Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta đã đi vào văn học, thơ ca một cách sinh động, hào hùng và đầy khí thế, trong đó nổi bật là hình ảnh của những người lính trẻ, những cô gái xung phong, những anh bộ đội cụ Hồ. "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật viết trong thời kì ấy không chỉ có tinh thần hiên ngang, bất khuất của những người chiến sĩ trẻ mà còn có hình ảnh của những chiếc xe không kính - minh chứng cho chiến tranh tàn khốc, cho sự anh dũng, ung dung trước khó khăn, gian khổ của người lính.
Đọc nhan đề bài thơ ta có thể thấy được dụng ý của tác giả, hai chữ "bài thơ" như một sự khẳng định, nhấn mạnh rằng đây không chỉ là một bài viết về tiểu đội xe không kính mà là một bài thơ thực sự, chất thơ ấy vừa là xoa dịu hiện thực chiến tranh khốc liệt vừa thể hiện được tinh thần lạc quan, yêu đời của người chiến sĩ vút lên từ chính cuộc sống chiến đấu gian khổ. Những "chiếc xe không kính" được nhắc đến trong bài thơ là hình ảnh có thật, và chính tác giả cũng là người đã ngồi trên chiếc xe đó, nó là một sự thật trần trụi về chiến tranh khắc nghiệt và gian khổ trên tuyến đường Trường Sơn huyết mạch nối hậu phương với tiền tuyến.
"Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi"
Những chiếc xe vốn nguyên vẹn, lành lặn và đầy đủ nhưng vì sự khốc liệt của bom đạn chiến tranh mà chẳng còn kính, trở thành những chiếc xe không kính, thế nhưng những chiếc xe không kính cũng không chỉ là không có kính mà còn thiếu thốn vô số thứ
"Không có kính, rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước"
Chiếc xe vận tải trên tuyến đường Trường Sơn đã phải hứng chịu bao trận mưa bom bão đạn khiến nó trở nên biến dạng, hỏng hóc và thiếu thốn đủ thứ, có thể trong chiến tranh, những chiếc xe không kính là không hiếm lạ gì, nhưng khi những chiếc xe đó được cảm nhận bằng tâm hồn thơ nhạy cảm của Phạm Tiến Duật nó đã trở nên thật mới mẻ, khác lạ và đặc biệt. Trái ngược với sự thiếu thốn của những chiếc xe không kính là sự tràn đầy nhiệt huyết của những người lính lái xe, ngồi lái chiếc xe không kính, không đèn, không mui nhưng tâm thế người lính không hề lo lắng, sợ hãi mà ngược lại còn "Ung dung nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng". Dường như đối với họ, việc chiếc xe mất đi cái kính lại trở thành một điều tốt giúp họ được cảm nhận thế giới bên ngoài một cách chân thật nhất, gần gũi với thiên nhiên đất trời, không còn bất cứ khoảng cách hay sự ngăn cách nào:
"Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng...
Như sa như ùa vào buồng lái"
Người lính không chỉ được cảm nhận những vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn được trải qua những cảm giác chân thật nhất khi ngồi trước buồng lái đó là "Bụi phun tóc trắng nha người già" hay "Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời", quả thực chẳng có gì có thể gây trở ngại với ý chí của những người lính trẻ, họ luôn biết vượt lên nghịch cảnh, luôn vui vẻ lạc quan trong bất cứ trường hợp nào, bụi đã trắng đầu nhưng không cần rửa, vẫn ung dung châm điếu thuốc rồi "Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha", mưa đã ướt áo nhưng chẳng cần thay, thay làm gì vì còn lái cả trăm cây số nữa, đợi mưa ngừng, gió lùa rồi áo sẽ khô ngay. Có thể thấy người lính lái xe Trường Sơn thật hiên ngang, bất chấp mọi khó khăn, hiểm nguy, họ có một chút gì đó ngang tàng, tinh nghịch và rất sôi nổi:
"Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội...
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm"
Tình đồng chí đồng đội giữa những người lính thật cao đẹp, họ bắt tay nhau qua những cửa kính xe đã vỡ, họ cùng nhau nấu ăn giữa trời, rồi coi nhau như một gia đình, việc ăn ngủ đều diễn ra trên đường, điều đó không quan trọng với họ, bởi trong họ luôn thúc giục nhanh để đi, lại đi để được thấy bầu trời xanh, bầu trời của hòa bình và tự do. Tất cả những cái "không có" của chiếc xe đã không còn quan trọng, bởi cái cốt yếu để những chiếc xe có thể băng băng trên đường nằm ở trái tim, ý chí của người lính, ta cảm nhận được khí thế quyết tâm cho sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của những người lính nói riêng và toàn dân toàn quân nói chung.
"Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim"
Với chất liệu thơ mang hiện thực sinh động của cuộc sống nơi chiến trường cùng những từ ngữ giàu tính khẩu ngữ, tự nhiên, tinh nghịch và khỏe khoắn, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã khắc họa hình ảnh độc đáo về những chiếc xe không kính, làm nổi bật lên hình ảnh người lính lái xe Trường Sơn thời chống Mỹ vừa hiên ngang, lạc quan và dũng cảm, ý chí quyết tâm luôn hừng hực.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |