Thiên tai ở vùng Duyên hải Bắc Trung bộ trong những năm gần đây diễn biến hết sức phức tạp, gây ra nhiều hậu quả, thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho ngư dân ở đây. Bài viết đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống thiên tai, bảo đảm đời sống cho ngư dân vùng Duyên hải Bắc Trung bộ.Nguy cơ mất an toàn trên biển của ngư dân vùng Duyên hải Bắc Trung bộHiện tượng biến đổi khí hậu đã khiến lượng mưa ở vùng Duyên hải Bắc Trung bộ ít, nắng nóng gay gắt kéo dài, có tháng thì bão, lũ lụt đặc biệt nghiêm trọng. Bên cạnh đó, là tình trạng xâm nhập mặn, tình trạng thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt đang xảy ra gay gắt, khốc liệt hơn1.
Theo nghiên cứu dữ liệu của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tình hình thời tiết mùa mưa bão ngày càng có những diễn biến phức tạp, khó lường hơn. Bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, ngập lụt có diễn biến phức tạp hơn những năm trước2. Trước những tác động ảnh hưởng của thời tiết, dòng chảy nên luồng lạch dẫn ra vào nhiều cửa biển bị bồi lấp, thay đổi bất thường, đặc biệt trong mùa mưa bão và những đợt gió mùa Đông – Bắc đã gây ra mối nguy cơ, nguy hiểm mất an toàn cho tàu thuyền ra vào các cửa biển3.
Tình hình thiên tai và biến đổi khí hậu tại vùng Duyên hải Bắc Trung bộ đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của ngư dân trong khai thác hải sản ở vùng ven bờ, vùng lộng, vùng khơi và vùng nước cảng biển.
Vùng ven bờ, trung bình mỗi tỉnh vùng Duyên hải Bắc Trung bộ có khoảng 3.500 tàu cá (tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m là 3.000 chiếc). Số lượng lao động trực tiếp trên tàu cá có khoảng 12.000 lao động. Ngư trường hoạt động chủ yếu tại vùng ven bờ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, do tàu thuyền khai thác ở vùng này thường nhỏ, không bảo đảm các điều kiện an toàn để khai thác trên biển; bên cạnh đó là ý thức bảo đảm an toàn cho người và tàu cá của một bộ phận ngư dân còn kém, ngư dân thường tập trung tại bãi ngang không có nơi neo đậu, tránh trú an toàn nên thường gặp tai nạn, gây thiệt hại lớn về người và của khi gặp thời tiết xấu xảy ra.
Vùng lộng, trung bình mỗi tỉnh vùng Duyên hải Bắc Trung bộ có khoảng 700 chiếc tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m; ngoài ra có khoảng 200 tàu cá ngoại tỉnh tham gia hoạt động. Số lượng tổ chức cộng đồng và lao động, có 2 nghiệp đoàn nghề cá, 70 tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển, với 4.500 lao động. Ngư trường hoạt động tại vùng lộng vùng biển Việt Nam, tập trung chủ yếu từ Đà Nẵng đến Quảng Ninh. Tai nạn trên biển ở vùng này chủ yếu là do sự chủ quan của các ngư dân trong việc bảo đảm các điều kiện an toàn cho người và tàu cá, hạ tầng nghề cá chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, tàu cá thường bị tai nạn tại các khu vực trước cửa sông, cửa lạch khi vào bờ trú bão, do tàu thuyền cũ kỹ, lạc hậu, bị chết máy hoặc phá nước khi bão xảy ra.
Vùng khơi, trung bình mỗi tỉnh vùng Duyên hải Bắc Trung bộ có khoảng 150 chiếc tàu cá với chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, có khoảng 1.200 lao động. Ngư trường hoạt động tại vùng khơi biển Việt Nam, tập trung chủ yếu từ Đà Nẵng đến Quảng Ninh. Nguyên nhân xảy ra tai nạn chủ yếu là do thiên tai, bão, lũ; do ý thức bảo đảm an toàn cho người và tàu cá của một bộ phận ngư dân còn hạn chế. Khu vực thường xảy ra tai nạn tại vùng khơi và khu vực trước các cửa sông, cửa lạch.
Vùng nước cảng biển, trung bình mỗi tỉnh vùng Duyên hải Bắc Trung bộ có khoảng 150 chiếc tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, 650 chiếc tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m, 3.000 chiếc tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m đến dưới 12m. Tai nạn xảy ra chủ yếu ở khu vực này thường do xuất hiện thiên tai lớn như bão, áp thấp nhiệt đới hoặc do sự cố, đâm va tàu thuyền trên biển.