Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Viết bài văn cảm nhận của em về 7 câu thơ đầu của bài thơ Đồng chí

Viết bài văn cảm nhận của em về 7 câu thơ đầu của bài thơ Đồng chí
3 trả lời
Hỏi chi tiết
124
2
0
Nguyệt
15/12/2022 21:43:03
+5đ tặng

Bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu thể hiện hình tượng người lính cách mạng và sự gắn bó keo sơn của họ thông qua những chi tiết, hình ảnh, ngôn ngữ giản dị, chân thực, cô đọng, giàu sức biểu cảm.

Ngay từ những câu thơ mở đầu bài thơ “Đồng chí”, Chính Hữu đã lý giải những cơ sở hình thành tình đồng chí thắm thiết, sâu nặng của “anh” và “tôi” – của những người lính cách mạng:

“Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau,
Súng bên súng, đầu sát bên đầu,
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.
Đồng chí!”

Thành ngữ “nước mặn đồng chua” và hình ảnh “đất cày lên sỏi đá”, giọng điệu thủ thỉ tâm tình như lời kể chuyện, cùng nghệ thuật sóng đôi, tác giả cho thấy tình đồng chí, đồng đội bắt nguồn sâu xa từ sự tương đồng cùng cảnh ngộ. Họ là những người nông dân áo vải, ra đi từ những miền quê nghèo khó – miền biển nước mặn, vùng đồi núi trung du. Không hẹn mà nên, những người nông dân ấy gặp nhau tại một điểm: lòng yêu nước. Tình yêu quê hương, gia đình, nghĩa vụ công dân thúc giục họ lên đường chiến đấu. Bởi thế nên từ những phương trời xa lạ, mọi người “chẳng hẹn mà quen nhau”. Giống như những anh lính trong bài thơ “Nhớ” của Hồng Nguyên: “Lũ chúng tôi bọn người tứ xứ - Gặp nhau từ hồi chưa biết chữ - Quen nhau từ buổi “một, hai” - Súng bắn chưa quen - Quân sự mươi bài - Lòng vẫn cười vui kháng chiến”.

Trong môi trường quân đội, đơn vị thay cho mái ấm gia đinh, tình đồng đội thay cho tình máu thịt. Cái xa lạ ban đầu nhanh chóng bị xóa đi. Sát cánh bên nhau chiến đấu, càng ngày họ càng cảm nhận sâu sắc về sự hòa hợp, gắn bó giữa đồng đội cùng chung nhiệm vụ và lí tưởng cao đẹp: “Súng bên súng, đầu sát bên đầu”. Hình ảnh sóng đôi, các điệp từ “súng”, “đầu”, giọng điệu thơ trở nên tha thiết, trầm lắng như nhấn mạnh tình cảm gắn bó của người lính trong chiến đấu. Họ đồng tâm, đồng lòng, cùng nhau ra trận đánh giặc để bảo vệ đất nước, quê hương, giữ gìn nền độc lập, tự do, sự sống còn của dân tộc - “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Và chính sự đồng cảnh, đồng cảm và hiểu nhau đã giúp các anh gắn bó với nhau, cùng sẻ chia mọi gian lao thiếu thốn của cuộc đời người lính: “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”. Từ gian khó, hiểm nguy, tình cảm trong họ đã nảy nở và họ đã trở thành những người bạn tâm giao, tri kỉ, hiểu nhau sâu sắc, gắn bó thành đồng chí. Hai tiếng “Đồng chí” kết thúc khổ thơ thật đặc biệt, sâu lắng! Nó như một nốt nhạc làm bừng sáng cả đoạn thơ, là điểm hội tụ, nơi kết tinh của bao tình cảm đẹp mà chỉ có ở thời đại mới: tình giai cấp, tình đồng đội, tình bạn bè trong chiến tranh.

Tóm lại, qua đoạn thơ mở đầu bài thơ “Đồng chí”, người đọc đã thấy được cơ sở của tình đồng chí cũng như sự biến đổi kì diệu: từ những người nông dân xa lạ họ trở thành những đồng chí, đồng đội sống chết có nhau.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng ký tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
1
0
Yến Nguyễn
15/12/2022 21:43:56
+4đ tặng

Chính Hữu quê ở Hà Tĩnh là nhà thơ chiến sĩ viết về người lính và hai cuộc chiến tranh, đặc biệt tình cảm cao đẹp của người lính như tình đồng chí, đồng đội và tình yêu quê hương. Tác phẩm “Đồng Chí” được viết vào năm 1948, in trong tập “Đầu súng trăng treo” là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất viết về người lính cách mạng của văn học thời kháng chiến chống Pháp. Ở bảy câu thơ đầu, tác giả đã cho chúng ta thấy cơ sở để hình thành nên tình đồng chí đồng đội của những người lính cách mạng :

“Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau
Súng bên súng đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
Đồng chí !”

