Nguyễn Thành Long là cây bút chuyên về truyện ngắn và kí. Truyện ngắn của Nguyễn Thành Long hấp dẫn người đọc bởi sự nhẹ nhàng, kín đáo và thấm đẫm chất thơ. "Lặng lẽ Sa Pa" là tác phẩm tiêu biểu của ông. Truyện đã khắc họa nổi bật nhân vật anh thanh niên với bao vẻ đẹp của người lao động mới rất đáng trân trọng.
Truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" là kết quả chuyến đi thực tế Lào Cai mùa hè năm 1970 của Nguyễn Thành Long. Chính không khí tích cực, khẩn trương xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc cùng miền Nam kháng chiến chống Mĩ đã góp phần tạo nên thiên truyện. Anh thanh niên là nhân vật chính nhưng không xuất hiện từ đầu tác phẩm mà chỉ hiện ra qua cuộc trò chuyện ba mươi phút với các nhân vật khác. Sau đó anh lại khuất lấp vào trong mây mù lặng lẽ của Sa Pa. Dù vậy nhưng nhân vật anh thanh niên đã để lại trong lòng người đọc bao ấn tượng về vẻ đẹp của con người lao động mới xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Vẻ đẹp nổi bật ở nhân vật anh thanh niên là lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm cao với công việc. Hoàn cảnh sống và công việc khó khăn vậy mà anh đã gắn bó được bốn năm và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Anh kể về công việc, cuộc sống của mình một cách vắn tắt nhưng khá đầy đủ bằng một giọng văn say sưa, chân thành: "Cháu ở đây có nhiệm vụ... Đây là máy móc của cháu... Công việc nói chung là dễ." Anh quan niệm đúng đắn, sâu sắc về công việc, cuộc sống: "mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc? " Anh coi công việc là bạn, là niềm vui sống: "Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?", "Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất." Vì vậy, sống một mình nhưng anh không bao giờ thấy nhàn rỗi hay cô đơn dù rất thèm người, thèm nghe chuyện dưới xuôi.
Anh thanh niên là người biết tổ chức, sắp xếp cuộc sống một mình khoa học, ngăn nắp. Sống một mình nơi heo hút, vắng lặng nhưng cuộc sống của anh vẫn đầy đủ, phong phú cả vật chất lẫn tinh thần: một căn nhà ba gian sạch sẽ với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ, nơi làm việc, góc học tập, nơi nghỉ ngơi. Anh còn trồng cả một vườn hoa rực rỡ sắc màu, khi khách đến chơi thì ngắt hoa để tặng. Anh tự nuôi gà đẻ trứng đến nỗi ăn không xuể. Anh có hẳn một giá sách để đọc ngoài giờ. Cuộc sống ấy khiến những người khách thật sự bất ngờ.
Không những thế, anh thanh niên còn đẹp ở tấm lòng khiêm tốn và lòng nhiệt tình mến khách chu đáo. Anh thành thực cảm thấy công việc và những đóng góp của mình chỉ là nhỏ bé. Anh dành năm phút để kể về công việc của mình, còn hai mươi phút để nghe chuyện dưới xuôi. Anh từ chối khi họa sĩ định vẽ chân dung mình và giới thiệu những người khác đáng vẽ hơn. Tấm lòng nhiệt tình, sự quan tâm của anh với người khác không chỉ là hình thức xã giao: biết tin vợ bác lái xe bị ốm, anh gửi biếu củ tam thất. Anh vui mừng khi có khách đến thăm, cắt hoa để tặng khách, pha nước chè Yên Sơn đãi khách, khi khách ra về, anh còn tặng cả làn trứng để khách ăn đi đường. Tất cả những người khách xa lạ lần đầu đến với anh đều có cảm giác gần gũi, thân quen.
Truyện đã khắc họa thành công nhân vật anh thanh niên với cốt truyện đơn giản mà giàu ý nghĩa khái quát, tình huống truyện nhẹ nhàng, giàu chất thơ. Đặc biệt cách xây dựng nhân vật độc đáo: anh thanh niên là nhân vật chính nhưng không xuất hiện từ đầu tác phẩm mà chỉ hiện ra trong cuộc trò chuyện ba mươi phút với các nhân vật khác. Nhân vật chính được hiện lên qua cái nhìn của nhân vật phụ làm cho hình ảnh nhân vật trở nên chân thực, gần gũi hơn. Ngôn ngữ kể chuyện nhẹ nhàng, có sự kết hợp giữa tự sự với miêu tả, biểu cảm và bình luận. Vẻ đẹp anh thanh niên chính là vẻ đẹp của con người lao động mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội với lòng yêu đời, yêu nghề, với sự nhiệt tình, chu đáo.
Với thành công trong việc khám phá cái đẹp ở nhân vật anh thanh niên, truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" đã thể hiện nét đặc sắc trong phong cách văn xuôi Nguyễn Thành Long: nhẹ nhàng, giàu chất thơ, có khả năng thanh lọc tâm hồn con người. "Lặng lẽ Sa Pa" đã góp thêm một hình tượng đẹp về những con người lao động mới xây dựng cuộc sống mới trong văn học hiện đại Việt Nam.