Không ồn ào, hoành tráng bằng các lễ hội kỷ niệm Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam như những “vùng đất thiêng” khác trên cả nước, Bạc Liêu nhẹ nhàng với dòng chảy văn hóa của riêng mình. 5 năm kỷ niệm ra đời Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4 đã được Chính phủ phê duyệt, sẽ chỉ như một khoảnh khắc trong đoạn trường thời gian mà Bạc Liêu nói riêng, cả nước nói chung đã bảo tồn hành trình văn hóa của mình. Cuộc sống hòa quyện, giao thoa văn hóa của 3 dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa trên cùng một mảnh đất đã chứng minh tất cả. Đó cũng chính là một trong những đặc sản văn hóa mà Bạc Liêu đang sở hữu.
Những phong tục tập quán, lối sinh hoạt, hay các nghi thức cúng kiến, rồi hệ thống đình, chùa, miếu mạo… tất cả đều hòa quyện với nhau thành một “khối văn hóa” thật đặc sắc. Nghi thức cúng đình, tảo mộ trong Tiết thanh minh… của người Hoa giờ đây đã lan tỏa trong đời sống của người Kinh và Khmer. Còn trong các dịp lễ, tết của người Khmer, người Kinh và Hoa cũng rộn ràng chung vui bên dĩa bánh gừng, bánh ớt ngọt ngào và đến chùa Khmer cùng trẩy hội. Các món ăn truyền thống của người Kinh như bánh tét cũng tồn tại trong những dịp tết của người Hoa và người Khmer. Những nét sinh hoạt truyền thống của từng dân tộc đã không còn là khoảng cách về văn hóa trong nếp nghĩ, nếp sống nữa, mà tất cả cùng nhau tạo nên một “khối văn hóa” đa phong cách làm nên nét đặc biệt cho Bạc Liêu!
Sự giao thoa ấy diễn ra một cách tự nhiên, không gượng gạo trong quá trình 3 dân tộc anh em cộng cư trên một vùng đất. Chính sự giao thoa ấy đã tạo nên tính cách cho người Bạc Liêu một phong cách thật đặc biệt. Khoan dung, phóng khoáng, nhân hậu, hào hiệp và nghĩa tình là những tính cách đặc trưng làm nên một Bạc Liêu gần gũi với người đối diện. Đây cũng chính là một điểm nhấn văn hóa để Bạc Liêu hấp dẫn hơn trong mắt du khách, rất có duyên khi mời gọi hợp tác và thu hút trên nhiều lĩnh vực. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của mình đã được người Bạc Liêu “vận hành” tự nhiên như thế!