Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Việt Nam đất nước 4000 năm văn hiến, không chỉ nổi bật với truyền thống đánh giặc giữ nước từ ngàn đời, hay những nền văn học dân gian phong phú đặc sắc mà còn là cả một hệ thống văn hóa phong tục tập quán đậm đà bản sắc. Không nói đến những vấn đề ăn mặc, giải trí mà chỉ riêng việc ăn lễ, ăn tết người dân ta cũng đã có đến hàng chục cái tết với nhiều ý nghĩa hay ho, chứng tỏ một đời sống tinh thần phong phú và đa dạng từ nhiều đời. Nhưng có lẽ với toàn dân tộc Việt Nam, Tết Nguyên Đán là dịp tết lớn và quan trọng nhất trong năm, và trong dịp Tết này người ta có thể thiếu mai, thiếu đào, mâm ngũ quả có thử là tam là tứ, bánh trái có thể ít đi, nhưng riêng mâm cơm tất niên thì chẳng nhà nào thiếu và cũng chẳng ai bỏ qua, bởi bỏ qua Tết đã có vẻ không trọn vẹn.
Thực tế rằng mâm cơm tất niên không phải là một nghi lễ chính thức của ngày tết nhưng nó lại là một phong tục truyền thống từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Tết đến xuân về, ai ai cũng bận rộn trang hoàng nhà cửa, gói bánh, muối dưa hành, dưa kiệu, thu xếp hết những công việc cuối năm, đi chợ chọn lấy vài chậu hoa cho Tết thêm phần rực rỡ, vui vẻ. Thế nhưng sau tất cả những công việc bận rộn cuối năm, người ta vẫn không quên chuẩn bị một mâm cơm cúng đơn giản và hôm giao thừa. Thứ nhất là để tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên đã phù hộ cho con cháu cả năm làm ăn thuận buồm xuôi gió, thứ hai nữa là để rước ông Táo đã đi chầu trời vào hôm 23 âm về ăn Tết với gia đình. Và cuối cùng, cái chính yếu của mâm cơm tất niên là dịp để toàn thể gia đình ông bà cha mẹ con cái gặp nhau ngày cuối năm cùng nâng ly rượu sum họp, đầm ấm sau một năm vất vả lao động kiếm sống. Để làm gắn kết thêm cái tình cảm gia đình, thế nên tôi thấy rằng người ta có thể mệt mỏi trong các dịp cỗ bàn khác, thế nhưng riêng trong mâm cơm tất niên, trong lúc cuối năm thế này ai cũng hào hứng, thả lỏng bản thân để hòa vào không khí ấm cúng, chuẩn bị chào đón một mùa xuân mới. Ngày nay mâm cơm tất niên đơn thuần không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà nó còn trở thành một dịp vui để gia chủ làm bữa cơm mời hàng xóm láng giềng, coi như là bữa tiệc rượu làm tình làng xóm thêm gắn kết. Cơm tất niên cũng không nhất thiết phải làm vào đúng hôm 30 tết, mà gia chủ có thể chọn một ngày bất kỳ lúc cuối năm để làm cơm. Tuy nhiên thế không có nghĩa là bỏ hẳn việc cúng hôm 30, mà ở đây là chia làm hai lần làm cơm, một lần để mời khách, một lần là làm trong nội bộ gia đình, cũng coi như là một hình thức vui chơi ngày tết đối với các gia đình khá giả và ham vui, muốn ngày Tết thêm dài. Cũng như tôi đã từng nói, dù cuối năm là lúc tất bật chuẩn bị tết nhất, thế nhưng việc chuẩn bị cơm tất niên theo tôi nghĩ nó lại mang một niềm vui thú, đặc biệt là ngày hôm nay khi lối sống của con người đã trở nên khoáng đạt, công việc nhà không chỉ đơn thuần là của chị em phụ nữ, thì cuối năm việc chuẩn bị cơm tất niên trở thành dịp người ta thấy rõ nhất sự chia sẻ công việc nhà trong gia đình. Khi mà mỗi người chia nhau làm một món ăn, chuẩn bị sao cho chu đáo, dịp tết đến, không khí nô nức cũng như niềm vui xuân khiến người ta thoải mái, mâm cỗ cũng được chuẩn bị chu đáo và tràn ngập niềm vui, cùng công sức của cả gia đình. Thế nên đối với tôi, tết vui nhất là ngày tất niên.
