vote điểm giúp mình nhé
Người lính là hình tượng nổi bật, xuyên suốt trong sáng tác của các nhà thơ, nhà văn thời kì kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ. Là một nhà thơ- chiến sĩ, Chính Hữu đã viết về hình tượng này một cách chân thực qua bài thơ “Đồng chí”. Tình đồng chí, đồng đội thắm thiết của những người lính được nhà thơ thể hiện rõ qua những dòng thơ hàm súc. Gọi nhau hai tiếng “đồng chí” nên những người lính thấu hiểu hoàn cảnh, tâm tư và nỗi lòng của nhau. Họ đều là những con người xuất thân từ vùng quê nghèo khó, đã quen với việc đồng áng, ruộng nương nhưng nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, họ đã gửi lại ruộng nương cho “bạn thân cày”, “mặc kệ” gian nhà không “gió lung lay”, gửi lại giếng nước gốc đa để lên đường chiến đấu. “Mặc kệ” không phải là bỏ mặc, không quan tâm đến nữa mà trong hoàn cảnh này “mặc kệ” có nghĩa là tạm gác nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương sang một bên để quyết tâm chiến đấu, tiêu diệt kẻ thù, mang hòa bình, ấm no về cho nước nhà. Không chỉ đồng cảm với hoàn cảnh, tâm tư của nhau, những người lính còn cùng nhau đồng cam cộng khổ, vượt qua những cơn sốt rét rừng đầy nguy hiểm. Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, những “cơn ớn lạnh”, trận “sốt run người” khiến sức khỏe người lính gần như kiệt quệ. Mặc dù “áo anh rách vai”, “quần tôi có vài mảnh vá”, “chân không giày” nhưng họ vẫn nở nụ cười “buốt giá”, họ vẫn giữ vững tinh thần lạc quan dẫu mưa bom bão đạn. Họ “thương nhau tay nắm lấy bàn tay” để truyền cho nhau hơi ấm, sức mạnh và cả ý chí chiến đấu. Đó là cái nắm tay của những con người cùng chung hoàn cảnh xuất thân, cùng chung lí tưởng chiến đấu. Đó là cái nắm tay thể hiện tình cảm đồng chí cao đẹp. Bằng lời thơ giản dị, tự nhiên, Chính Hữu đã giúp bạn đọc thấy được những biểu hiện đẹp của tình đồng chí trong thời kì nước nhà còn kháng chiến.