Với một loạt câu thơ có hình ảnh sóng đôi đã thể hiện sự chịu đựng gian khổ của người lính. Những người chiến sĩ ấy phải vượt qua những lần “sốt run người” hay “từng cơn ớn lạnh” của căn bệnh sốt rét ác tính. “Anh với tôi” như hình ảnh những người lính cùng nhau san sẻ với nhau những bệnh tật, thiếu thuốc men, thiếu quân trang, quân dụng. Từ “biết” thể hiện sự đồng cảm, cho thấy họ luôn cảm nhận được nỗi đau bệnh tật của nhau và nhận ra hình ảnh mình trong bạn. Hình ảnh sóng đôi “áo anh rách vai”, “quần tôi có vài mảnh vá” đã nói lên sự gian khó trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Tuy thiếu thốn, “chân không giày” và phải đương đầu với cái chết nhưng họ vẫn “miệng cười buốt giá”, lạc quan, cùng nhau vượt qua những khó khăn. Nụ cười ấy là nụ cười lạc quan, yêu đời tuy là trong mùa đông giá lạnh, trong gian khổ, khó khăn, một nụ cười gợi lên sự cảm động và thán phục của những con người xem thường cực nhọc, nguy hiểm. Với âm điệu dàn trải theo mạch cảm xúc, tá giả đã cho thấy sức mạnh, động lực để họ có thể lạc quan, vượt qua gian khổ thiếu thốn chính là tình cảm của họ. Họ “thương nhau tay nắm lấy bàn tay”, bàn tay nóng ấm tình người sưởi ấm họ trong đêm giá rét. Bàn tay ấy không chỉ biểu hiện cho sự yêu thương, đoàn kết và cảm thông mà còn là những lời động viên nhau vượt qua thử thách, niềm tin vào tương lại độc lập, tự do.