Lão là người có lòng yêu thương con hết mực: Số phận đau thương của một lão nông – lão Hạc một người cha không đủ tiền để cưới vợ cho con. Lão đã phải khóc khi con trai lão bỏ đi, khi phải xa con, lão cảm thấy như mất con. Ngày đêm lão mong nhớ đến con, lão ân hận, day dứt, buồn bã, đau đớn tuyệt vọng bởi lão không lo được hạnh phúc cho con để con lão phải phẫn chí đi làm đồn điền cao su. Và không muốn lạm dụng tiền của con trai nên lão đã chọn đến cái chết, Lão đã chọn cái chết đau đớn, dữ dội, ghê gớm như cái chết của con vật cậu Vàng – kỉ vật của người con trai để lại cho lão trước lúc đi. Qua đó ta càng thấm thía lòng thương yêu con sâu sắc của người bố nghèo khổ, xuất phát từ tình yêu thương con âm thầm tha thiết, mãnh liệt mà lớn lao của Lão Hạc, một tình thương đầy lòng vị tha, của đức tính cao cả, giàu lòng tự trọng đáng kính.Lão Hạc là người có lòng tự trọng sâu sắc: Lão Hạc cả đời sống bằng lao động. Lúc khỏe, lão cày thuê cuốc mướn; lúc ốm lão đi mò cua mò ốc, kiếm củ khoai củ ráy để ăn qua ngày. Cuối cùng lão Hạc không còn cách nào xoay sở được nữa lão tự kết liễu đời mình bằng bả chó chứ không như Binh Tử đi ăn cắp, ăn trộm. Cái việc bán rẻ nhân cách, phẩm giá ấy với một con người có tâm hồn lương thiện, nhân cách trong sáng như lão thì làm sao lão có thể làm được. Bán con Vàng, lão đau đớn, dằn vặt mình “thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đi lừa một con chó”. Mấy ai lương thiện được đến như vậy? Dù nghèo khổ nhưng lão Hạc chẳng bao giờ phiền lụy đến ai. Ông giáo thương cảm muốn ngấm ngầm giúp đỡ thì “lão từ chối tất cả. Từ chối đến mức gần như là hách dịch”. Phải chăng lão hiểu nhà ông giáo cũng nghèo, hiểu rằng bà giáo không thoải mái gì. Ông giáo tốt bụng thật, nhưng lão không thể lợi dụng lòng tốt của người khác, Lão đã từng nói với ông giáo “Để phiền cho hàng xóm, chết không nắm mắt được”. Ngay đến cả đám ma của mình, lão cũng gửi tiền lại nhờ bà con làm ma cho. Cái chết của lão chính là câu trả lời cho ai đó chỉ thấy vẻ bề ngoài “gàn dở bần tiện”của lão, lão đã sống với chết đi với ý thức tự trọng lớn lao. Là ngòi bút hiện thực sắc sảo nhưng Nam Cao vẫn là nhà văn có tấm lòng nhân đạo sâu sắc. Người ta thương lão Hạc khổ nhưng người ta cũng phục cái nhân cách cao đẹp của lão.