Cha ông xưa đã dạy: “Con người có tổ, có tông - Như cây có cội như sông có nguồn”. Vậy nên, đã là người Việt Nam, dù ở địa vị nào, ở bất kỳ nơi đâu, hoàn cảnh nào cũng đừng quên cội nguồn dân tộc, phải nhớ đến quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, gốc rễ tổ tiên và xa hơn nữa là “lịch sử nước nhà”. Tiếp nối truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, Bác Hồ đã nói: “Dân ta phải biết sử ta - Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Câu nói ấy được Bác viết trong cuốn “Lịch sử nước ta” (1942) với tổng thể 208 câu thơ lục bát dễ hiểu, dễ thuộc, đã tóm lược trên 30 mốc quan trọng trong suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc.
Câu nói của Bác như một lời hiệu triệu, nhắc nhở mỗi công dân Việt Nam, mỗi con Lạc cháu Hồng phải có trách nhiệm tìm hiểu về cội nguồn, lịch sử dân tộc, qua đó gìn giữ, phát triển, giáo dục và khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ mai sau. Bởi lẽ lịch sử là những gì thuộc về quá khứ, nếu không có quá khứ sẽ không có hiện tại và tương lai. “Biết quá khứ” để rút kinh nghiệm, học tập, bảo lưu những giá trị tinh hoa, bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc… để vận dụng, xây dựng và phát triển một nước Việt Nam ngày càng phồn thịnh, đời đời bền vững.
“Biết sử ta” không chỉ đơn thuần là ghi nhớ một vài mốc sự kiện, một vài chiến công hiến hách, một vài tên vị tướng anh hùng mà phải biết tìm hiểu “cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Có nghĩa là phải biết đến tận “chân tơ kẽ tóc”, càng biết nhiều càng thấu hiểu nhiều, càng thấu hiểu nhiều mới càng trân trọng giá trị lịch sử của dân tộc, nhớ ơn những bậc tiền nhân khai sinh nền móng nước nhà, nhớ ơn các anh hùng, liệt sĩ không tiếc máu xương đổi lấy nền độc lập của dân tộc.Khi ta thấu hiểu được những điều đó và thấu hiểu được giá trị lịch sử, ngọn lửa yêu nước mới bùng cháy trong ta, lòng tự hào, tự tôn dân tộc tự khắc lớn mạnh trong ta và ta càng có ý thức, trách nhiệm dựng xây quê hương, đất nước nhiều hơn. Câu nói của Người không chỉ có giá trị ở thời điểm đó, mà có giá trị muôn đời.