Từ "Mẹ" trong bài được viết hoa, điệp nhiều lần, tỏ rõ thái độ kính trọng và ngợi ca. Ngay lời đề từ của bài đã có ý nghĩa tạo tâm thế, hướng người đọc vào ân tình của mẹ và việc báo đáp ân nghĩa với đấng sinh thành. Trong thực tế cuộc sống, nhất là ở thế kỷ XX về trước, khá nhiều người mẹ lao động gánh con trong quá trình đi làm đồng, đi chợ hay di chuyển trong nhiều hoạt động khác.
Minh họa sưu tầm
Đứa trẻ được mẹ gánh một bên quang – bên kia là đồ đạc hay anh chị em khác - cũng đều thích thú. Vì thế, phần mở đầu tác giả viết: "Cho con gánh Mẹ một lần/ Cả đời mẹ đã tảo tần gánh con/ Cho con gánh Mẹ đầu non/ Cả lòng Mẹ đã sắt son biển trời". Chân dung người mẹ được tái hiện thật cảm động qua hình ảnh. "Cả đời mẹ đã tảo tần gánh con". Tấm lòng "biển trời" tràn đầy tình yêu và sự bao dung rộng lớn, tình cảm "sắt son" trước sau như nhất của mẹ với cha, với các con đã in sâu trong lòng con. Nghệ thuật đối ngẫu "Cho con gánh mẹ một lần" và "Cả đời mẹ đã tảo tần gánh con" cùng thủ pháp nghệ thuật đảo từ ở đây đã nhấn mạnh tấm lòng trân quý và biết ơn mẹ vô hạn của chủ thể trữ tình. Tiếp đó là dòng cảm xúc hoài niệm về lời mẹ ru cùng với cuộc đời gian truân của mẹ: "Ngày xưa Mẹ gánh à ơi/ Cho con gánh lại những lời Mẹ ru/ Đường đời sương gió mịt mù/ Vì con hạnh phúc chẳng từ gian nan". Đây là những câu thơ hay nhất trong bài nói lên mong ước của mẹ: Để những đứa con mình được no đủ, vui sướng, hạnh phúc, mẹ đã không từ khó khăn, công sức hay gian lao vất vả. Câu thơ ghi nhận và ngợi ca thật hàm súc đức hy sinh vô bờ của mẹ. Bởi thế nên chủ thể khao khát: "Để con gánh... Mẹ đừng can/ Sợ khi Mẹ mất... muộn màng gánh ai?".
Nghệ thuật sáng tạo trong cách ngắt nhịp lẻ 3/3 cùng với dấu chấm lửng giữa các câu thơ trên đã gián tiếp nói lên mẹ lúc nào cũng thương lo cho con, cho dù lúc này vất vả và thời gian khiến mẹ đã già yếu. Nếu không sớm nhận ra công đức biển trời của mẹ để đáp đền, ứng xử cho phải đạo làm con thì sẽ phải hối hận. Ở phần thơ tiếp, vận dụng thành ngữ, và những hình ảnh quen thuộc trong ca dao, nhân vật trữ tình khao khát được "gánh mẹ" qua thời gian "tháng dài", qua không gian "năm rộng" để tỏ lòng tri ân với người mẹ từng một nắng hai sương "Thân cò lặn lội sớm mai thân gầy". Bài thơ kết thúc bằng tiếng gọi "Mẹ ơi" tha thiết, nặng sâu tình mẫu tử, thêm một lần nữa tác giả dùng ẩn dụ "sóng biển dạt dào" để nói về sự vô hạn của tình mẹ: "Mẹ ơi sóng biển dạt dào/ Con sao gánh hết công lao một đời". Tác giả khẳng định: Con dù đền đáp bao nhiêu cũng không thể tương xứng được cả cuộc đời mẹ đã yêu thương, đã sống, đã làm vì các con và gia đình. Trong bài, nhà thơ sử dụng đa dạng các thủ pháp nghệ thuật, nhiều điệp từ "gánh" (13 lần), "gánh Mẹ" (5 lần), "Mẹ" (11 lần), "con" (9 lần), mật độ dày đặc các từ láy (tảo tần, sắt son, mịt mù, à ơi, gian nan, muộn màng, lặn lội, dạt dào) khiến cho lời thơ càng da diết, sâu lắng, thấm vào con tim, khối óc người nghe. Với ca từ giàu ý nghĩa biểu cảm, hình ảnh và ngôn từ tinh tế, sâu lắng, thi phẩm "Gánh Mẹ" đã và đang được đông đảo bạn đọc cả nước đón nhận và rất yêu thích