Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Chiến tranh nổ ra! Bao gia đình phải chia ly, bấy nhiêu bóng dáng hào kiệt đã ngã xuống, máu hòa với nỗi hận chôn sâu dưới làn mưa bom đạn . Vậy mà, mặc cho chiến tranh có tàn phá nặng nề đến mức nào, thì tình cảm cha con giữa ông Sáu và bé Thu trong tác phẩm “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng vẫn đậm sâu, đẹp đẽ một cách lạ thường. Đặc biệt, nhân vật ông Sáu với tình thương con tha thiết đã để lại trong lòng người đọc nhiều cảm xúc khó tả, để rồi người ta thêm vững lòng tin vào một thứ tình cảm thiêng liêng, bất diệt.
Chuyện kể về ông Sáu trong một lần được về quê thăm con sau 8 năm xa cách dài đằng đẵng. Ông xa con từ khi nó mới chưa tròn một tuổi, nay trở về với một vết thẹo dài trên khuôn mặt. Nào ngờ, vết tích của chiến tranh ấy đã khiến con gái ông là bé Thu không chịu nhận cha. Phần đầu câu chuyện xoay quanh cuộc hội ngộ giữa cha và con sau nhiều năm bị chia cách. Nào biết được, cuộc gặp gỡ đầu tiên này cũng chính là cuộc hội ngộ cuối cùng của họ.
Ông Sáu là một người chiến sĩ nông dân vùng Nam Bộ. Với lòng yêu nước mãnh liệt cùng sự căm ghét quân giặc sâu sắc, ông đã tham gia vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ngày ông đi, con gái đầu lòng của ông còn chưa tròn một tuổi. Nhưng ông đã cố gắng gạt đi sự quyến luyến, tình yêu thương gia đình. Để lại sau lưng là ánh mắt non nớt của con thơ cùng người vợ tảo tần để đi theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc. Quyết hy sinh đến tận hơi thở cuối cùng để bảo vệ từng mảnh đất, ngọn cỏ của dân tộc. Có thể nói, ông chính là hình ảnh đại diện cho lòng yêu nước của người nông dân Nam Bộ chân chất, mộc mạc.
Không chỉ là một người chiến sĩ yêu nước, ông còn là một người cha giàu lòng yêu thương con. Sau 8 năm trời ròng rã nơi chiến trường, cuối cùng ông cũng được về thăm quê hương, thăm gia đình. Nơi có người vợ hiền cùng đứa con thơ mà mình hằng mong nhớ.
Khi mới trở về nhà, “cái tình người cha cứ nôn nao trong lòng anh”. Xuồng còn chưa kịp cập bến nhưng nhìn thấy bóng dáng một đứa trẻ đang chơi nhà chòi. Biết là con mình, ông đã vui mừng vội vã đến mức nhún chân lên nhảy nhót làm chiếc xuồng chới với. Bước vội những bước dài, ông gọi to “Thu! Con!” cùng với sự mong chờ được ôm con vào lòng. Nhưng đáp lại sự háo hức của ông chỉ là cái nhìn ngơ ngác, lạ lùng và bỏ chạy đi của bé Thu. Điều đó khiến ông vô cùng đau đớn và thất vọng.
Mặc dù vậy, nhưng ông Sáu vẫn rất thương con. Trong ba ngày nghỉ phép, ông không dám đi đâu nhiều, chỉ ở nhà tìm cách gần gũi, vỗ về con. Ông chăm sóc, chiều chuộng Thu, chỉ mong được nghe một tiếng gọi “ba” đầy háo hức.
Nhưng hiện thực đau buồn, ước mong của ông dường như càng ngày càng vô vọng khi con ông bướng bỉnh và nhất quyết không gọi ba. Những người cha khác, được nghe con gọi tiếng “ba” có lẽ thật đơn giản. Nhưng với ông Sáu, đó lại là một khát khao cháy bỏng.
Khi con ông bị đẩy vào tình huống khó xử, dù thương con nhưng ông cũng chưa giúp. Chỉ đợi con bí thế gọi “ba” nhờ giúp đỡ nhưng cũng không được. Lúc ấy, ông chỉ biết cười trừ - một nụ cười đầy chua chát, đắng cay và bất lực. Trong bữa cơm, ông dành cho con mình miếng trứng cá to và ngon nhất, nhưng con lại chẳng cần mà hất văng trứng cá ra.
