Bài thơ "Đồng chí" là trải nghiệm thực, cảm xúc thực của tác giả Chính Hữu với đồng đội tại chiến dịch Việt Bắc. Trong bài thơ, nhà thơ Chính Hữu đã dùng bảy câu thơ đầu để về cơ sở hình thành tình đồng chí thật thiêng liêng ấy. Cấu trúc câu thơ sóng đôi "quê hương anh" với "làng tôi" ; "đất mặn, đồng chua" với "đất cày lên sỏi đá" đều có chung một ý nói về xuất thân nghèo khó của những người lính. Thêm một sợi dây gắn kết họ trở thành đồng chí đó chính là tương đồng về giai cấp - đều là nông phu nghèo khó, họ từ những người xa lạ chẳng hề quen nhau nhưng đều mang trong mình dòng máu cách mạng, lí tưởng cách mạng nên đã hội tụ về cùng một mối từ đó thân quen và gắn bó với nhau tạo nên tình đồng chí. "Đôi người" chỉ sự gắn kết tự nhiên, chặt chẽ không thể tách rời. Những người lính lại cùng chung nhiệm vụ, lí tưởng đấu tranh, dù là trong cuộc sống sinh hoạt hay chiến đấu đều kề cạnh sát cánh bên nhau, nguy nan luôn có mặt để hỗ trợ và bảo vệ cho nhau "Súng bên súng, đầu sát bên đầu". Ở nơi chiến trường gian khổ và khốc liệt, tình đồng chí đồng đội càng thêm gắn bó qua việc sẻ chia, cùng nhau trải qua sướng, khổ, buồn, vui, nguy hiểm và cả khi cái chết cận kề "Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ". Tình đồng chí càng thiêng liêng hơn khi nhà thơ để dành trọn câu thơ thứ bảy để viết hai từ "Đồng chí". Bằng giọng thơ trìu mến như tâm tình cùng những hình ảnh giản dị, chất phác, nồng hậu, đoạn thơ đã mang đến cho người đọc những cảm nhận chân thực nhất về cơ sở hình thành nên tình đồng chí và từ đó giúp người đọc khắc sâu, ghi nhớ về hai chữ thiêng liêng "Đồng chí".