Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Giáo dục của nước ta trong thời gian gần đây đã thu được một số thành quả nhất định, có thể gọi là thành công, gây được tiếng vang lớn với bạn bè trong nước và quốc tế. Chúng ta đã biết đưa ra những phương pháp học tập hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nước nhà. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những phương pháp học đáng bị lên án và cần phải được loại bỏ, đó chính là học đối phó. Phương pháp học này đang dần dần gây nên hậu quả nghiêm trọng khiến chúng ta khó có thể lường trước được.
Vậy thế nào là học đối phó? Đó chính là hiện tượng các em học sinh học bài không trên tinh thần tự nguyện và ý thức tự giác học tập để tiếp thu kiến thức. Các em học chỉ mang tính chất tạm bợ, ví dụ như học chỉ để vượt qua bài kiểm tra, vượt qua kỳ thi, rồi sau đó lượng kiến thức không hề đọng lại trong tâm trí của các em. Hiện tượng này đang xảy ra rất phổ biến ở học sinh hiện nay, dần trở thành một vấn đề khó có thể kiểm soát. Nếu cứ kéo dài tình trạng học thế này, sẽ gây nên một hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến những thế hệ tương lai của đất nước khi mà các em ra trường, sẽ không có kiến thức thực sự để phục vụ cho công việc, cuộc sống. Lý do của tình trạng này có lẽ một phần do tư tưởng của các em, học chỉ để đối phó,báo cáo kết quả với cha mẹ, thầy cô, chứ các em không hề nghĩ rằng học là để cho mình, cho tương lai của chính bản thân của mình.
Hiện tượng học đối phó đang diễn ra rất nhiều trong học sinh, biểu hiện rõ ràng khi học đối phó cơ bản nhất là khi hàng ngày, các em làm bài tập về nhà một cách đối phó, chép lời giải ở sách giải mẫu, hoặc chép của chính các bạn cùng lớp…mục đích chỉ để hôm sau các thầy cô kiểm tra không bị phạt, không bị điểm kém. Hoặc đó là khi ngày thường các em không học, không tập trung trau dồi kiến thức, chỉ khi sắp đến đợt có bài kiểm tra, hoặc trước một kỳ thi, các em mới lao vào học vẹt, học tủ, với mục đích vượt qua kỳ thi, rồi sau kỳ thi thì kiến thức đọng lại trong các em chẳng còn là bao nhiêu.
Hậu quả của việc học đối phó là rất nghiêm trọng. Các em mới chỉ là học sinh, học cho mình nhưng đã tìm cách đối phó. Vậy đến khi các em trưởng thành, đi làm, cống hiến cho gia đình và xã hội, nhưng không có kiến thức thực sự thì các em sẽ ra sao? Một thế hệ trẻ, tương lai của đất nước đang bị đe dọa vô cùng nghiêm trọng, nếu như các em học sinh vẫn có tư tưởng học đối phó như vậy.
Muốn xử lý tình trạng học đối phó, chỉ có thể bắt đầu từ ý thức của chính bản thân các em. Các em phải hiểu được mục đích việc học của các em là để làm gì? Cho chính tương lai của các em, cho gia đình, cho đất nước. Có như vậy các em mới có thể thay đổi tư tưởng và học hành nghiêm túc. Gia đình, nhà trường cần phải thường xuyên theo dõi, bảo ban các em học hành cẩn thận, để các em không xao nhãng học hành, dẫn đến những hậu quả không đáng có.
Thật vậy, để thay đổi một nền giáo dục không phải chuyện dễ. Và muốn làm được điều đó, chính các em học sinh hiện nay sẽ là người quyết định, các em là tương lai của đất nước. Vậy nên mỗi chúng ta, cần phải ngăn chặn, bài xích hiện tượng học đối phó, vì một nền giáo dục của nước nhà phát triển tốt đẹp hơn.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |