Tám câu thơ cuối với bút pháp tả cảnh ngụ tình đã làm nổi bật tâm trạng đau buồn, lo âu của Kiều. Điệp ngữ “buồn trông” được lặp lại 4 lần tạo âm hưởng trầm buồn, trở thành điệp khúc diễn tả nỗi buồn đang dâng lên lớp lớp trong lòng Kiều. Cảnh vật thiên nhiên qua con mắt của Kiều gợi nỗi buồn da diết. Cánh buồm thấp thoáng lúc ẩn lúc hiện nơi cửa bể chiều hôm gợi hành trình lưu lạc mờ mịt không biết đâu là bến bờ. Cánh hoa trôi man mác trên ngọn nước mới sa gợi thân phận nhỏ bé, mỏng manh, lênh đênh trôi dạt trên dòng đời vô định không biết đi đâu về đâu. Nội cỏ rầu rầu trải rộng nơi chân mây mặt đất gợi cuộc sống úa tàn, bi thương, vô vọng kéo dài không biết đến bao giờ. Hình ảnh “gió cuốn mặt duềnh” và âm thanh ầm ầm của tiếng sóng “kêu quanh ghế ngồi” gợi tâm trạng lo sợ hãi hùng như báo trước,chỉ ngay sau lúc này, giông bão của số phận sẽ nổi lên, xô đẩy, vùi dập cuộc đời Kiều. Các từ láy “xa xa”, xa xa, man mác, rầu rầu, xanh xanh đã góp phần diễn tả tâm trạng buồn, cô đơn, tăng dần của nàng Kiều. Chọn những hình ảnh có thực nhưng Nguyễn Du đã miêu tả bằng những đường nét tinh tế. Khung cảnh thiên nhiên làm nền cho hoạt động nội tâm của nhân vật. Cảnh từ xa đến gần, màu sắc từ nhạt đến đậm, âm thanh từ tĩnh đến động, nỗi buồn từ man mác, mông lung đến lo âu, kinh sợ. Từ đó, càng tô đậm sự cô đơn, thân phận trôi nổi vô định, buồn thương xót xa lẫn bàng hoàng lo sợ trước những tai hoạ đang vây bủa, vùi dập Kiều. Nó như đang dự báo tương lai khủng khiếp đang đợi nàng. Thật xót xa cho thân phận nàng Kiều!