Đầu tiên tác giả cho ta thấy tình đồng chí của họ bắt nguồn từ sự tương đồng về cảnh ngộ xuất thân:

“Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”

Hai câu thơ có kết cấu sóng đôi, đối ứng với nhau: “quê hương anh - làng tôi”, “nước mặn đồng chua - đất cày lên sỏi đá”, cách giới thiệu thật bình dị, chân thật về xuất thân của hai người lính họ là những người nông dân nghèo. Thành ngữ : “nước mặn đồng chua”, “đất cày lên sỏi đá” gợi ra sự nghèo khó của những vùng ven biển bị nhiễm mặn, đất khô cằn không trồng trọt và khó canh tác được. Qua đó, ta có thể thấy đất nước đang trong cảnh nô lệ, chiến tranh triền miên dẫn đến cuộc sống của những người nông dân rất nghèo khổ, khó khăn nhiều thứ. Từ hai miền đất xa lạ, “đôi người xa lạ” nhưng cùng giống nhau ở cái “nghèo”:

“Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”

Từ “đôi” đã gợi lên một sự thân thiết, chung nhau nhưng chưa thể bộc bạch đấy thôi. Nói là “chẳng hẹn” nhưng thật sự họ đã có hẹn với nhau. Bởi anh với tôi đều có chung lòng yêu nước, lòng căm thù giặc và ý chí chiến đấu để thoát khỏi sự nô lệ của thực dân Pháp, cùng nhau tự nguyện vào quân đội để rồi “quen nhau”. Đó chẳng phải là đã có hẹn hay sao? Một cái hẹn không lời nhưng mà mang bao ý nghĩa cao cả từ trong sâu thẳm tâm hồn của những chiến sĩ.

Tình đồng chí còn được nảy nở từ sự cùng chung nhiệm vụ, cùng chung lý tưởng sát cánh bên nhau trong hàng ngũ chiến đấu :

“Súng bên súng, đầu sát bên đầu”

Câu thơ là bức tranh tả thực tư thế sẵn sàng, sát cánh bên nhau của người lính khi thi hành nhiệm vụ. Vẫn là hình ảnh sóng đôi, nhịp nhàng trong cấu trúc “Súng bên súng, đầu sát bên đầu”. “Súng” biểu tượng cho sự chiến đấu, “đầu” biểu tượng cho lý trí, suy nghĩ của người lính. Phép điệp từ (súng, đầu, bên) tạo âm điệu khỏe, chắc, nhấn mạnh sự gắn kết, cùng chung nhiệm vụ, cùng chung chí hướng và lý tưởng. Và tình đồng chí, đồng đội càng trở nên bền chặt và nảy nở hơn khi họ cùng nhau chia sẻ mọi khó khăn, vất vả ở cuộc sống chiến trường:

“Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ”

Ở núi rừng Việt Bắc thì những cái lạnh giá buốt làm cho những chiến sĩ của chúng ta rất lạnh, đôi khi họ còn bị sốt rất cao do phải sống trong một môi trường khắc nghiệt như vậy. Nhưng vượt lên trên tất cả những khó khăn, thiếu thốn, khắc nghiệt của thời tiết thì họ đã chia sẻ chăn cho nhau để giữ ấm. Chăn không đủ thì những đêm rét buốt họ đắp chung nhau một chiếc chăn để giữ ấm. Chính cái “chung chăn” ấy đã trở thành niềm vui, thắt chặt tình cảm của những người đồng đội để rồi họ trở thành “đôi tri kỷ”. “Tri kỷ” thân thiết, gắn bó, hiểu tâm tư tình cảm của nhau. Mà là “đôi tri kỷ” thì lại càng gắn bó, thân thiết với nhau hơn. Chính vì thế câu thơ nói đến sự khắc nghiệt của thời tiết, của chiến tranh nhưng sao ta vẫn cảm nhận được cái ấm của tình đồng chí, bởi cái rét đã tạo nên cái tình của hai anh lính chung chăn.

Câu thơ cuối là một câu thơ đặc biệt chỉ với hai tiếng “Đồng chí” khi nghe ta cảm nhận được sự sâu lắng chỉ với hai chữ “Đồng chí” và dấu chấm cảm, tạo một nét nhấn như một điểm tựa, điểm chốt, như đòn gánh, gánh hai đầu là những câu thơ đồ sộ. Nó vang lên như một phát hiện, một lời khẳng định, một tiếng gọi trầm xúc động từ trong tim, lắng đọng trong lòng người về hai tiếng mới mẻ, thiêng liêng ấy. Câu thơ như một bản lề gắn kết hai phần bài thơ làm nổi rõ một kết luận: cùng hoàn cảnh xuất thân, cùng lí tưởng thì trở thành đồng chí của nhau.

Tình đồng chí của những người lính cách mạng dựa trên cơ sở cùng chung cảnh ngộ và lý tưởng chiến đấu được thể hiện thật tự nhiên, bình dị mà sâu sắc trong mọi hoàn cảnh, nó góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh và vẻ đẹp tinh thần của những người lính cách mạng.

1
0
trần hương lan
15/12/2022 21:44:50
+3đ tặng

Bài thơ "Đồng chí" là một trong những bài thơ hay nhất về tình đồng đội, đồng chí của các anh bộ đội cụ hồ trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Với cảm nhận tinh tế, tác giả Chính Hữu – một nhà thơ, chiến sĩ đã xúc động mà sáng tác ra bài thơ. Tình đồng chí đồng đội sâu nặng dù trong hoàn cảnh khó khăn và thiếu thốn được thể hiện rõ nhất trong bảy câu thơ đầu của bài thơ.

Mở đầu đoạn thơ là tác giả đã miêu tả rõ nét nguồn gốc xuất thân của những người lính cách mạng trong kháng chiến chống Pháp:

“Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”

Họ là những người xuất thân từ nông dân, hình ảnh đó được tác giả mô tả rất chân thực, giản dị mà đầy cao đẹp. Với giọng điệu thủ thỉ, tâm tình như đang kể chuyện, giới thiệu về quê hương của anh và tôi. Họ đều là những người con của vùng quê nghèo khó, nơi “nước mặn đồng chua”, “đất cày lên sỏi đá”. Dù cuộc sống nơi quê nhà còn nhiều khó khăn, đói nghèo nhưng vì tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc mà họ sẵn sàng tham gia chiến đấu bảo vệ đất nước. Đó là sự đồng cảnh ngộ, là niềm đồng cảm sâu sắc giữa những người lính ngày đầu gặp mặt.

“Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”

Mỗi người một quê hương, một miền đất khác nhau, họ là những người xa lạ của nhau nhưng họ đã về đây đứng chung hàng ngũ, có cùng lí tưởng và mục đích chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Tình đồng chí đã nảy nở và bền chặt trong sự chan hòa, chia sẻ những gian khổ của cuộc sống chiến trường, tác giả đã sử dụng một hình ảnh rất cụ thể, giản dị và gợi cảm để nói lên tình gắn bó đó:

“Súng bên súng đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”

Hoàn cảnh chiến đấu nơi khu rừng Việt Bắc quá khắc nghiệt, đêm trong rừng rét đến thấu xương. Cái chăn quá nhỏ, loay hoay mãi cũng không đủ ấm, chính từ hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn ấy họ đã trở thành tri kỉ với nhau. Những vất vả, khắc nghiệt và nguy nan đã gắn kết họ lại với nhau, khiến cho những người đồng chí trở thành người bạn tâm giao gắn bó. Chính tác giả cũng đã từng là một người lính, nên câu thơ đã chan chứa, tràn đầy tình cảm trìu mến sâu nặng với đồng đội.

Câu thơ cuối cùng, chỉ 2 tiếng đơn giản “Đồng chí” được đặt riêng, tuy ngắn gọn nhưng ngân vang, thiêng liêng. Tình đồng chí không chỉ là chung chí hướng, cùng mục đích mà hơn hết đó là tình tri kỉ đã được đúc kết qua bao gian khổ, khó khăn. Chẳng còn sự ngăn cách giữa những người đồng chí, họ đã trở thành một khối thống nhất, đoàn kết và gắn bó.

Chi với bảy câu thơ đầu của bài “Đồng chí”, Chính Hữu đã sử dụng những hình ảnh chân thực, gợi tả và khái quát cao đã thể hiện được một tình đồng chí chân thực, không phô trương nhưng lại vô cùng lãng mạn và thi vị. Tác giả đã thổi hồn vào bài thơ tình đồng chí tri kỉ, keo sơn và gắn bó, trở thành một âm vang bất diệt trong tâm hồn những người lính cũng như con người Việt Nam.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Câu hỏi Ngữ văn Lớp 9 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Gia sư Lazi Gia sư
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo