Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng đội ngũ trí thức, người ví tri thức như là “tài sản quý hiếm của dân tộc”. Trong đó Người đặc biệt đề cao vai trò của các thầy cô giáo – những người tham gia chủ yếu và trực tiếp vào sự nghiệp trồng người.
Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Còn gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo, là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân thì làm sao mà xây dựng CNXH được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang, ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo thì phải sửa chữa”.
Tuy vậy, không phải ai học trường Sư phạm ra cũng có thể trở thành giáo viên tốt, không phải cứ có kiến thức hơn người khác là có thể làm giáo viên tốt, không phải cứ được Nhà nước xét tuyển và trả lương theo mã ngành là có thể làm giáo viên tốt, không phải cứ đứng trên bục giảng là có thể làm giáo viên tốt…
Làm giáo viên là nghề rất “dễ” theo quan niệm của một số người, bởi họ chỉ cần đứng trên bục "chém gió”, hoặc ngồi vào bàn giáo viên đọc giáo trình cho học trò nghe, hết giờ thì về, không cần quan tâm đến học trò có nghe không, có nghe được gì không, có hiểu gì không, những điều nghe được có bổ ích không, có đúng không. Bởi vì học trò có em không biết thật, có em biết thầy, cô nói sai, nói dở mà không dám phản đối, vì tôn trọng thầy cô, vì sợ bị trù dập, vì muốn yên thân… Thậm chí có những người đọc nguyên những lời trong sách cho học trò nghe rồi đệm vài từ ậm à cửa miệng theo thói quen, hoặc kể những câu chuyện tào lao để gây cười là chủ yếu, còn chính họ cũng không hiểu về điều mình vừa đọc để có thể giảng dạy cho học trò hiểu. Có người rất “dũng cảm” có thể giảng bài bất cứ khi nào, môn nào. Hễ có người nhờ lên lớp thay vì bận là họ nhận lời liền, làm liền. Họ không biết hoặc cố tình không biết một điều hết sức đơn giản nhưng lại vô cùng quan trọng là: những hành động của mình đã góp phần không nhỏ, hoặc trực tiếp xóa đi niềm tin, sự hào hứng nhiệt thành – một trong những thứ quý giá nhất của những người trẻ tuổi - những người họ gọi là “học trò” trên con đường khám phá muôn màu của cuộc sống, tìm kiếm tri thức của nhân loại.
Thật sự, nếu làm đúng yêu cầu, trách nhiệm mà xã hội giao phó thì nghề giáo là một nghề không hề đơn giản. Bởi vì nó đòi hỏi người giáo viên phải có cả đức và tài, thật sự giỏi cả về chuyên môn cũng như có năng lực sư phạm, đồng thời phải luôn luôn gương mẫu về đạo đức và có tình thương yêu học trò, tận tâm tận lực với nghề. Không những thế, giáo viên để làm tốt công việc của mình đòi hỏi phải luôn rèn luyện, cập nhật, bổ sung thêm tri thức để có thể hướng cho học trò của mình khi vào đời không trở nên lạc lõng, xa lạ với xã hội, để giúp các em tiến lên bắt kịp với thời đại và luôn luôn giữ được niềm tin, tạo dựng lại niềm tin vào những điều tốt đẹp nhất của cuộc sống.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |