Mỗi quốc gia trong quá trình phát triển đều tiếp nhận, biến đổi một cách phù hợp đặc trưng văn hóa của nhau, sản sinh ra những nét đẹp hài hòa đóng góp vào cuộc sống hạnh phúc của nhân dân. Người dân Việt đã cảm thấy Sushi là món ăn quen thuộc, và người dân Nhật Bản hay nói "tôi thường xuyên ăn Phở". Ở đây, văn hóa ẩm thực đã len lỏi vào đời sống thường nhật của 2 bên, trở thành giá trị chung, thúc đẩy sự gắn kết, phát triển. Đó chính là ngoại giao văn hóa.
Văn hóa Nhật Bản đã xuất hiện ở Việt Nam khá lâu và ngày càng phát triển trong những năm gần đây. Có thời gian chúng ta thường xuyên bắt gặp các bạn trẻ nhảy điệu múa Yosakoi của người Nhật trên những tuyến phố hay lễ hội. Kiến trúc Nhật Bản cũng được rất nhiều người Việt Nam ưa chuộng và đón nhận.
- Văn hóa tạo hình từ giấy
Bạn biết xếp hạc, ngôi sao, trái tim chứ? Nếu biết thì bạn đã tiếp xúc với nên văn hóa lâu đời nhất của Nhật: nghệ thuật xếp giấy Origami – một nét văn hóa Nhật nhỏ nhưng rất đặc trưng đã len lỏi vào tâm hồn người trẻ Việt từ ngày thơ ấu.
- Văn hóa truyện tranh
Những trẻ 8X, 9X chắc hẳn không thể nào không biết đến những bộ truyện tranh Nhật Bản (manga) như Thủy Thủ Mặt Trăng, Doraemon, Nhóc Maruko, 7 viên ngọc rồng, Yaiba,… vì đó là những ký ức tuổi thơ vô cùng đáng nhớ. Cho đến tận ngày này, truyện tranh Nhật Bản cũng chưa bao giờ hết “nóng” đối với giới trẻ, và cả người lớn.
Manga Nhật Bản ghi điểm trên đất Việt bởi nội dung truyện đơn giản nhưng cũng đầy tính nhân văn và những nhân vật gần gũi, đáng yêu như những người bạn thân.
- Ngôn ngữ Nhật – trào lưu mới
Có thể nói những năm gần đây, số người Việt trẻ có thể sử dụng thông thạo tiếng Nhật cũng như những bạn trẻ ghi danh học ngôn ngữ này ngày càng nhiều. Giới trẻ Việt kết tiếng Nhật không chỉ bởi cách phát âm nghe rất đáng yêu mà còn ở sự lạ lẫm của kiểu chữ Kanji tượng hình “khó nuốt”, bên cạnh đó, sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của các công ty Nhật tại Việt Nam cũng tạo nên một động lực to lớn để những bạn trẻ chọn học ngôn ngữ này.
- Ẩm thực Nhật
Ẩm thực Nhật hút hồn thực khách đầu tiên là ở sự tinh tế trong việc bài trí thức ăn. Về hương vị, hầu hết mọi người khi mới thưởng thức sẽ cảm thấy món Nhật hơi khó ăn, song ai đã vượt qua được “thử thách khẩu vị” thì hầu như đều say mê và muốn thưởng thức thêm nữa. Cho đến thời điểm này, ước tính riêng ở TP Hồ Chí Minh, đã có hàng trăm quán ăn, nhà hàng mang phong cách Nhật Bản và được giới trẻ rất yêu thích.
Không ồn ào, nhưng những nét văn hóa Nhật đi vào suy nghĩ người Việt trẻ một cách nhẹ nhàng, thầm lặng nhưng dễ gây nghiện. Đó phải chăng cũng là nét đặc trưng của văn hóa Nhật Bản – nhẹ nhàng nhưng cũng không kém phần sâu sắc.