Tôi là ông Hai, một người nông dân yêu nước.
Theo chính sách của Đảng, tôi buộc phải rời khỏi ngôi làng thân yêu của mình để đến một nơi khác. Đến nơi, tôi vẫn không bao giờ quên làng của mình. Tôi thường tự hào kể khắp nơi về truyền thống yêu nước, những thành tích vẻ vang của làng mình. Ánh mắt ngưỡng mộ của mọi người khiến tôi sung sướng lắm.
Ấy thế mà, một chiều nọ, khi đang ngồi uống trà thì nghe thấy người ta bàn tán về chuyện làng tôi theo giặc. Ngỡ ngàng, tôi không tin vào chính tai của mình. Cố nghe từng cái tên quen thuộc, tôi bần thần nhận ra đúng là họ đang nói về làng của mình rồi. Xấu hổ và bẽ bàng, tôi giả cười rồi đi về trong đau đớn. Dường như xung quanh, ai cũng đang chỉ trỏ, chửi bới về làng tôi, về tôi, nên cứ thế, tôi cúi gằm mặt xuống đất.
Trở về nhà, tôi nằm im trong nhà không buồn đi đâu cả. Bởi quá đau khổ và nhục nhã. Làm sao tôi có thể ngẩng đầu lên nhìn ai khi mang thân phận là người dân của một ngôi làng phản quốc. Nhục nhã, đau khổ, tủi hổ, tôi co mình lại trong góc nhà. Mọi âm thanh đều trở nên thật là đáng sợ. Tôi tưởng như ai cũng khinh mình, cũng căm ghét, cũng thù địch và chửi bới mình. Nhìn những đứa con thơ, tôi lại chực trào nước mắt. Chao ôi, rồi chúng cũng sẽ mang trong mình nỗi tủi nhục của kẻ phản bội tổ quốc như cha nó, và sống đến hết đời ư? Càng nghĩ tôi càng đau khổ cùng cực. Tôi yêu làng của mình lắm, tự hào về làng vô cùng. Nhưng giờ đây có lẽ tôi phải rời bỏ làng của mình thôi. Bởi làng đã theo giặc thì đó không còn là quê hương nữa. Bỏ làng, tôi đau lắm, như bị cắt đi từng khúc ruột, nhưng chẳng thể nào làm khác được. Thật may sao, ít ngày sau, tôi nhận được tin làng tôi chưa từng theo giặc. Đó chỉ là kế sách để dụ giặc vào bẫy và tiêu diệt mà thôi. Trời ơi, tôi tựa như được sống lại lần thứ hai vậy. Nỗi sung sướng lan tỏa trong từng tế bào, chảy trong huyết quản, khiến tôi bừng bừng sức sống.
Vậy là, từ bây giờ, tôi lại được yêu làng, lại được tự hào về làng của mình như trước rồi.