Về việc chuẩn bị bữa cơm cúng tất niên ngày nay đã có phần tinh giản và rút gọn hơn thời của các cụ rất nhiều. Theo lời bà tôi kể, cơm tất niên để dâng lên ông bà, các ông Táo, ông vải phải chuẩn bị kỹ càng nào là đèn nến, trầu cau, vàng mã, hương, hoa, rượu ngon, rồi các món mặn xếp thành 4, 6, 8 đĩa, bát lớn, với đầy đủ các thức như bánh chưng, dưa muối, thịt gà, chả giò, chả lụa, măng, miến, canh đông mộc nhĩ,... Tất cả cỗ bàn cúng phải được chuẩn bị cẩn thận, sắp xếp đúng trình tự một cách trang nghiêm và tinh tế, thiếu đi một thức thì là tỏ vẻ không thành kính với tổ tiên, trời đất. Rồi đến việc cúng vái cũng phải có lệ đàng hoàng, người cúng là người chủ trong gia đình, tốt nhất là đàn ông, thậm chí có những gia đình nặng truyền thống, lễ nghi, người cúng còn phải mặc cả áo dài, khăn đóng, khấn là phải khấn theo bài. Tuy nhiên dù có rườm rà, nhưng đó lại là một nét văn hóa đẹp và đặc trưng của dân tộc Việt, thể hiện đúng tinh thần truyền thống, coi trọng dịp tết nhất, dịp lễ một năm chỉ có một lần. Còn ngày nay, họa hoằn lắm tôi mới thấy có gia đình chuẩn bị cơm cúng tất niên linh đình và trang trọng, phần thì không biết cúng, phần thì muốn tinh giản để bớt chút thời gian nghỉ ngơi dịp cuối năm. Thế nên mâm cơm tất niên cũng đơn giản đi phần nào cho phù hợp với lối sống hiện đại mà vẫn không làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc. Nhìn vào gia đình tôi, thì mâm cơm tất niên được chuẩn bị vào hôm trưa 30 tết, bởi lẽ nhà tôi thường làm nội bộ, để cúng và ăn uống trong gia đình chứ không mời khách. Cơm cúng thì nhất định phải có gà, người ta bắt lấy một con gà trống thiến, to béo đem làm thịt một cách cẩn thận, cột chân cột cánh, cố định đầu sao cho con gà trống có hình dáng như đang ngồi chầu. Sau đó cho vào một nồi nước to luộc chín, rồi đem vớt ra để vào chiếc đĩa lớn. Nhân có nồi nước suýt, ta thả luôn một nắm miến hương, vài tai mộc nhĩ vào nấu cho sôi, nêm nếm cẩn thận là đã có một bát canh cúng. Tiếp theo một món không bao giờ thiếu trong cỗ bàn cúng ấy chính là nem, việc cuốn gia nem cũng khá kỳ công, từ các nguyên liệu mộc nhĩ, miến, thịt ba chỉ, trứng, đậu phộng, ít cà rốt thái sợi, hành lá được băm nhỏ rồi trộn đều, thêm chút muối, chút bột ngọt. Sau đó đem gói thành những chiếc nem vừa ăn, nhà ai có cô con gái khéo tay thì nem có thể gói được thành nhiều hình thù như hình trụ, hình tam giác, sau đó đem chiên vàng giòn trông thật thích mắt. Dĩ nhiên rằng như cách sắp xếp cỗ bàn thì nem bao giờ cũng đi chung với giò lụa thành một đĩa, người ta xếp giò đã cắt miếng, cắt khoanh vào giữa rồi xếp nem chung quanh. Nếu có thời gian có thể làm thêm một món xào đơn giản, ví như su hào xào thịt ba chỉ chẳng hạn. Ngoài ra trong mâm cơm cúng của người miền Bắc chẳng thể nào thiếu được ít dưa hành, dưa kiệu, cặp bánh chưng, cùng với chút rượu ngon. Đặc biệt dù đã có bánh chưng nhưng người ta vẫn thường đồ thêm đĩa xôi để cúng cho đa dạng. Nếu như người miền Trung thường sắp cỗ cúng trước cửa nhà, thì người miền Bắc lại cúng trực tiếp trên bàn thờ, đã bày sẵn hoa, nhang đèn, mâm ngũ quả, chỉ việc đem cỗ cúng đặt cẩn thận lên bàn thờ, rót rượu rồi khấn vái, thắp ba nén nhang là được. Trong lúc cúng, không nhất thiết phải là người nam hay chủ gia đình, mà chỉ cần là người trong nhà, ăn vận lịch sử đứng ra cúng. Sau khi đợi cháy hết nhang, thì lại lên xin ông bà, ông Táo cho hạ cỗ xuống và bắt đầu ăn bữa cơm tất niên. Nói chung phong tục mỗi vùng mỗi khác, món ăn cúng cũng thường thay đổi sao cho phù hợp với khẩu vị hiện đại, những món ăn truyền thống cầu kỳ làm ra chưa chắc đã ngon nay được thay bằng những món đơn giản nhưng bổ dưỡng, âu cũng là điều hợp lý và nên làm. Miễn sao chúng ta vui vẻ và bữa cơm tất niên vẫn giữ được những giá trị ý nghĩa truyền thống là được.
Nói đến cơm tất niên, tức là lại thấy không khí tết đang bao trùm tràn ngập, những ngày cuối năm tuy rằng tất bật vội vàng, nhưng cũng lại là những ngày tháng bận rộn mà đầy ấm áp. Gia đình quây quần bên nhau gói bánh, dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị cơm cúng, rồi cùng nhau ăn những món ăn do chính tay mình chuẩn bị, có lẽ rằng dù đi khắp chân trời tận hưởng bao nhiêu mỹ thực cũng chẳng bằng mâm cơm tất niên ở nhà, bên cha mẹ, bên người thân.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |