu, một việc làm bình thường, quen thuộc nhằm kiểm tra lần cuối xem bài văn vừa viết có phù hợp với yêu cầu của đề bài, phù hợp với dàn bài hay không. Ngoài ra, đọc rà soát sau khi viết còn có tác dụng kiểm tra lại về câu văn, về chính tả, về diễn đạt,… để điều chỉnh, sửa chữa kịp thời nếu phát hiện được những chỗ sai sót.