Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Tây Tiến là bài thơ tiêu biểu khẳng định tài năng của nhà thơ Quang Dũng. Bàn về bài thơ có ý kiến cho rằng: "Bài thơ Tây Tiến có phảng phất những nét buồn, những nét đau nhưng đó là cái đau bi tráng chứ không phải là cái buồn đau bi lụy". Với ý kiến này chúng ta có thể hiểu một cách trọn vẹn về bài thơ Tây Tiến.
Mạch cảm xúc của bài thơ chính là nỗi nhớ, nỗi nhớ như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt bài thơ đưa nhà thơ trở về với những kỉ niệm đẹp. Trong hành trình của nỗi nhớ có phảng phất những nỗi đau, nỗi buồn. Những nỗi đau, nỗi buồn được nhà thơ tái hiện chân thật bằng cảm xúc chân thành. Tây Tiến vẽ lên một chặng đường dài đầy khó khăn và gian khổ giữa rừng núi hiểm trở. Ngay phần đầu của bài thơ, chúng ta đã nhìn thấy được sự mệt mỏi của đoàn quân: "Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi". Sương nhiều và lạnh buốt đến nỗi như vùi lấp từng bước đi của đoàn quân. Thế rồi hình ảnh "Anh bạn dãi dầu không bước nữa/Gục lên súng mũ bỏ quên đời" cũng phần nào đó cho thấy những giấc ngủ tranh thủ của người lính hay nhắc tới sự hi sinh trên đường hành quân của họ. Không chỉ vậy, hành trình chiến đấu còn có sự hiểm trở, hoang sơ, dữ dội của dốc núi cheo leo:
"Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi".
Cái oai linh của của nơi rừng thiêng nước độc, cảnh thú dữ rình rập cũng tác động đến con người phần nào đó: "Chiều chiều oai linh thác gầm thét/Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người ".Thế rồi khi bệnh tật, sự thiếu thốn khiến cho người lính có một ngoại hình thật đặc biệt: "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/Quân xanh màu lá dữ oai hùm " và cũng vì vậy mà cái chết cũng luôn rình rập quanh họ: " Rải rác biên cương mồ viễn xứ /Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh ".
Tuy nhiên nỗi đau, nỗi buồn ở đây không toát lên sự bi lụy, yếu đuối, nhỏ bé của con người mà đó là cách nhìn thẳng vào thực tế của họ. Tận cùng bên trong của những nỗi buồn, nỗi đau đó là vẻ đẹp bi tráng đáng tự hào và ngưỡng mộ. Bi tráng vừa có tính chất bi ai có nghĩa là buồn nhưng cũng vừa có tính chất hùng tráng hay nói cách khác thì bi tráng vừa thể hiện nét bi thương vừa không làm mất đi vẻ gân guốc, mạnh mẽ. Trước những khó khăn trên hành trình, những người lính trẻ vẫn dành cho mình những giây phút bình yên để mà ngắm nhìn khung cảnh lãng mạn nơi rừng núi Tây Bắc hoang sơ và linh thiêng. Đó là những giây phút ngắm nhìn thiên nhiên ở Mường Lát trong đêm đêm hơi với hương hoa đặc biệt khiến cho tâm hồn người lính trở nên dịu dàng hơn sau những sự dữ dằn của cuộc hành trình: "Mường Lát hoa về trong đêm hơi ".
Đặc biệt hơn cả trong việc thể hiện nghị lực vượt lên trên nỗi đau là ở cách Quang Dũng miêu tả sự hi sinh của người lính Tây Tiến. Nói đến cái chết nhưng không còn quá đau buồn mà là nổi bật lên là sự hào hùng:
" Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Những nấm mồ nằm rải rác nơi biên cương xa xôi, lạnh lẽo không thể khiến cho người đọc cảm thấy sợ hãi và tuyệt vọng. Những từ Hán Việt mà nhà thơ đã sử dụng trong các câu thơ trên như là "biên cương ","viễn xứ " đã làm giảm cái nỗi đau thương và tuyệt vọng ấy. Không những thế, sự quyết tâm và khát vọng chiến đấu đến cùng của người lính"Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh" đã làm mờ hẳn đi sự đau thương, sự sợ hãi. Vì độc lập, vì tự do của dân tộc mình người lính sẵn sàng hi sinh tất cả trong đó có cả tuổi thanh xuân của mình. Cách nói của họ thể hiện niềm tự hào, tự hào vì được hiến dâng cho đất nước. Trong chiến tranh có rất nhiều người đã hi sinh ngay đến cả một manh chiếu để liệm thân cũng không có, những người lính Tây Tiến cũng vậy. Nhưng qua cái nhìn của nhà thơ Quang Dũng sự ra đi của người lính Tây Tiến lại được bọc trong tấm áo bào sang trọng:"Áo bào thay chiếu anh về đất /Sông Mã gầm lên khúc độc hành " . Hình ảnh chiếc áo bào gợi liên tưởng đến đến sự rực rỡ, đẹp đẽ, lộng lẫy và sang trọng. Sự bi thương, đau buồn trong cái chết của người lính không còn quá đậm nét mà trở nên nhẹ nhàng hơn nhờ cách nói giảm "anh về đất đất" . Về đất là trở về với đất mẹ thân thương trở về với những điều bình dị nhất và gần gũi nhất. Chính vì vậy, không có gì phải tiếc nuối và sợ hãi cả. Tiếng gầm thét dữ dội của dòng sông Mã: "Sông Mã gầm lên khúc độc hành" là âm thanh đặc biệt. Trong bài thơ nghe tiếng sông Mã gầm lên, chúng ta lại hình dung một khúc ca bi tráng tiễn đưa người lính về nơi an nghỉ cuối cùng. Có lẽ sức nặng, nội lực của câu thơ tập trung ở động từ "gầm". Âm hưởng của câu thơ đau xót, nghẹn ngào hơn bao giờ hết. Nó như một tiếng nấc trước sự hi sinh của người lính nhưng đó là tiếng nấc, tiếng khóc của sự tự hào của sự mạnh mẽ. Trong thực tế chúng ta có thể thấy rằng người lính Tây Tiến ra đi trong sự lặng lẽ âm thầm không kèn, không trống nhưng qua cách miêu tả và cảm nhận của nhà thơ thì âm thanh dòng sông Mã đã trở thành khúc nhạc hào hùng tiễn đưa linh hồn của họ về với đất mẹ thân yêu.
Với những từ ngữ chính xác, tinh tế, hình ảnh chọn lọc đẹp đẽ kết hợp với hồn thơ vốn dĩ đã lãng mạn và hào hoa của Quang Dũng thiên nhiên và đặc biệt là người lính Tây tiến hiện lên chân thực với những sự gian nan của thực tế cuộc sống nhưng không hề đáng thương, yếu đuối mà vẫn giữ cho mình vẻ hùng dũng. Từ đó thể hiện được niềm tin và sức mạnh của thế hệ trẻ trước cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Phải là một người yêu quý và trân trọng Tây Tiến sâu nặng thì mới có thể viết được những vần thơ như thế.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |