Từ bao đời nay những chùa, đình, đền đã gắn bó với tín ngưỡng, đời sống tâm linh và văn hóa của các dân tộc Việt Nam trong quá trình dựng nước, giữ nước. Du lịch tâm linh ngày càng trở thành nhu cầu phổ biến trong xã hội hiện nay. Một địa điểm mà du khách không thể bỏ qua khi tới thành phố Hoa Phượng Đỏ đó là cụm di tích đền Tràng Kênh.
Nhắc tới Hải Phòng, du khách biết đến là các khu du lịch nổi tiếng như Đồ Sơn, Cát Bà… mà còn đó những lễ hội truyền thống có giá trị lịch sử đã đi vào tâm thức của người dân nơi đây được Đảng và Nhà nước chú trọng phát triển, gìn giữ và bảo tồn - đặc biệt là cụm di tích đền Tràng Kênh.
Cụm di tích Tràng Kênh thuộc thôn Tràng Kênh thị trấn Minh Đức – huyện Thủy Nguyên - Thành phố Hải Phòng đã tồn tại theo dòng lịch sử Việt Nam từ 4000 ngàn năm nay, nơi đây có bề dày lịch sử văn hoá, đồng thời đây còn là danh thắng với cảnh quan thiên nhiên đẹp đẽ do hệ thống núi đá vôi và sông ngòi tạo thành. Cũng bởi ý nghĩa lịch sử to lớn đó, nơi đây đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh năm 1962. Nhiều người cho rằng đến Thủy Nguyên mà không ghé thăm Tràng kênh thì cũng coi như chưa đến Thủy Nguyên.
Tràng Kênh có núi U Bò
Có sông Quán Đá có đò sang ngang.
Tràng kênh là vùng đất lịch sử gắn với bao di tích vẫn còn sống mãi với thời gian và những thắng cảnh làm bao người say lòng: cũ có, mới có nhưng những giá trị và ý nghĩa của những di tích, những thắng cảnh này là không thể phủ nhận.Đền Tràng Kênh là một quần thể bao gồm ba ngôi đền và một ngôi chùa theo dòng Phật giáo Trúc Lâm Tam Tổ nằm trong một khuôn viên rộng lớn lưng tựa núi Tràng Kênh mặt hướng ra sông Bạch Đằng ngàn năm lịch sử.
Từ cổng vào là tứ trụ với 4 cột đá được khắc, tạc tinh sảo của các nghệ nhân nơi đây cùng với đó là đá xanh tại nơi này.Tiếp đến là cột đá lớn sừng sững với dòng chữ “giang sang vượng khi Bạch Đằng thâu” nghĩa là hồn thiêng sông núi tụ hội nơi sông Bạch Đằng.Dọc hai bên là hàng cây bonsai và cây lưu niệm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm đền.Ngôi đền đầu tiên mà du khách thăm quan và dâng hương là đền thờ Đức Vua Lê Đại Hành. Đền được xây dựng để tưởng nhớ công đức của Vua cùng các tướng sĩ đã có công đánh thắng quân Tống xâm lược trên sông Bạch Đằng năm 981.
Cổng đền là tứ trụ được thiết kế theo kiểu cổng cung đình bằng đá xanh nguyên khối với các đường nét chạm khắc tinh xảo. Hai bên cổng đền là hai con voi nằm hai bên như muốn canh giữ cho đức vua được yên nghỉ đời đời kiếp kiếp.
Đền được xây dựng bằng gỗ lim, thiết kế theo kiểu chữ Đinh bên trong chính giữa là tượng đồng mạ vàng Vua, một bên thờ thái hậu Dương Vân Nga, một bên thờ cung phủ vương mẫu; ngoài thờ quan quân, tướng sĩ.
Tiếp đến là hai bên là hàng cây lưu niệm do các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ… đến thăm và dâng hương tại đền và khu vườn trưng bày 18 vị la hán.
Trung tâm cụm di tích là đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo - Vương Trần Quốc Tuấn. Tại mảnh đất này ông đã lãnh đạo quan quân và nhân dân anh dũng chiến đấu và đánh tan quân xâm lược Mông - Nguyên. Để tưởng nhớ công lao to lớn đó người dân Thủy Nguyên nói chung và người dânTràng Kênh – Minh Đức nói riêng đã lập ngôi đền để thờ cúng và tưởng nhớ Ngài.
Ngôi đền hướng ra dòng sông Bạch Đằng lịch sử với tam quan được đục từ đá liền khối với những đường nét tinh xảo mềm mại thiết kế theo kiểu kiến trúc 3 tầng mái chồng mái.Đền thiết kế theo kiểu chữ Đinh gồm các khu: gian trong thờ tượng đồng của ngài và cộng đồng gia tiên, trung đường thờ quan quân tướng sĩ, bên tả thờ chi vị quan văn còn bên hữu thờ chư vị quan võ, hai bên trung đường có đặt hàng chấp kích để thể hiện uy quyền. Gian thờ ngoài cùng thờ công đồng các quan.
Bên trên bàn thờ chính là bức đại tự khắc 4 chữ “Sơn Thủy lưu đức” (ơn đức lưu truyền cùng sông núi), bên tả là bức đại tự với 4 chữ “chí tráng sơn hà”, bên hữu bức đại tự ghi “tinh minh trụ vu”. Tất cả đều nói lên ơn đức lớn lao của Đức Thánh Trần với dân tộc Việt.
Đền cuối cùng nằm trong cụm di tích là đền thờ Đức Vương Ngô Quyền; được xây dựng để tưởng nhớ công lao to lớn của Ngài làm nên chiến thắng lịch sử năm 938 đánh tan quân Nam Hán kết thúc hơn 1000 năm bắc thuộc mở ra kỉ nguyên mới, kỉ nguyên độc lập dân tộc.
Hình ảnh đầu tiên khi đến với ngôi đền đó chính là cổng ngũ môn được điêu khắc hoàn toàn bằng đá xanh nguyên khối với các hoa văn tinh tế; trên các trụ đá là các câu đối nói về công đức của Ngô Quyền – vị tổ trùng hưng của dân tộc.
Khi vào với sân tế lễ chúng ta sẽ bắt gặp là hình ảnh của hai chú voi phục nằm hai bên được làm hoàn bằng đá ong từ làng cổ Đường Lâm quê hương của Ngô Quyền. Việc tạo hình chú voi từ những nguyên liệu chuyển từ quê hương của Đức Vương cũng thể hiện sự tận tâm và tri ân của những người đã làm nên ngôi đền cũng như dân chúng vùng Tràng Kênh với công đức của Ngài.
Cũng như 2 ngôi đền thờ đức vua Lê Đại Hành và Đức thánh Trần đền thờ đức Vương Ngô Quyền cũng được thiết kế theo hình chữ Đinh gồm các khu: trong thờ tượng đồng của Ngài, trung đường thờ quan quân tướng sĩ, bên tả thờ chư vị quan văn, bên hữu thờ chư vị quan võ. Tất cả đều được chạm khắc, sơn son thiếp vàng vô cùng tinh tế tạo nên không gian thờ tự trang nghiêm nhưng cũng không kém phần lộng lẫy.
Và cũng tại đây một điều kì diệu mà 3000 năm mới có là hoa Ưu Đàm Bà La đã nở trên chuông đồng. Nếu có một ngày rảnh rỗi, bạn thử tới đền Tràng Kênh. Không chắc những gì bạn cảm nhận được sẽ giống như tôi nhưng ít nhất bạn sẽ có một ngày thảnh thơi và biết đâu có khám phá thêm được điều kì diệu nào đó ở nơi này.