Có lẽ vì bất lực, vì mong ngóng, cũng vì đau thương dồn nén bấy lâu nay đã hóa thành sự tức giận nhất thời mà ông Sáu đã đánh con. Cái đánh ấy khởi nguồn tình tình thương con sâu nặng, từ sự mong ngóng được hồi đáp tình cảm từ con. Sau khi đánh con, ông vô đã vô cùng hối hận, đó chính là nỗi lòng của người cha bị con chối bỏ, nhưng vẫn không thể ngừng yêu thương đứa con bé bỏng của mình.
Tình cảm sâu đậm mà ông dành cho con được thể hiện rõ nét trong khung cảnh chia tay. Giây phút bé Thu nhận cha, gọi một tiếng “ba” xé gan xé ruột, ông Sáu như vỡ òa trong hạnh phúc. Ông đã khóc, khóc vì sự đợi chờ cuối cùng đã được hồi đáp. Tuy nhiên, cuối cùng thì ông vẫn phải lên đường làm nhiệm vụ. Trong những ngày tháng ở chiến trường, vì thương con, nhớ con, ông đã làm chiếc lược ngà để giữ lời hứa mang về con con một cây lược.
Tình thương con của ông Sáu trong những ngày ở chiến khu càng thêm gia diết. Ngày ông trở về chiến trường Nam Bộ tiếp tục tham gia kháng chiến, ông đã mang theo tình thương và nỗi nhớ con vào chiến trường. Ông cũng không quên ân hận vì trong lúc tức giận đã đánh con. Thương nhớ cùng ân hận của ông đã được dồn hết vào chiếc lược ngà. Hình ảnh “chiếc lược ngà” được ông làm một cách tỉ mỉ chính là thể hiện sâu sắc nhất tình cảm mà ông Sáu dành cho bé Thu, cũng chính là minh chứng cho tình cha con mãnh liệt, vượt cả bom đạn của chiến tranh.
Hơn hết, ông Sáu còn là một người chiến sĩ Cách mạng tận tâm, kỉ luật và trách nhiệm. Dẫu mang nặng lòng với vợ, với con, nhưng ông chỉ về thăm nhà khi được nghỉ phép. Dẫu luôn canh cánh nỗi nhớ gia đình, ông vẫn quyết tuân thủ quy định và làm tròn trách nhiệm của một người lính.
Kể cả khi chia tay con mới nhận cha và được người đồng đội gợi ý ở lại nhà thêm vài hôm, ông vẫn quyết dằn lại niềm hạnh phúc, quyến luyến để lên đường hoàn thành nhiệm vụ. Từ chi tiết đó, có thể khẳng định rằng, ông Sáu là một người lính mang trên mình trách nhiệm đối với đất nước, vì thế, ông luôn hoàn thành nhiệm vụ mà đất nước giao cho mình.
Nguyễn Quang Sáng đã rất thành công trong việc tái hiện và khắc họa một cách chân thực tính cách nhân vật ông Sáu. Đồng thời, diễn biến tâm lí nhân vật cũng được xây dựng một cách tinh tế. Qua đó, tác giả đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng sâu sắc về một người cha hết mực yêu thương con, cũng là một người chiến sĩ giàu trách nhiệm, kỷ luật và nặng lòng với quê hương, đất nước. Và rồi, đến cả khi đã gấp lại trang sách cũ, người ta vẫn canh cánh mãi những nỗi niềm rất lạ, rất riêng.
Tham gia Cộng đồng Lazi trên các mạng xã hội | |
Fanpage: | https://www.fb.com/lazi.vn |
Group: | https://www.fb.com/groups/lazi.vn |
Kênh FB: | https://m.me/j/AbY8WMG2VhCvgIcB |
LaziGo: | https://go.lazi.vn/join/lazigo |
Discord: | https://discord.gg/4vkBe6wJuU |
Youtube: | https://www.youtube.com/@lazi-vn |
Tiktok: | https://www.tiktok.com/@lazi.vn |
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |