Thời đại công nghiệp hoá - hiện đại hoá phát triển đất nước ngày nay mọi người không chỉ quan tâm hơn tới vẻ đẹp bề ngoài của ngôi nhà, của đường phố mà bản thân mỗi người, đặc biệt là học sinh hiện nay cũng đang quan tâm chú ý hơn tới vẻ đẹp bên ngoài của mình. Đó quả là 1 điều đáng vui mừng nhưng thực trạng trang phục của 1 bộ phận học sinh hiện nay lại đang làm mất dần phong cách và vẻ đẹp của con người Việt Nam truyền thống.
Trang phục áo dài của Việt Nam được Unesco công nhận là di sản văn hoá thế giới. Đó quả là niềm tự hào của toàn nhân dân. Nhưng học sinh hiện nay đang làm mất dần vẻ đẹp ấy. Điều đó là đúng hay sai?
Học sinh bây giờ là 1 "tập đoàn" lớn toàn là các thế hệ 9x, 10x năng động, trẻ trung, sôi nổi, sống theo 1 cách khác, nghĩ theo 1 cách khác, làm theo 1 cách khác.... điều đó không sai, thậm chí là rất tích cực nhưng trong đó, có 1 số phần tử của xã hội đã sống, nghĩ và làm theo 1 hướng rất tiêu cực.
Chính cái phong cách sống, nghĩ và làm của học sinh nói riêng và thế hệ trẻ nói chung ấy đã tác động không nhỏ tới nhận định của học sinh. Lớp trẻ bây giờ không thể mặc áo bà ba dịu dàng, không thể mặc áo dài duyên dáng… do cuộc sống của họ quá nhộn nhịp và sôi nổi, và họ cũng không thể theo suy nghĩ lạc hậu của các bà các mẹ, vì thế nên việc học sinh "diện" quần jean áo phông hiện nay được cho là rất trẻ trung, năng động.
Không phải học sinh nào cũng có thể mặc áo dài khi đến trường hay trong những ngày hội, ngày lễ nhưng cũng không có nghĩa là được ăn mặc 1 cách tự do không có văn hoá.
Những chiếc áo, váy ngắn cũn cỡn, với vô vàn những hình ảnh không phù hợp bắt đầu xuất hiện. Những chiếc quần thủng vá lỗ chỗ lại được học sinh diện bởi vì "mốt". Việc xỏ lỗ mũi, lỗ tai bắt đầu trở thành 1 trào lưu. Đầu tóc nhuộm, ép.... bắt đầu phổ biến. Hình ảnh người Việt Nam bắt đầu bị lu mờ trong mắt người quốc tế
Các nhà văn, nhà phê bình… đã từng nói: "Giới trẻ đặc biệt là học sinh thời nay ăn mặc quá lố bịch,...", xã hội lên tiếng phê bình, cha mẹ suốt ngày trách mắng....
Những chiếc áo phông hình con thỏ hay chuột Mickey ngộ nghĩnh, dễ thương được thay dần bằng những đầu lâu, xương người, hay những lời lẽ Tiếng Anh thô lỗ. Có bạn kịch liệt phản đối, phê bình, lên án, có bạn lại săn tìm những chiếc áo đó như là "mốt" để khoe bạn bè....
Những chiếc quần jean năng động thay dần bằng những quần rách lung tung, và cũng được ưa chuộng vì "mốt".
Đâu phải mặc những chiếc áo không phù hợp là sành điệu? Đâu phải diện quần mốt mới là dân chơi? Chúng ta còn là những học sinh - chủ nhân tương lai của đất, cần phải gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nhưng không phải tất cả học sinh bây giờ đều đua đòi theo những "mốt" đó. Học sinh chúng ta chỉ cần ăn mặc thật thoải mái, miễn là không hở hang quá mức hay những bộ trang phục không phù hợp với lứa tuổi và cộng đồng.
Nhưng các bậc phụ huynh, thầy cô cũng không nên quá khắt khe với việc trang phục của học sinh. Những suy nghĩ con gái phải nhẹ nhàng, dịu dàng, nữ tính với váy và màu hồng là những suy nghĩ quá cổ hủ và lạc hậu. Nhịp sống sôi động của lớp trẻ thời nay cho phép học sinh nữ được mặc những trang phục phù hợp, thậm chí là hơi… con trai. Các bậc phụ huynh và cha mẹ nên chấp nhận những nếp sống, suy nghĩ cũng như phong cách của con cái.
Vẻ đẹp bên ngoài của con người bắt đầu được cải thiện, đặc biệt là lớp trẻ nói chung và học sinh nói riêng hiện nay. Việc những bộ trang phục của học sinh không phù hợp vẫn còn tồn tại. Chúng ta - những mầm non tương lai phải gìn giữ và phát huy truyền thống của dân tộc. Điều đó không có nghĩa học sinh phải "diện" trang phục áo dài truyền thống. Nhưng trang phục của học sinh cần phải phù hợp với điều kiện, lứa tuổi và xã hội. Có thể ăn mặc theo phong cách của mình, thoải mái và không gây cảm giác khó chịu miễn là không hở hang quá mức hay ảnh hưởng tới nét đẹp văn hoá dân tộc ngàn đời nay. Và xã hội nói chung và các bậc phụ huynh nói riêng cũng không nên gò bó học sinh qua mức trong việc trang phục, ăn mặc, hay rộng lòng tiếp nhận phong cách mới, suy nghĩ mới của lớp trẻ nói chung và học sinh nói riêng.